USCIRF: Việt Nam đủ điều kiện để bị xếp vào danh sách CPC
Theo báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên toàn thế giới do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) thì Việt Nam là một trong các nước đã hội đủ điều kiện bị xếp vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, gọi tắt là CPC.
Bản báo cáo thường niên năm nay của USCIRF được công bố đúng vào ngày 30-4 đã đưa ra nhận định là trước áp lực của quốc tế, tình hình tự do tôn giáo ở Việt nam đã có một vài tiến triển trong hơn thập niên qua nhưng hiện vẫn còn rất xấu. Theo báo cáo, trong năm 2012, trong khi xảy ra tình trạng đấu đá trong nội bộ đảng cộng sản, chính phủ Việt Nam đã gia tăng các biện pháp đàn áp đối với bất cứ hoạt động nào bị coi là thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng, siết chặt việc kiểm soát tự do bày tỏ ý kiến, lập hội, hoạt động tôn giáo. Hà Nội đã bỏ tù ít nhất 34 người bất đồng chính kiến, một số người phải chịu các án tù lâu năm. Nhà cầm quyền Việt Nam đã dựa trên những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để đàn áp các hoạt động các tôn giáo bao gồm Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành độc lập… kể cả việc phân biệt đối xử, và dùng vũ lực và bắt người theo đạo phải bỏ đạo, nhất là ở vùng cao dân tộc thiểu số, nhiều người bị đánh đập và bắt bỏ tù.
Danh sách CPC được coi như là một biện pháp ngoại giao nhằm gây sức ép giúp cải thiện tình hình tự do tôn giáo tại các nước mà không làm ảnh hưởng đến các khía cạnh khác về quan hệ hai nước như thương mại, và các chương trình nhân đạo.
Trong báo cáo năm nay, một lần nữa Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ lại yêu cầu đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Song song, qua bản báo cáo, Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Quốc tế Hoa Kỳ cũng đưa ra một loạt các khuyến nghị cụ thể về mặt chính sách với chính phủ Mỹ trước những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong đó bao gồm việc tăng cường sử dụng ưu tiên 1 chấp nhận những người tị nạn bị truy bức và phải bỏ nước sang lánh nạn tại các nước trong khu vực mà không cần có sự giới thiệu của Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tị nạn; đảm bảo các quỹ mới viện trợ Việt Nam về kinh tế hay an ninh phải bao gồm vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo và xây dựng năng lực cho xã hội dân sự, tiếp tục giám sát và đưa ra những chỉ dấu và đo lường các tiến bộ đạt được trong đối thoại nhân quyền hai nước, tiếp tục tài trợ các chương trình phát sóng của VOA và RFA về Việt Nam.
Việt Nam sắp mất thương hiệu ‘Nước mắm Phú Quốc’
“Nước mắm Phú Quốc”, thương hiệu đặc biệt nổi tiếng đối với người Việt khắp nơi trên thế giới, nay đang trong tình trạng chật vật để sinh tồn vì để mất thương hiệu.
Tin từ Tiền Phong, nhãn hiệu Nước Mắm Phú Quốc đã bị lạm dụng từ khá lâu. Nước mắm nhãn hiệu Phú Quốc ghi nguồn sử dụng bằng “nguyên liệu cá cơm Phú Quốc” đang được bày bán tràn lan, để đánh lừa người tiêu thụ.
Bí quyết sản xuất này xuất hiện tại Phú Quốc từ cuối thế kỷ thứ 19 đã tạo nên một danh tiếng cho nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc.” Thế nhưng, càng về sau, nước mắm Phú Quốc bị đánh cắp nhãn hiệu ngày càng nhiều. Từ loại được sản xuất, đóng chai ở đất liền, rồi gần 40 năm nay, được sản xuất tại Thái Lan cho “đeo lon” Phú Quốc rồi tung ra thị trường thế giới.
Ước tính mỗi năm có khoảng 30 triệu lít nước mắm có màu cánh gián tự nhiên nhờ được ướp bằng cá cơm ngay trên tàu đánh bắt trên vùng biển Phú Quốc được xuất cảng khắp năm châu. Thế nhưng, nước mắm mang tên Phú Quốc lại có mặt khắp thị trường thế giới lên đến 200 triệu lít mỗi năm. Thực tế này khiến ngư dân và nhà sản xuất nước mắm hiệu Phú Quốc đau xót, nhưng không làm gì được từ hàng chục năm nay.
Tại Việt Nam, thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” đã được Cục Sở Hữu Công Nghiệp công nhận tên gọi và xuất xứ. Ðến Tháng Mười năm rồi, “Nước mắm Phú Quốc” được Liên Âu cấp qui chế bảo hộ thương hiệu.
Trước đó, từ giữa năm 2005, Bộ Thủy Sản cộng sản Việt Nam ban hành qui định nói rằng thương hiệu NMPQ chỉ được công nhận khi nhà sản xuất sử dụng 95% nguyên liệu cá cơm, cũng như phải chế biến, đóng góp tại vùng đất thuộc huyện đảo Phú Quốc.
Tuy nhiên, gần 10 năm nay, người ta vẫn chưa tái lập được trật tự thị trường. Nước mắm Phú Quốc vẫn được sản xuất lung tung khắp nơi, nhiều nhất ở Thái Lan, mà không ai làm gì được.
Các nước Á Châu lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc
Việc Trung Quốc tổ chức tua du lịch, đưa du khách ra thăm thành phố Tam Sa và Đảo Tây Sa trong quần đảo Hoàng Sa, đã gây lo ngại cho nhiều nước Á Châu.
Theo bản tin của báo The Globe and Mail nói rằng mặc dù tua du lịch ra Hoàng Sa được phía Trung Quốc miêu tả như một chuyến du lịch thường tình đưa du khách ra tắm nắng trên một hòn đảo ở Biển Đông, nhưng đối với Việt Nam, sự hiện diện của các du khách Trung Quốc đầu tiên tại quần đảo Hoàng Sa đươc coi như một hành động “xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam”.
Tua du lịch có tính khiêu khích của Trung Quốc, được sự khuyến khích của nhà nước ở Bắc Kinh và được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi, chỉ là một cách để Trung Quốc thách thức quyết tâm của các nước láng giềng trong mấy ngày gần đây.
Tờ Globe and Mail nói hành động gây hấn quyết liệt hơn của Trung Quốc đang gây quan ngại sâu rộng tại phần lớn Châu Á, và đặt ra những nghi vấn về điều mà nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, thực sự ám chỉ khi ông đề cập tới cao vọng muốn thực hiện cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa.” Ông Tập miêu tả cụm từ đó là nỗ lực hồi sinh đất nước ông, nhưng nhiều người khác liên kết cụm từ đó với việc xây dựng lực lượng quân sự nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Malaysia mới đây cũng khiếu nại về những hành động xâm nhập lãnh thổ của họ, mà các nước này nói nằm bên ngoài quyền tài phán của Trung Quốc.