Nhà cầm quyền CSVN đe dọa, khủng bố người dân thực thi quyền công dân
Tin từ các trang mạng thì thầy giáo Đặng Đăng Phước vừa bị CA Đăk Lăk gửi ‘giấy mời’ nhằm mục đích đe dọa, sách nhiễu vì đã công khai ký tên vào những lời tuyên bố thực thi quyền công dân trên mạng.
Được biết vào ngày 24 tháng 04 vừa qua, Phòng PA 25, Công an tỉnh Đăk Lăk đã gửi giấy mời ‘làm việc’ đến thầy giáo Đặng Đăng Phước, giáo viên của trường Trung cấp sư phạm mần non Đăk Lăk, hiện sống tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đặc biệt là trong giấy mời làm việc ngày 26/04/2013, CA Đăk Lăk đã thể hiện thái độ hách dịch, kẻ cả của mình khi không hề ghi rõ lý do làm việc, ngay cả người ký giấy mời, chỉ ghi tắt là “D/c Lương”
Khi thầy giáo Phước gọi điện thoại để biết lý do, thì viên an ninh tên lương cho biết là “làm việc về một số ý kiến trên mạng”.
Được biết, thầy giáo Đặng Đăng Phước là người đã ký tên vào rất nhiều bản lên tiếng và tuyên bố gần đây nhằm thực thi quyền công dân. Trong đó có bản Tuyên bố ủng hộ Đoàn Văn Vươn, Kiến nghị 72, Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do….
Ngoài ra, trong thời gian qua, 28 giáo xứ Công giáo của huyện Trảng Bom đã tổ chức góp ý dự thảo Hiến pháp bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó là việc phổ biến Góp ý Dự thảo Hiến pháp của Hội đồng Giám mục Việt Nam thì đã bị UBND Huyện gửi văn thư đến Linh mục Chánh xứ, “nghiêm khắc phê bình”, yêu cầu “thu hồi ngay và không được tái diễn, tuyên truyền, tán phát…”
Cúm H1N1 bùng lên mạnh mẽ tại Việt Nam
Tin từ trong nước, thì hiện nay dịch cúm H1N1 đang phát triển trội lên, chiếm 48%, trong khi năm ngoái tỷ lệ này chỉ là 5 đến 7%. Từ đầu năm đến nay đã có 3 người chết vì loại cúm này. Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết từ đầu năm đến nay, trong số gần 1000 mẫu bệnh phẩm hô hấp được thu thập có gần 120 mẫu dương tính với cúm, chiếm hơn 12%. Trong đó nổi bật lên là cúm H1N1, sau đó là cúm B và H3N2. Tương tự, trong số 335 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thì tác nhân cúm chiếm hơn 8%, trong đó cũng ghi nhận sự trội lên của virus H1N1.
Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250 đến 500 ngàn người tử vong vì cúm. Trong đó, cúm H1N1 nguy hiểm hơn vì có thể lây từ người sang người, chính vì thế virus này từng gây ra đại dịch trên toàn thế giới vào năm 2009. Cúm H1N1 chỉ có ở trên người, lan truyền theo đường hô hấp nên lây rất nhanh. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa, Yên Bái đều đã ghi nhận các chùm bệnh. Ngoài ra người dân cũng được cảnh báo không nên lơ là với dịch cúm gia cầm H5N1.
Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 2 người mắc cúm này tại Long An, Đồng Tháp, một trường hợp tử vong. Hiện dịch trên gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, đáng chú ý hàng ngàn con chim yến đã bị tiêu hủy.
Trong khi đó, tại Trung Quốc dịch cúm H7N9 chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đến nay đã có 104 trường hợp mắc bệnh, 21 người tử vong. Hiện mới có 13 trường hợp xuất viện, vẫn chưa xác định được nguồn truyền nhiễm. Thực tế, hơn 50% không xác định nguồn truyền nhiễm, vì thế chưa loại trừ nguyên nhân bệnh lây từ người sang người dù chưa rõ.
Ếch, cá Trung Quốc tràn sang Việt Nam
Tin từ báo chí trong nước thì sau hàng ngàn tấn gà, vịt, rắn rít, mèo… kể cả đồ lòng gia súc, vào sáng ngày 25 tháng 4, tới lượt ếch và cá của Trung Quốc được đưa sang Việt Nam.
