Nhóm Kiến nghị 72 lên tiếng
Để đáp lại ’chiến dịch’ tấn công trên các luồng thông tin chính thống, hôm thứ Ba 2/4, nhóm chủ xướng Kiến nghị 72 đã đưa ra một Thông cáo trong đó viết rõ: “cho đến nay nội dung của Kiến nghị 72… bị một số vị lãnh đạo và một số bài viết trên báo hàm ý phê phán gay gắt, kết tội là chống đối Đảng cầm quyền và Nhà nước, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, thậm chí đòi xử lý”.
“Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp…”
“Vì vậy, đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân”.
Kiến nghị 72 gồm 7 điểm, đặt khuyến nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng CSVN lên hàng đầu, coi đó là điều kiện cần thiết để có thay đổi thực sự.
Bản Thông cáo viết: “Dùng bạo lực và những thủ đoạn không chính đáng để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả Đảng CSVN,” . “Kiến nghị 72 không có mục đích nào khác hơn là góp phần vào bước khởi đầu đổi mới thể chế chính trị theo tinh thần đó”.
Nhóm chủ xướng Kiến nghị 72 yêu cầu công bố Kiến nghị 72 cũng như các ý kiến khác với Dự thảo mà giới chức đưa ra, “chấm dứt cách đưa tin, bình luận một chiều, tạo điều kiện và khuyến khích thảo luận công khai, dân chủ, tranh luận thẳng thắn, nhằm đạt được sự đồng thuận tối đa theo tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc”.
Công an TP Sài Gòn góp ý Dự thảo Luật đất đai
Ngày 2.4.2013 trang web Công an thành phố Sài Gòn đã cho biết, góp ý về sửa đổi hiến pháp, công an TP Sài Gòn đã nêu ý kiến: Nhà nước không can thiệp vào chuyện thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế –xã hội
Cần tránh việc lợi dụng danh nghĩa thu hồi đất để trục lợi cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư dự án phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quyền lợi về tài sản đất đai của người dân.
Trong một phát biểu phân biệt rõ chức năng của Nhà nước mà các chiến sỹ công an là lực lượng thực hiện thi hành pháp luật, họ đã đề nghị chỉ “thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.
Mặt khác, công an TP Sài Gòn cũng đã đề nghị các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội phải trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất.
Không chỉ có vậy, công an TP Sài Gòn trong phần góp ý về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) còn phê phán các bất cập trong chính sách bồi thường đất đai theo Luật Đất Đai 2003 và nêu ra các thách thức về mặt kinh tế cũng như an ninh chính trị:
“Giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất chênh lệch rất lớn và thấp hơn nhiều so với giá thị trường; chính sách hỗ trợ, tái định cư còn nhiều điểm chưa hợp lý,”
“Rất nhiều trường hợp hộ gia đình khi chuyển về nơi tái định cư không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, trong khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến đời sống của họ…”
“Đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác thu hồi, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương.”
Trung Quốc lũng đoạn thị trường thép
Trong một bài phỏng vấn được tờ báo trên mạng The Malaysian Reserve công bố vào ngày 01/04/2013, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen ông Lê Phước Vũ đã bác bỏ các cáo buộc Tập đoàn này bán phá giá thép, đồng thời xác định rằng « thủ phạm lớn nhất » phá giá sắt thép trong vùng Đông Nam Á chính là các nhà sản xuất Trung Quốc.
Theo ghi nhận của tờ báo Malaysia, ông Vũ đã nói rằng giới làm thép tại Trung Quốc chỉ cạnh tranh về giá cả chứ không phải về chất lượng và các thủ đoạn bán phá giá các sản phẩm thép của họ rất phổ biến trong khu vực.
Đối với ông Lê Phước Vũ, các sản phẩm thép của Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về độ dày của thép.
Riêng về sản phẩm của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ khẳng định sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý và đó là lý do giúp thép VN xâm nhập thành công vào các thị trường xuất khẩu. Ông cho biết thêm, Tập đoàn Tôn Hoa Sen tuân thủ chặt chẽ mọi quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Do vậy, những cáo buộc của phía Malaysia là không có cơ sở ».