Ông Trần Độ trong những năm tháng cuối đời, đã để lại những lời thơ cay đắng diễn tả nỗi thất vọng của lòng mình như một sự hối tiếc muộn màng cho hàng chục năm dài phục vụ một lý tưởng mà ông cho là “cực thiện”. Nhưng cái cực thiện trong mơ ấy, cuối cùng vẫn là cái ác trở lại như trong kiếp luân hồi.
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
Tướng Trần Độ mất ngày 9 Tháng 8 năm 2002 và tang lễ được cử hành ngày 14/8 tại nhà lễ tang Bộ Quốc phòng. Là một người đã nắm nhiều trọng trách trong bộ máy cầm quyền và Quân đội nhưng trước khi qua đời, ông bị coi như một thành phần nguy hiểm, bị gây nhiều phiền lụy trong cuộc sống do thái độ thẳng thắn đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ thực sự. Do đó, tang lễ của ông chẳng những được người dân quan tâm nhưng Đảng cũng coi đây như một cơ hội đe nẹt các thành phần chống đối để củng cố uy quyền lãnh đạo đang sứt mẻ. Mặc dù truyền thông nhà nước cố tình đưa tin rất chậm nhưng những đoàn người viếng tang sáng ngày 14/8 vẫn đến kịp với những vòng hoa bày tỏ lòng thương tiếc. Người ta không thấy những viên chức cao cấp đương nhiệm, hoặc các cơ quan đoàn thể nào đến viếng ngoại trừ ông Vũ Mão đại diện quốc hội.
Do chỉ thị từ trên, các vòng hoa của các thành phần nhân dân có ghi hàng chữ “Vô cùng thương tiếc Trung tướng Trần Độ” đều bị ngăn chận từ bên ngoài và buộc phải gỡ bỏ những chữ “vô cùng thương tiếc” cũng như hai chữ “trung tướng” trước tên Trần Độ. Đây là cách đối xử cạn tàu ráo máng của Đảng đối với một người từng được coi là công thần của chế độ, đến lúc chết còn bị trả thù và làm nhục. Cũng không ai ngạc nhiên về cách đối xử tệ bạc này từ khi Đảng khẳng định Quân đội chỉ là công cụ bạo lực để củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Biết bao xương máu của nhân dân đã đổ ra vì sự lạm dụng Quân Đội trong những cuộc chiến tranh do Đảng khởi xướng. Khi có người thắc mắc tại sao phải gỡ bỏ chữ này chữ kia thì nhân viên nhà tang lễ nói: “Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh ở trên”! Lệnh trên không thể hiểu khác hơn là lệnh từ Trung ương Đảng, từ những người “đồng chí” của ông!
Theo tường thuật của nhà văn Hoàng Tiến (vừa qua đời), ngay cả vòng hoa của tướng Giáp với giòng chữ: “Vô cùng thương tiếc Trung tướng Trần Độ – Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng bị chận lại, đưa vào phòng đợi và đề nghị sửa lại để chỉ còn trơ trụi là “ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”. Hầu hết các tướng tá trong Quân Đội và các nhà dân chủ mang vòng hoa phúng viếng đều chịu chung số phận. Đến nỗi ông Nguyễn Thanh Giang phải nói: “Chúng nó đểu một cách rất ngu, và đểu đến từng chi tiết”! Cũng chính vì vậy mà người con trai trưởng của ông Trần Độ trong phần đáp từ đã không tiếp nhận lời điếu của đại diện văn phòng Quốc Hội như một phản ứng của tang gia. Người ta đếm đươc có tới 220 vòng hoa phúng điếu được mang đến, tuyệt đại đa số là của các thành phần nhân dân, dù trải qua bao khó khăn của các tầng công an.
Đến tang lễ ông Hoàng Minh Chính năm 2008 cũng tại Hà Nội, lực lượng an ninh khắp nơi được huy động tối đa để ngăn chận những người đến viếng tang. Nhà riêng của các nhà dân chủ bị canh phòng nghiêm ngặt một ngày trước ngày cử hàng tang lễ. Do sự bất đồng về quyền tổ chức, gia đình đã mang thi hài người quá cố về một bịnh viện tư thay vì để tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng cho đúng ý nguyện của cụ Hoàng Minh Chính là không muốn “nhà nước” nhúng tay vào. Sự quyết tâm của nhà nước muốn giành phần tổ chức tang lễ chỉ nhằm vào mục đích hoàn toàn kiểm soát những người muốn đến phúng viếng và loại trừ mọi sự bất lợi cho chính quyền chứ không vì một thiện ý nào.