Báo Tiền Phong cho biết, trên 1,000 con ếch và 600 con cá quả (miền nam kêu là cá lóc), tương đương nửa tấn, xuất xứ từ Trung Quốc được vận chuyển bằng một chiếc xe vận tải đã bị chận giữ trên đường lưu thông từ Hưng Yên hướng đến Hà Nội. Hơn 1,000 con ếch và cá quả được chứa trong các thùng và túi đầy nước vẫn còn sống.
Trong khi đó, theo các đội chống buôn lậu Móng Cái, các thương lái người Việt thường xuyên vượt biên giới sang Trung Quốc tìm mua các loại thủy sản như cá tầm, cá chình, cá quả, ếch… Số thủy sản này sau đó được đóng thùng, đưa lên thuyền vượt sông Ka Long rồi sang Việt Nam bằng đường bộ. Trung bình khoảng hai ngày có một chuyến hàng đầy ắp thủy sản Trung Quốc nhập lậu.
Cũng theo báo Tiền Phong, mỗi lần bị bắt quả tang, người chủ hàng vận chuyển thủy sản lậu từ Trung Quốc về chỉ bị phạt vạ khoảng 2.5 triệu đồng, tương đương 1.20 đô. Vì vậy, bất chấp việc phạt vạ, bắt bớ, thương lái Việt Nam tiếp tục đưa bất cứ thứ gì từ Trung Quốc về Hà Nội và các vùng khác để tiêu thụ, mà họ cho là được ưa chuộng, lời nhiều.
Điều quan trọng, theo dư luận, không ai kiểm soát được tình trạng ngừa dịch bệnh từ các loại động vật còn sống từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam.
Giới thẩm quyền Việt Nam thú nhận, không tài nào xác định được các loại hóa chất đã được dùng tẩm “thịt bẩn” Trung Quốc để giữ không bị thối, sau thời gian vận chuyển có khi lên đến hàng tuần.
Kaesong, sợi dây nối Bắc và Nam Hàn đã đứt
Hôm 26/04, Bộ Trưởng Thống Nhất Triều Tiên của Nam Hàn là ông Ryoo Kihl-jae đã đưa ra tuyên bố là Nam Hàn sẽ rút toàn bộ mọi nhân sự còn lại tại Kaesong để bảo đảm an toàn cho họ với lý do là Bắc Hàn đã tạo ra những khó khăn không thể chấp nhận được cho họ.
Khu công nghiệp Kaesong, nằm trên địa phận Bắc Hàn, chính yếu gồm những xưởng dệt và may nhỏ, với tổng cộng khoảng 53.000 công nhân Bắc Hàn, thuộc hơn 120 phân xưởng, và do khoảng 800 quản đốc người Nam Hàn điều khiển. Dự án Kaesong được khai trương vào năm 2004, đến nay vẫn được ca ngợi là biểu tượng của sự hợp tác hài hoà giữa hai quốc gia Nam và Bắc Hàn trên lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh kể từ đầu thập niên 1950 và ở trong giai đoạn “đình chiến” dựa trên một hiệp ước giữa hai nước.
Với khu công nghiệp Kaesong các công nhân Bắc Hàn được hưởng nguồn lợi ích là có công ăn việc làm với lợi tức đáng kể tuy rằng phần lớn tiền lương của họ bị chính quyền Bắc Hàn giữ lại.
Cách đây 3 tuần lễ Bắc Hàn đã rút hết công nhân ra khỏi Kaesong và cấm Nam Hàn đưa thêm tiếp liệu vào Kaesong và cấm không cho các nhân viên Nam Hàn vào Kaesong. Tính cho đến hôm nay chỉ còn khoảng 176 người Nam Hàn còn ở lại Kaesong và sẽ tiếp tục rút về Nam Hàn trong thời gian trước mặt.
Với hành động rút người toàn bộ từ cả hai phiá, sợi dây liên lạc quý báu còn lại giữa hai nước coi như đã đứt trong một bối cảnh hai nước trong tình trạng chiến tranh và mức độ căng thẳng ngày một leo thang. Người ta tự hỏi tình hình này rồi sẽ đi tới đâu.