Suốt mấy ngày qua tôi cứ suy nghĩ mãi về tội danh mà các cơ quan bảo vệ pháp luật của Hải Phòng đã gán cho anh Đoàn Văn Vươn và những người liên quan. Cho dù chính những người trực tiếp thụ bản án cũng thừa biết sự vô lý của nó tới mức nào.
Vụ án lại được xử đúng lúc đảng và nhà nước vẫn kiên định giữ điều 4 qui định quyền độc tôn lãnh đạo duy nhất của đảng. Cũng như muốn giữ bằng được cái gọi là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân…“ thực chất là sở hữu của những người nắm quyền.
Nếu như luật đất đai bất cập của Việt Nam đã tạo nên sự bất ổn bằng số vụ khiếu kiện về đất đai chiếm trên 80% các vụ khiếu nại tố cáo trên phạm vi cả nước. Thì “tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn“ chỉ là sự cảnh tỉnh, là giọt nước tràn ly khi tất cả niềm tin của người dân vào công lý và chính quyền đã đổ vỡ hoàn toàn. Chính nhờ tiếng súng đó mà công luận rộng rãi cả trong và ngoài nước mới biết được cái gọi là “trận đánh đẹp… có thể viết thành sách“ của đại tá Đỗ Hữu Ca – đương kim Giám đốc CA Hải Phòng, người trực tiếp chỉ huy trận “phối hợp tác chiến lược”, hay “ giữa lực lượng công an quân đội và dân quân diễn ra hôm 5/1/2012 ở đầm Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng nó “vẻ vang như thế nào“
Nếu vụ án diễn ra không phải ở “xứ thiên đường… dân chủ gấp vạn lần “, nơi có tam quyền phân lập như các “xứ giẫy chết“ thì những người chịu trách nhiệm cao nhất trực tiếp và gián tiếp vụ cưỡng chế sai pháp luật ở Đầm Vươn (như Đại tá Đỗ Hữu Ca là ví dụ) phải bị khởi tố và phải cúi đầu trước vành móng ngựa về các tội xâm phạm và phá hoại tài sản của công dân. Đó là chưa tính đến việc xả súng bừa bãi vào nơi ở hợp pháp của công dân…
Nhưng nếu như vậy thì đảng làm sao mà còn một mình một chợ muôn năm lãnh đạo trên một đất nước mà đã có lần được khoe là có “chỉ số hạnh phúc đứng thứ hai thế giới“ được nữa. Nhiều ý kiến bày tỏ sự cám ơn kết luận của Thủ tướng Dũng. Nhưng sự lắt léo trong cái câu chỉ đạo (hay kết luận đó) đối với lãnh đạo Hải Phòng là: “để xảy ra việc này là rất đáng tiếc”, nhưng đồng chí X vẫn không quên thòng cái câu mang tính rất định hướng: “khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. Phải chăng vì vậy mà cái chữ “giết người và chống người thi hành công vụ” đã được đảng và nhà nước Hải Phòng đã nghiêm chỉnh thi hành qua các tội danh được tuyên cho cả gia đình họ Đoàn chăng?
Nay sau khi phiên sơ thẩm kết thúc, ta cũng không thấy ngạc nhiên lắm khi tòa Hải Phòng vẫn giữ cáo trạng xử phạt vào tội giết người mà áp khung hình phạt lại nằm ngoài khung tội này. Viện cớ “thân nhân tốt“ ư? “phạm tội lần đầu và thành khẩn khai báo“ ư? Tất cả chỉ là ngụy biện. Khi chính những người “bị hại“ (bởi cái lệnh cưỡng chế sai) cũng không còn đòi bồi thường và không muốn án nặng cho những người đã bắn súng hoa cải vào mình.
Có người cho rằng cơ quan bảo vệ pháp luật Hải Phòng đã “giơ cao đánh khẽ“ trong phiên sơ thẩm này. Nhưng nếu ai theo dõi sát mấy ngày xử án thì đều thấy việc các quan tòa chỉ tập trung vào cáo trạng “giết người“ của anh em ông Vươn mà lờ đi cái nguyên nhân sai trái dẫn tới sự phản kháng ấy. Những lời khai của bị can như hành vi tra tấn, bức cung, ép cung và ép ký khống vào bản cung giấy trắng và hành vi nhận hối lộ của điều tra viên. Cũng như những câu hỏi của luật sư về việc xác định lực lượng cưỡng chế mang vũ khí và các công cụ hỗ trợ như đi trấn áp tội phạm chứ không phải đơn thuần là thi hành một công vụ hành chính là đúng hay sai? Các yêu cầu cụ thể và quan trọng ở một vụ án “giết người“ như: giám định lại kích cỡ vỏ đạn, xác định ai bắn trước và các vết đạn trên tường nhà ông Qúy được bắn khi nào… đều không được chủ tọa đáp ứng một cách minh bạch ở một phiên xử được nhiều người quan tâm như phiên tòa này.
Chính vì những bất cập trên mà nhiều ý kiến nhận định rằng còn nhiều hệ lụy nghiêm trọng nữa. Cho dù chính quyền đã tỏ ra nỗ lực nhiều để “an dân“ và trấn yên dư luận và khép lại vụ án lịch sử này. Nhưng qua cách hành xử của chính quyền như thượng dẫn, chắc chắn phiên tòa sẽ không dừng lại. Khi những lao động chủ lực của họ Đoàn vẫn bị buộc tội “giết người“ và lâm vào vòng lao lý. Họ sẽ tiếp tục kháng cáo. Đó chính là điều mà những người cầm quyền không hề mong đợi. Cho dù công lý của tầng lớp cai trị không bao giờ nương nhẹ với đám con ong cái kiến cứng đầu. Nhưng bị dồn vào bước đường cùng. Khi cái sợ hãi đã trở nên bão hòa thì con người ta không còn cảm thấy khiếp sợ nữa. Tức nước vỡ bờ chắc chắn sẽ xẩy ra. Tới lúc đó những người cầm quyền u mê có hối thì cũng không còn kịp nữa. Và như nhận định của Kiến trúc sư Trần Thanh Vân thì kết cục của vụ án “Đầm Nọc Nạn mới“ ở Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng sẽ là tiền đề cho một “cuộc khởi nghĩa nông dân“ chắc chắn sẽ xẩy ra vào một ngày không xa!