Tin từ báo Pháp Luật & Xã Hội thì “Vàng trang sức sẽ chính thức bị đánh thuế từ ngày 1/3/2013” Báo này viết rằng, Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn cục thuế tỉnh, thành phố xác định thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) đối với các hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc. Việc tích trữ vàng là nhu cầu của dân, việc này chẳng khác gì đánh thuế vào khoản tiết kiệm của người dân. Theo văn bản này, các cơ sở kinh doanh vừa kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, vừa chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp.
Trong khi đó, báo Đất Việt đưa ra phân tích qua bài có tựa đề “Chính thức đánh thuế vàng, đánh vào khoản tiết kiệm của dân,” qua đó các chuyên gia đều kinh ngạc vì đây là hình thức móc túi tiền tiết kiệm của người dân.
“TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lâu nay, tích trữ vàng được coi là một hình thức tiết kiệm của người dân. Nếu bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, giá vàng sẽ đội lên rất cao, tức khoản tiết kiệm của người dân bị đánh tụt xuống.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thói quen tích trữ vàng của người dân không thể thay đổi trong một sớm một chiều, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng chẳng khác gì đánh thuế vào túi tiền tiết kiệm của người dân.”
Riêng báo Người Lao Động có bài bình luận “Còn Đâu Đaọ Lý?” để nói về chuyện chỗ nào cũng thuế: “Hết chuyện đánh thuế bà đẻ thì nay ngành thuế nước nhà lại bắt đầu tận thu cả đối tượng chính sách và học sinh. Theo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định về phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 25-2, thương bệnh binh và học sinh dưới 10 tuổi bắt đầu phải trả tiền mua vé qua phà…
Sau dịch heo tai xanh, cúm gà lại bùng phát
Tin từ báo chí trong nước, thì dịch cúm gà lại bùng phát trở lại tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Theo ông Lê Muộn, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Quảng Nam, một số mẩu bệnh phẩm xét nghiệm hôm 23 tháng 2 cho thấy, gà chết thành đàn dương tính với virus H5N1.
Theo báo Thanh Niên, khoảng 300 con gà chết vì dịch H5N1 đã bị thiêu đốt để ngăn chặn dịch cúm gà đang lây lan.
Còn theo tổ chức thú y tỉnh Quảng Nam, trong khi đang vất vả ngăn chặn dịch heo tai xanh thì cúm H5N1 bắt đầu bùng phát tại huyện Phú Ninh.
Tính đến chiều ngày 25 tháng 2 đã có gần 4,300 con heo nhiễm bệnh, nhưng chỉ mới có 760 con bị tiêu hủy. Theo Tổ chức thú ý thì đã phân phối gần 84,000 liều thuốc chích ngừa cho heo nhưng có vẻ như đã quá trễ trước bệnh dịch.
Mặt khác, cũng theo báo Thanh Niên, 4 ổ dịch heo tai xanh bùng phát tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị. Ngày 24 tháng 2, tổ chức thú y tỉnh Quảng Trị xác nhận bệnh dịch đang lan tràn khiến khoảng 633 con heo bị nhiễm bệnh. Tuy vậy, chỉ mới có khoảng 100 con bị tiêu hủy và có dấu hiệu cho thấy người dân lén lút bán số heo bị nhiễm bệnh để đưa đi vùng khác tiêu thụ.
Riêng tại huyện Triệu Phong, gần 50% số heo bị nhiễm bệnh lăn ra chết khiến việc kiểm soát tình hình dịch bệnh hầu như thoát khỏi tầm tay của nhân viên thẩm quyền.
Quần áo Trung Quốc đầy hóa chất độc hại
Báo Người Lao Ðộng dẫn nguồn tin của Tân Hoa Xã, Trung Quốc cho hay nhà chức trách Thượng Hải khám phá ra chất amine thơm tẩm trong lô vải may đồng phục học sinh có thể gây ung thư. Hai mươi mốt trường trung tiểu học đặt hàng của công ty Sanghai Ouxia đã được lệnh cấm học sinh mặc đồng phục may bằng loại vải này.
Tin này được tung ra khiến dư luận Việt Nam chấn động vì thị trường Sài Gòn đang đầy dẫy các loại quần áo nhập cảng từ Trung Quốc, có chứa hóa chất nói trên.
Một số nhà kinh doanh ở Sài Gòn cho biết, có đến 70% vật tư cho ngành may đã được nhập cảng từ Trung Quốc. Hầu như các loại vải thun, cotton… đều thuộc loại “Made in China”. Theo dư luận, chính vì lệ thuộc vật tư của Trung Quốc, mà hầu như không ai kiểm soát được phẩm chất và độ an toàn của loại hàng hóa này.
Ông Chu Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Sài Gòn khẳng định rằng có nhiều loại hóa chất được sử dụng trong ngành dệt nhuộm. Những chất này vừa làm hại da tức thì và còn gây ung thư cho người sử dụng.”
Cũng theo báo Người Lao Ðộng, từ 6 năm trước, Úc là quốc gia đã cấm nhập cảng chăn mền của Trung Quốc vì có chứa formaldehyde nhiều gấp 10 lần quy định. Vụ công ty Sanghai Ouxia sử dụng vải chứa hóa chất độc hại để may hàng loạt bộ đồng phục học sinh không phải là vụ tai tiếng đầu tiên.