22 thành viên công án Bia Sơn bị kết án từ 10 năm tù đến chung thân
Sau phiên tòa sơ thẩm kéo dài 5 ngày, tòa án tỉnh Phú Yên hôm 4/02 đã tuyên phạt 22 người với các án tù dài hạn về tội tìm cách lật đổ chính quyền.
Họ bị buộc tội đã núp bóng doanh nghiệp du lịch tại Khu du lịch sinh thái Đá Bia, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên để tổ chức lực lượng chống phá nhà nước. Tổ chức có tên là Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, một tổ chức Phật giáo ở trung bộ Việt Nam không được phép hoạt động.
Người sáng lập tổ chức, ông Phan Văn Thu (tức Trần Công), 65 tuổi, bị kêu án chung thân. Ngoài ra 21 người còn lại bị án từ 10 năm tới 17 năm, kèm theo 5 năm quản chế sau khi mãn án tù. Đây là một trong những phiên xử tội tại Việt Nam có số bị cáo đông nhất trong những năm gần đây.
Các bản án nặng nề này là một phần trong chiến dịch trấn áp phản kháng và đàn áp những tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước Việt Nam vốn đang bị quốc tế chỉ trích gay gắt về thành tích nhân quyền xuống cấp trầm trọng.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Ritghs Watch nhận định bề trái của vấn đề là chính quyền Việt Nam “tùy tiện bắt giam những nhà tranh đấu, cô lập họ không cho tiếp xúc với gia đình và luật sư, tra tấn ép cung và trừng phạt nặng nề qua các phiên tòa dàn dựng”.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, cho biết Human Rights Watch rất bàng hoàng trước các bản án mà theo họ là một vết đen nữa cho thành tích nhân quyền tệ hại của Việt Nam.
– Nhiều cơ quan ở Nghệ An có “lãnh đạo” đông hơn nhân viên
Tin từ báo chí trong nước thì hiện nay một số sở, ban ngành và cơ quan cấp huyện ở Nghệ An đang có hiện tượng lãnh đạo từ trưởng, phó phòng nhiều hơn nhân viên. Theo kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Nghệ An, tại Phòng Tài chính kế toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 15 người, trong đó có 1 trưởng phòng và 6 phó phòng. Sở này ngoài giám đốc còn có đến 7 phó giám đốc phụ trách các lãnh vực như lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp, thú y, kiểm lâm. Sở Nội vụ hiện có 31 công chức nhưng có tới 19 lãnh đạo gồm: 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng.
Phòng Công chức viên chức của Sở hiện có 4 nhân viên thì có 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng. Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở có 7 phòng, mỗi phòng đều có trưởng phòng và 1 đến 2 phó phòng theo quy định.
Mấy năm vừa qua, Sở có nhiều người nghỉ hưu nên đang tuyển thêm người làm việc. Tại Phòng Tài chính kế toán của huyện Anh Sơn có 4 công chức thì tất cả đều là sếp, gồm 1 trưởng phòng và 3 phó phòng. Các lãnh tụ giải thích đây là hậu quả của việc sát nhập một số sở, ban ngành đặc thù. Sở Nông nghiệp là kết quả của sự sát nhập 3 sở cũ gồm Thủy sản, Lâm nghiệp và Nông nghiệp. Vì thế một số trưởng phòng ở sở cũ phải xuống làm phó phòng sở mới dẫn đến hiện tượng phòng 15 người nhưng có đến 6 phó phòng.
– 125 ngàn người Việt lâm nạn đói
Cả nước Việt Nam đang có hơn 30,000 gia đình bao gồm hơn 125,000 nhân khẩu lâm nạn đói. Đây là số liệu tình hình kinh tế xã hội tháng Giêng năm 2013 vừa được Tổng cục thống kê công bố vào tuần qua.
Người nghèo ở Việt Nam được định nghĩa là có thu nhập đầu người từ 400,000 đồng một tháng trở xuống. Theo số liệu chính thức khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam càng ngày càng lớn, thống kê ghi nhận thời điểm 2011, mức thu nhập trung bình của cư dân thành thị cao hơn 9.2 lần so với thu nhập trung bình của cư dân nông thôn. Mặc dù Việt Nam xuất cảng 7.7 triệu tấn gạo trong năm 2012, xếp thứ nhì thế giới, nhưng thu nhập trung bình của người trồng lúa ở vựa lúa xuất cảng đồng bằng sông Cửu Long chỉ vào khoảng 316,000 đồng một tháng mỗi người.
– Dùng điện ít cũng bị phạt !
Bộ Công Thương vừa soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, bổ sung quy định bên mua điện sử dụng điện thấp hơn 50% công suất trong biểu đồ phụ tải được đăng ký trong hợp đồng mua bán điện cũng bị xem là vi phạm và sẽ bị phạt.
Thông thường thì iệc sử dụng quá công suất mới bị xem là vi phạm. Theo tờ trình mà bộ này đưa ra thì quy định này nhằm tránh lãng phí đầu tư trong trường hợp bên mua điện đăng ký công suất cao nhưng thực tế lại dùng rất thấp.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện. Theo tờ trình mà bộ này đưa ra thì quy định này nhằm tránh tình trạng các khách hàng sử dụng điện với sản lượng lớn không thanh toán tiền điện hoặc thanh toán tiền điện không đúng thời hạn, giảm tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi của các đơn vị kinh doanh điện, giảm áp lực tăng giá điện để bù vào các khoản này.