“Người là vốn quý nhất!” – cả đấng minh quân thân dân và chí ít có một tay độc tài khét tiếng, nói thế. Tư tưởng cơ bản nhất của nhiều tôn giáo như đạo Phật, đạo Ki tô, Khổng giáo, v.v. đều lấy con người làm bản vị. Tinh thần nhân bản tràn trề trong Phật pháp, trong Kinh Thánh cũng như kinh Coran. Thường thấy những gì con người sinh ra, nghĩ ra và tiếp tục hoàn thiện đều nhân danh quyền lợi con người, kể cả bom nguyên tử. Tu thân có mục đích sâu xa là “bình thiên hạ”, “bình thiên hạ” ngày nay là sự nghiệp cái lưỡi bò. Hư thật lẫn lộn hoài khó nhận biết. “Vua nước Tề yêu ngựa, thích cưỡi ngựa nên thấy ngựa là đưa tay ve vuốt, âu yếm. Vua nước Tần thích đánh nhau nên yêu trẻ con” (theo Hàn Phi Tử).
Nếu không có con người, không lấy con người làm vốn quý thì không tôn giáo nào, không quốc gia nào có thể tồn tại được. Cho nên dù có nghĩ như thế hay không, có thực sự vì con người hay ngược lại, vì chính bản thân mình, bất kỳ ai muốn được đi theo, được ủng hộ đều phải nói là mình yêu mình quý con người dù trong đó có không ít kẻ nói dối! Ngọn cờ nào cũng hàm chứa một chữ nhân lờ mờ phía trong, có điều là lời nói có đi đôi với việc làm hay không mà thôi, có khi giơ lên soi lại thấy ba chữ “ăn thịt người” (ý của Lỗ Tấn về lịch sử Trung Quốc).
Yêu được con người thật khó! Vì muốn yêu được người khác thêm một chút, ta phải bớt yêu mình đi một chút. Lev Tolstoi, nhà văn vĩ đại chuyên rao giảng tình thương, đã có lần sám hối rằng ông đã bịt mũi, buồn nôn, không đủ can đảm để đến gần, chưa nói đến chuyện vực dậy, một kẻ say rượu bẩn thỉu hôi hám nằm ngất trên tuyết bên vệ đường. Ông đã không bớt yêu mình dù một chút để yêu người. Sám hối vì đã không thực hiện những lời mình khuyên răn kẻ khác. Những người như thế rất nhiều, không chỉ một Tolstoi. Nhưng họ vẫn ít hơn những kẻ cố tình nói dối, cố tình chơi ác với con người mà lại không biết sám hối.
Nhiều lúc ta tự hỏi, vì sao một xã hội lấy con người làm vốn quý nhất, lấy dân làm gốc (chứ không phải gốc cây), một xã hội có mênh mông giáo đường các loại răn dạy yêu quý con người, vì con người, con người là vốn quý, con người vang vang hai tiếng tự hào, v.v. lại để xảy ra những chuyện tưởng một người sống thời Trung cổ nằm mơ cũng khó thấy được.
Tại sao người ta lại có thể nhẫn tâm xua chó cắn đến chết một người phụ nữ nghèo đi mót cà phê như vụ xảy ra trong rẫy ông Thành ở Tây Nguyên? Tại sao, một em bé mồ côi như em Bình ở ngay thủ đô Hà Nội, em Phương ở Hòa Bình, phải đi làm quần quật để kiếm cơm trong quán phở, như bé Hào Anh làm thuê trong đầm tôm ở Cà Mau, bữa cơm nào của các em cũng chan nước mắt. Thế mà các em vẫn bị tra tấn, đánh đập với những đòn roi khủng khiếp như vết cào của mãnh thú chứ không phải của chính những người vừa được các em hầu hạ?
Tại sao một tay dân phòng hay một sĩ quan công an lại có thể đánh đến chết người vô tội khi đã còng tay họ vào ghế, khi họ không còn có thể có được một phản ứng tự vệ nào như vụ viên cựu Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh vừa được xử hay vụ 4 tên tội phạm đánh chết dân vừa bị pháp luật khởi tố ở Đông Anh? Liệu đó còn là con người đối xử với con người? Liệu đó có phải là thái độ của những kẻ không chịu nổi người khác thách thức quyền lực của mình dù chỉ là cái oai bé tẹo của một anh dân phòng? Tội ác, án mạng xảy ra gần đây cũng có nhiều nét đáng sửng sốt. Tội phạm không còn mấy khuôn mặt người mà là mặt dã thú. Trước đây phần lớn tên sát nhân giết người vì tiền, vì nghèo đói. Hôm nay có nhiều vụ giết người chẳng vì gì hết, chỉ vì một cái nhìn được coi là “nhìn đểu” hay một câu nói vu vơ có thể bỏ qua giữa người và người với nhau. Nhưng kẻ giết người ấy vẫn thản nhiên lấy đi mạng sống của người khác, thậm chí của đấng sinh thành hay của người mình vừa yêu, vừa ân ái xong. Chúng giết người vì cái máu dã thú nổi lên mà thôi! Nét mới ấy trong tình trạng tội ác làm đau đầu, nhức nhối mọi người trong xã hội, đòi hỏi câu trả lời nghiêm túc. Có một lối rẽ to tướng, một con đường phi nhân đang hiện ra và đã không ít người có vị trí xã hội từ thấp đến cao, hăm hở bước tới.
