Việt Nam chỉ trừng trị tham nhũng cỡ « mèo con »
Trong một hội nghị diễn ra hôm 15 tháng 1 tại Sài Gòn, do Đại Học Quốc Gia Sài Gòn và tạp chí Cộng Sản tổ chức, quy tụ khoảng 200 nhà nghiên cứu, lý luận của nhà nước cộng sản Việt Nam, một số chuyên viên nghiên cứu của nhà nước trung ương đã đăng đàn cảnh cáo rằng nạn tham nhũng đang là nguy cơ số một đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Báo mạng VietNamNet trích dẫn bài tham luận của ông Trần Đình Bút, cựu chuyên viên cố vấn của thủ tướng cộng sản Việt Nam nói rằng chỉ có những vụ án tham nhũng cỡ nhỏ, liên quan đến cán bộ cấp phường mới bị phanh phui, trừng trị. Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Đình Bút, con số những vụ “tham nhũng mèo con” bị đưa ra tòa như thế chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi số vụ tham nhũng cấp trung ương bị phanh phui còn tệ hơn 0.3%. Theo ông thì còn rất nhiều vụ tham nhũng lớn bị ém nhẹm, bưng bít, che đậy… hoặc chỉ được “khui” từng phần, kéo dài lê thê… để “được” rơi vào quên lãng.
Ông Trần Đình Bút cũng ví von rằng tình trạng “xử lý tham nhũng ở Việt Nam hiện nay có thể được thể hiện qua câu châm biếm của dân gian : ‘Con mèo ăn vụng miếng mỡ cỏn con thì bị đập chết tươi, trong khi con cọp cướp cả heo thì chẳng ai dám đuổi.”
Trong khi đó, theo cựu viện trưởng Viện Triết Học – Nguyễn Trọng Chuẩn, nạn tham nhũng quyền lực và chính trị nguy hiểm hơn cả tham nhũng về kinh tế. Ông này chỉ trích tình trạng chạy chức, mua ghế trong kỳ thi tuyển công chức mới đây tại Hà Nội đã làm chấn động dư luận suốt tháng qua.
Một người khác là ông Hoàng Chí Bảo, thành viên hội đồng lý luận trung ương của đảng cộng sản Việt Nam nói rằng Việt Nam “chỉ chống tham nhũng bằng lời nói chứ không bằng việc làm và hành động.” Vì vậy, theo ông, tuyên bố này, nọ của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam chỉ làm gia tăng sự hoài nghi của xã hội. Hơn thế nữa, ông này cho rằng, những lời tuyên bố chống tham nhũng của một số nhà lãnh đạo Việt Nam chính là “tấm bình phong che chắn một cách tinh vi cho những hành vi tham nhũng ẩn núp trong bóng tối.”
Được biết dư luận hầu như không còn ai tin, cũng không có ai nghe theo những lời hứa hẹn hão huyền sẽ “ngăn chận, đẩy lùi nạn tham nhũng đang làm hao mòn trầm trọng lòng tin của người dân vào chế độ.”
Giới trẻ trong nước và các trang mạng tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa
Để Tưởng Niệm Trận Hải Chiến Hoàng Sa, ngày 19-1-2013 vừa qua Tuổi Trẻ Yêu Nước Long An đã rải truyền đơn với hai câu thơ “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng”. Được biết hai câu thơ trên do bạn Nguyễn Phương Uyên một thành viên Tuổi Trẻ Yêu Nước sáng tác.
Hiện tại hai bạn Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đang bị cầm tù tại Long An, vì thế các anh chị Tuổi Trẻ Yêu Nước đã quyết định rải truyền đơn trong vùng vừa để Tưởng Niệm Hòang Sa, 19-1-2013, vừa để nhắc nhở bà con tinh thần Tuổi Trẻ Yêu Nước: Hòang Sa Trường Sa Mãi Mãi Là Của Việt Nam.
Bên cạnh đó mặc dù là thứ bảy, nhưng toàn thể thành viên của Câu Lạc Bộ bóng đá NO-U đã chuyển lịch để ra sân tập luyện và thi đấu một buổi để tưởng nhớ lại 74 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức này. Đội bóng đã căng biểu ngữ với hàng chữ « NO-U-FC tưởng nhớ và tri ân những anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam 19/01/1974 – 19/01/2013 ».