Trong cả hai lần, chính quyền đã thi hành cùng một chính sách gây khó dễ tối đa để ngăn chận cũng như xoá đi những tình cảm thương tiếc của nhân dân, bạn bè của người quá cố. Trước cung cách đối xử tiểu nhân đối với chính những người đồng chí đã từng vào sinh ra tử với họ, người dân chỉ còn biết lắc đầu trong nhận xét: “quân phản bội”.
Bộ mặt phản bội ấy càng lộ rõ hơn nữa vào ngày 17/2/13 vừa qua, khi lãnh đạo đảng cho lực lượng an ninh kiên quyết ngăn chận phái đoàn của nhân dân mang vòng hoa đến Nghĩa trang liệt sĩ, Tượng đài Quyết Tử và Tượng đài Quang Trung. Nhìn những hình ảnh, âm thanh và cử chỉ hỗn láo của công an, người ta không khỏi ngậm ngùi tự hỏi trong nhũng giờ phút đó anh linh của những liệt sĩ đã hy sinh cao cả trên từng tấc đất biên giới năm 1979 đang nghĩ gì. Riêng tại Tượng đài Quang Trung, công an thẳng tay phá gỡ băng vải có giòng chữ “chống Trung quốc xâm lược” trên vòng hoa. Cuối cùng họ cũng đã làm được việc đó và cho người mang vòng hoa lên xe.
Ngày 17/2/2013 tại thành phố Sài Gòn cũng đã diễn ra một cuộc tưởng niệm tương tự của hàng chục nhân sĩ-trí thức. Tuy không bị cấm cản, nhưng vòng hoa và băng rôn của họ cũng bị gỡ đi. Một trong những nhân sĩ kêu gọi tổ chức hoạt động tưởng niệm này, Luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết họ đã tập hợp đi đến Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng để đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến do Trung Quốc xâm lược gây ra. Chính quyền thành phố không cản trở nhưng sau khi đặt hoa xong, công an đã đến gỡ dòng chữ ghi trên các vòng hoa.
Nói chung, dù ở Hà Nội hay Sài Gòn, những vòng hoa tưởng niệm đó thật xứng đáng để gọi là “những vòng hoa kết từ lòng dân” dành cho những đứa con hy sinh vì tổ quốc. Đó mới là những vòng hoa thực sự chứa đựng lòng kính phục và biết ơn đối với những người đã hy sinh vì nước. Những vòng hoa ấy cũng không phải là những vòng hoa vô cảm đầy giả dối của nhà nước, chỉ để trình diễn, chụp hình và tuyên truyền. Những vòng hoa lòng dân ấy lại càng không phải là những vòng hoa phản bội mang băng đỏ “Đời đời nhớ ơn liệt sĩ Trung Quốc” của chính quyền Việt Nam các cấp mang đến tưởng niệm “liệt sĩ Trung Quốc” trong các nghĩa trang bên kia biên giới vào tháng 2 hàng năm!
Không phải bây giờ mà ngay sau năm 1979, vì quyền lợi chính trị riêng tư, Đảng đã chỉ thị đục bỏ bốn chữ “Trung Quốc xâm lược” trên tấm bia tưởng niệm đánh bại quân xâm lược của Sư Đoàn 337 tại đầu cầu Khánh Khê, tỉnh Lạng Sơn. Họ đã đục bỏ lòng yêu nước của những thanh niên cầm súng chống kẻ thù đã ngã xuống vùng biên cương hẻo lánh này. Tại sao chính quyền này lại sợ mấy chữ “Trung Quốc xâm lược” đến thế? Những gì diễn ra tại hội nghị Thành Đô trong hai ngày 3 và 4/9/1990 ngày nay không còn là một bí mật chính trị mà hé lộ ra một bước thần phục của Đảng CSVN đối với Trung Cộng qua lời than thở của Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch lúc ấy: “Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!”