Phải chăng thời ta đang sống, mạng người quá rẻ? Liệu con người còn là vốn quý nhất?
Và con đường phi nhân ấy đang tạo ra ngàn lẻ một hoàn cảnh hạ giá con người. Trong chiến tranh, mạng người khó giữ nhưng đắt giá. Người ta chết vì lý tưởng của bản thân, vì đại nghĩa của dân tộc hay nhân loại. Nhưng thời nay chúng ta phải chứng kiến những cái chết lãng nhách, chết không vì cái gì hết. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể vậy mà thành hư vô chỉ vì một giây lơ đễnh trên đường. Hầu như năm nào cũng vậy, nước ta có trên 13 ngàn người chết trong cuộc vật lộn hàng ngày trên đường phố hay trên đường thiên lý. Và kinh hoàng thay, cùng quãng thời gian một năm ấy, tại xứ sở Đại Việt lắm suối nhiều sông, có tới 6000 trẻ em chết đuối!
Con người cũng bị rẻ rúng khi đồng lương không đủ để tái tạo sức lao động. Hơn một thế hệ học sinh, sinh viên lặn ngụp trong một nền giáo dục “lạc hậu và lạc lối”, chưa tìm được ngõ ra đúng đắn để hòa nhập với tri thức nhân loại cũng như cuộc đại sản xuất thời @. Thay vì sáng chế ra và sử dụng rôbốt để nâng cao vị thế con người, không ít trẻ em đã trở thành rôbốt, bị đẩy vào cái ngăn hẹp cô đơn giữa hai tấm ván của quán NET, mê muội hủy hoại tuổi thơ và cuộc đời tương lai trong games và những trò chát chít vô nghĩa. “Con người làm ra thần thánh nhưng khi thần thánh lên ngôi thì con người thất bại” câu nói ấy của Tagore phải chăng là tiên đoán cho những ngày kỹ thuật số lên ngôi hôm nay?
Khủng hoảng lý tưởng sống làm con người loạng choạng và mất giá về mặt tinh thần. Lạm phát phi mã cũng như những chính sách tận thu sức dân đẩy con người chìm sâu vào vũng bùn tục lụy, khơi nguồn tội ác và hủy hoại thể xác. Con người “vang vang hai tiếng tự hào” nhờ văn hóa. Mà văn hóa chỉ phát triển khi con người không ngừng nâng cao được mức sống vật chất. Năng suất lao động cao mới có thêm thời gian nhàn rỗi và ngày nghỉ xác để làm văn hóa và “mưu cầu hạnh phúc”. Chúng ta có đủ về mặt lý thuyết. Không mấy quốc gia nói nhiều về “chiến lược về con người” như chúng ta, thường so sánh triệu lần, vạn lần hơn thiên hạ như chúng ta.
Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm chỉnh nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận một chân lý đơn giản: tất cả vì con người! Không vì con người thì mọi thứ đều vô nghĩa, mọi việc làm đều vô ích. Nếu bằng cách tước đoạt của người khác để mang lợi ích cho một nhóm người thì đó chỉ là lặp lại thói quen đáng ghê tởm của thú dữ tha mồi vào hang, nó chống lại con người và đang là nỗi xấu hổ của nhiều quốc gia. Tăng trưởng cao ư? Tăng trưởng cao sẽ có nghĩa lý gì khi môi trường sống bị hủy hoại, khi hàng loạt nông dân mất đất phải bỏ làng ra sống cầu bơ cầu bất ở thành phố, khi người ta cho xây dựng đập thủy điện để lấy lời mà không hề quan tâm xem phía dưới kia tính mạng người dân sẽ ra sao như trường hợp Sông Tranh 2.
Mong sao mọi chính sách tầm quốc gia bên trên cũng như hành động của một anh dân phòng bên dưới, thực hiện được những gì đã từng ghi trên lá cờ đại nghĩa của dân tộc cách đây hơn nửa thế kỷ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và “dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Tuyên ngôn độc lập VNDCCH 1945).
Không có gì mới lạ. Người ta chỉ cần làm được những gì đã nói ra mà thôi. Con người được đề cao và được tôn trọng trong thực tế sẽ là nhân tố của bất kỳ xã hội và nền chính trị lành mạnh nào.