Công an Hải Phòng đề nghị quy cho anh em ông Đoàn Văn Vươn tội giết người
Công an TP Hải Phòng vừa hoàn thành kết luận điều tra vụ cưỡng chế đầm tôm gây nhiều tranh cãi tại Hải Phòng vào sáng ngày 5/1/2012. Theo bản kết luận điều tra và đề nghị của Công an TP Hải Phòng lên VKSND Hải Phòng, các bị can Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) đều đồng phạm tội “Giết người”. Hai bị can Phạm Thị Báu, tức Phạm Thị Hiền (30 tuổi), vợ ông Đoàn Văn Quý và Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn (42 tuổi) bị đề nghị truy tố tội danh “Chống người thi hành công vụ”.
Trước kết luận điều tra của CQĐT Công an TP Hải Phòng, 2 bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu cho biết không đồng ý với bản kết luận trên. Hai bà cho rằng anh em ông Vươn và những người thân hành động như vậy là để bảo vệ tài sản bị UBND huyện Tiên Lãng thu hồi trái luật, vì vậy, họ không thể bị kết tội “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ”.
Bộ trưởng công an CSVN lên đại tướng
Thượng tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng Công an CSVN, vừa được thăng quân hàm lên đại tướng .
Đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm thứ Bảy, 29/12 đã trao quyết định thăng quân hàm cho ông Quang, người đồng thời cũng là ủy viên Bộ chính trị và được cho là có học vị ‘tiến sỹ luật’ và học hàm giáo sư.
Trong lời đáp từ, tân Đại tướng Quang đã hứa ‘tuyệt đối trung thành với Tổ quốc’ và ‘hết lòng phụng sự nhân dân’, nhưng theo trang mạng của Bộ Công An mặc dù lâu nay lực lượng công an được yêu cầu phải trung thành với Đảng trước tiên.
Dù là buổi lễ phong quân hàm tướng của công an, nhưng lãnh đạo của phía quân đội là Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc phòng cũng có mặt. