Cần đa Đảng để chống chảy máu chất xám

- Quảng Cáo -

http://boxitvn.blogspot.ca/2013/03/…

Vừa rồi báo chí đưa tin có tới hơn 30% cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước có cũng như không. Đây là con số được các cơ quan có trách nhiệm đưa ra.

Chưa hết, tại cuộc họp UBTVQH ngày 26/3/2012 đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã thẳng thắn chỉ rõ có khoảng 30% cán bộ sau tuyển dụng là làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc, còn hơn 30% mặc dù cầm tay chỉ việc vẫn không biết làm.

Theo báo Dân trí ngày 13/12/2012 thì Nhà nước mà cụ thể là Nhân dân phải đóng thuế nuôi 6.600.000 cán bộ công chức “vô tích sự” nếu không muốn nói là họ không có tư duy, không có chất xám tràn lan trong các công sở, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước… Đây có phải là một biểu hiện của ngành kinh doanh quyền lực siêu lợi nhuận mà nếu đa đảng thì ngành này sẽ không còn đường sống nên một số người có chức quyền trong Đảng đang quyết tâm dựa vào thứ lý luận đảng trị, chuyên quyền độc đoán, mặc dù họ luôn luôn thừa nhận Đảng của họ có một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất và họ cũng chẳng đưa ra một lộ trình nào khắc phục được vấn đề này để dân tộc, đất nước tin tưởng ở họ.

- Quảng Cáo -

Còn về tình trạng chảy máu chất xám thì sao? Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tình trạng chảy máu chất xám một cách nghiêm trọng. Theo Đài tiếng nói nước Nga ngày 2/10/2012 thì Việt Nam chúng ta có khoảng 400.000 chuyên gia có tay nghề cao đã bỏ nước ra đi. Những chuyên gia này là các chuyên gia hàng đầu của các ngành công nghệ cao, hầu hết những người này không quay trở lại quê hương… Đó là chảy máu chất xám ra nước ngoài. Còn chảy máu chất xám trong nước? Khi mà các học sinh, sinh viên khá giỏi từng tu nghiệp tại nước ngoài hoặc các cơ sở đào tao uy tín trong nước khi ra trường không thèm làm việc trong các cơ sở của Nhà nước như các viện nghiên cứu, các trường đại học, các công sở hay các doanh nghiệp Nhà nước… số vì lý do lương thấp chỉ rất nhỏ mà quan trọng hơn là vì họ không muốn đem kiến thức phục vụ cho những cái đầu rỗng tuếch ngồi ghế trên họ, họ không muốn bè phái ô dù… và phần nào họ nghĩ rằng không thể sống, cống hiến, làm việc chung cùng lũ “vô tích sự” kể trên.

Trong quá khứ, Việt Nam cũng đã từng có nhiều đợt chảy máu chất xám như nạn vượt biên sau chiến tranh, sau việc đánh đổ tư sản mại bản tại miền Nam. Trong chặng đường đầu tiên xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH và hàn gắn vết thương chiến tranh, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sa thải bằng hình thức cho nghỉ việc “một cục” hơn 78 vạn lao động lành nghề và ngày nay mặc dù không có thống kê chính thức nhưng số người lao động có tay nghề cao, cán bộ có năng lực tiếp tục muốn xin ra khỏi khu vực Nhà nước để làm ngoài…

Thường những người giỏi sẽ có tính độc lập, sáng tạo. Trong môi trường Đảng lãnh đạo toàn diện thì những người này không bao giờ có đất sống, nên tỷ lệ những người này bị trù úm là rất cao, khiến họ chỉ còn cách là ra khỏi môi trường Nhà nước để được yên thân. Đến nay không có con số thống kê nhưng thỉnh thoảng báo chí lại nêu các trường hợp bị đuổi việc, kỷ luật oan sai. Còn phía Đảng và Nhà nước không hề có một lời giải thích, hay nhận trách nhiệm gì về việc này.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này được một số người có trách nhiệm trong Đảng giải thích là do “tồn tại lịch sử”. Còn đại bộ phận nhân dân thì không hề thấy có một lý do nào thể hiện đó là vấn đề lịch sử. Vậy phải có những nguyên nhân nào khác?

Gây nên tình trạng chảy máu chất xám có rất nhiều nguyên nhân, mà bao trùm lên nó là nguyên nhân độc Đảng, biểu hiện của nó là chuyên quyền độc đoán, bè phái, lợi ích nhóm, coi công việc của quốc gia dân tộc là công việc của riêng Đảng, coi thường trí thức, gạt bỏ ý kiến ngay thẳng, nuôi dưỡng bọn nịnh bợ xu thời, làm ngơ trước những oan trái trong nhân dân, để mặc việc chạy chức chạy quyền, chạy án âm ỉ biến tướng dưới nhiều hình thức và từ nhiều năm nay không chịu khắc phục. Số cán bộ Đảng viên có chức có quyền giàu có bất chính, trong khi đại bộ phận quần chúng nhân dân ngày càng nghèo đi. Tư liệu sản xuất của nông dân không được đảm bảo. Các tập đoàn tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ nước ngoài chồng chất, hệ thống pháp luật vừa thừa vùa thiếu, vừa yếu, chỉ có lợi cho Đảng, bộ máy Nhà nước thì cồng kềnh, quan liêu, trì trệ…

Những thực trạng như thế và nguyên nhân đã được những công dân có trách nhiệm đủ mọi thành phần từ nông dân đến trí thức chỉ ra cho Đảng để có cách khắc phục hữu hiệu nhất nhằm đưa đất nước, dân tộc tới hùng cường giàu mạnh. Nhưng tiếc thay một số người có trách nhiệm không chịu tư duy, suy nghĩ một cách chính chắn hoặc đem thảo luận kỹ càng mà chưa gì đã chụp mũ những ý kiến đóng góp chân thành và khoa học, khách quan của mọi người dân.

Những người cầm quyền hiện nay đang vô tình hoặc vì một lý do nào đó không chịu nắm bắt xu thế của thời đại, nắm bắt các vận hội mới để khắc phục những yếu kém khuyết điểm nên đã đẩy đất nước ta thụt lùi, tụt hậu một cách nghiêm trọng. Thụt lùi về mọi mặt từ ý thức hệ, cho đến khoa học giáo dục, kinh tế… Họ hằn học với tất cả những ai muốn dùng mọi tiềm năng sức mạnh dân tộc để xây dựng đất nước, họ hằn học với những người dám chỉ ra khiếm khuyết mà họ gây ra cho dân tộc, đất nước này.

Vậy chỉ còn cách đa Đảng, đa nguyên, mở cửa dân chủ để phát huy mọi tiềm năng thành phần trong xã hội phát triển đất nước và việc này phải được ghi nhận trong Hiến pháp mới. Bằng không, đất nước ta, dân tộc ta mãi mãi đi sau tụt hậu so với các nước trên thế giới..

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here