Cũng trong ngày 19/01/2013, trên các blog « lề trái » tràn ngập những bài văn, bài thơ về trận Hoàng Sa. Các tác giả chia sẻ « niềm đau dân tộc » và « lòng ngưỡng mộ các anh hùng VNCH ». Một nhóm Tuổi trẻ yêu nước, tự giới thiệu sinh sau trận Hoàng Sa, tổ chức lễ « thả nến » tưởng niệm « 74 chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân” và cố Trung tá Ngụy Văn Thà.
Nhiều bài thơ tỏ lòng quý mến với bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh được phổ biến.
Đặc biệt nhật báo Thanh Niên đã dành một bài báo dài với nhiều chi tiết để nhắc lại trận chiến lịch sử chống Trung Quốc xâm lăng. Trong bài « Quyết liệt vì Hoàng Sa » trên báo Thanh Niên 19/01/2013, khẳng định Trung Quốc có hành động « phi nghĩa phi pháp » tại Hoàng Sa và đã gặp sự « kháng cự mãnh liệt của người Việt Nam », các « chiến hạm và quân nhân VNCH chiến đấu quyết liệt » và trong cuộc hải chiến ấy « 74 chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận ». Tên tuổi các cấp chỉ huy được nhắc nhở một cách trân trọng.
Riêng Blogger Nguyễn Tường Thụy nhận định : « 39 năm qua, người ta đi tìm nguyên nhân của việc mất Hoàng Sa… mà điều thuyết phục nhất có lẽ là bởi công hàm của ông Phạm Văn Đồng năm 1956 và… chính sách ngoai giao của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ». Nhà báo độc lập kết luận : “Nỗi hận này không bao giờ quên và các nhà lãnh đạo hôm nay cũng nên học người xưa… »
Sông Cà Mau thoi thóp vì ô nhiễm
20 dòng sông lớn, nhỏ chảy qua thành phố Cà Mau đang oằn mình gánh từ chất thải sinh hoạt đến chất thải công nghiệp. Con kênh xáng Cà Mau Bạc Liêu chạy dọc theo Quốc lộ 1 từ cửa ngõ thành phố Cà Mau vào nội ô chỉ khoảng 5 cây số, nhưng phải hứng lấy chất thải của hơn 10 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản cùng hàng loạt cơ sở kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng, sửa chữa tàu thuyền, cơ khí. Điều dễ nhìn thấy trên mặt nước đen ngòm của khúc sông này là váng xăng dầu, bọt trắng của chất tẩy công nghiệp.
Một người dân sống ven sông, kể mấy năm trước đoạn sông này có nhiều tôm cá, người dân hai bên bờ tha hồ đánh bắt. Những năm gần đây sông ô nhiễm nặng, cá tôm không còn và chẳng ai dám lội xuống vì nước rất độc, chỉ cần thò tay xuống thì lát sau sẽ nổi đầy mụn ngứa. Nhiều người dân sống hai bên bờ sông cũng rất bất mãn trước tình trạng các doanh nghiệp, nhà máy chế biến hàng thủy sản và đầu vỏ tôm thường xuyên lén lút xả chất thải xuống lòng sông vào những lúc trời mưa hoặc đêm tối để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Sông Gành Hào đoạn đi qua khu công nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu, phường 8, thành phố Cà Mau, nước sông ở đây đen như mực, người dân nói không có con gì sống nổi.
Hiện tại, thành phố Cà Mau đang tồn tại nhiều cơ sở chế biến thủy sản trong nội ô, đi đôi với điều đó là tình trạng nước thải sản xuất không lọc cũng được tuôn thẳng xuống những dòng sông khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Sở Tài nguyên Môi trường thì tuyên bố không đủ ngân sách và nhân sự để kiểm tra, và nếu có kiểm tra thì phạt hành chính quá nhẹ, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh cứ tiếp tục xả nước bẩn rồi đóng phạt cũng không nghĩa lý gì.