Theo thời gian, sự lệ thuộc của Hà Nội đối với Bắc Kinh chính là sự cam kết trung thành tuyệt đối với những thỏa thuận ở Thành Đô năm 1990 và chính sách 16 chữ vàng và 4 điều tốt, được coi như kim chỉ nam hướng dẫn tất cả mọi hành động ứng xử của Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Những chỉ thị từ Bắc Kinh cũng được mang về do những lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi triều kiến hàng năm để theo đó thi hành theo từng giai đoạn. Do đó cũng không ai lấy làm ngạc nhiên khi từ năm 2007 là năm khởi phát những cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc của thanh niên trong nước cho đến hàng chục cuộc biểu tình trong hai năm 2011 và 2012, tất cả đều bị lực lương công an đàn áp không nương tay. Và cũng là một điều thật hiển nhiên khi tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán tại Sài Gòn luôn luôn được canh phòng cẩn mật như một pháo đài bất khả xâm phạm. Toà án dưới áp lực của chính quyền nô lệ ngoại bang ra sức tuyên những bản án tù thật khắc nghiệt cho những bloggers, nhà bất đồng chính kiến, ngay cả đến những người viết nhạc có liên quan đến tình cảm yêu nước chống xâm lược ngoại bang.
Trong khi tại Việt Nam, chính quyền ra sức dẹp bỏ hình thức tưởng niệm, báo chí lề Đảng cũng im thin thít như không biết có ngày 17/2 thì tại Trung Quốc những cuộc lễ rầm rộ diễn ra để gọi là “kỷ niệm 34 năm thắng lợi cuộc chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam”. Khắp nơi trong cả nước họ tổ chức vinh danh những “anh hùng liệt sĩ” của Trung Quốc dưới mọi hình thức. Thật là lạ lùng và đau xót cho thái độ lạnh lung, vô cảm của nhà nước Việt Nam trong ngày 17/2 này.
Sự kiện phá gỡ, cấm những vòng hoa kết bằng lòng dân tại tượng đài Quyết Tử và Quang Trung ngày 17/2/2013 còn nói lên mức độ phản bội của một chính quyền chỉ coi Quân Đội như một công cụ để củng cố quyền lực. Khi cần thì lạm dụng xương máu thanh niên trong những cuộc chiến tranh chỉ đem lại hoang tàn đổ nát về vật chất và tinh thần không thể hàn gắn. Cuộc chiến tranh gọi là “giải phóng Miền Nam” do đảng tiến hành từ 1960 đã giết chết ba triệu thanh niên và thường dân vô tội gây phân ly dân tộc mãi đến ngày nay chưa kết thúc. Rồi khi đảng không cần nữa thì cả người chết và người sống bị vứt bỏ không thương tiếc. Nhưng Đảng lại thường xuyên răn đe Quân Đội phải thề tuyệt đối trung thành với đảng và nhồi sọ toàn quân phải đời đời nhớ ơn Trung Quốc. Hóa ra Quân Đội ngày nay đang phải trung thành với “lưỡng đảng”!
Rồi đây các thế hệ mai sau sẽ nhớ mãi những con dân nước Việt đã đưa vòng hoa đến các tượng đài này trong ngày 17/2/2013. Nhưng còn quan trọng hơn nữa, mỗi người Việt chúng ta cần theo gương của các vị này. Chúng ta sẽ cùng nhau đặt vòng hoa, thắp nhang trước anh linh các liệt sĩ vì nước hy sinh vào những ngày 17/1 để tưởng nhớ các liệt sĩ tại Hoàng Sa, ngày 17/2 để tưởng nhớ các liệt sĩ tại biên giới phía Bắc, và ngày 14/3 để tưởng nhớ các liệt sĩ tại Trường Sa.
Chính trong những ngày tháng mồ mả quạnh hiu trong trong tình trạng bị bỏ rơi và phản bội này, những VÒNG HOA LÒNG DÂN càng cần thiết và là nguồn an ủi lớn lao cho các liệt sĩ và gia đình họ.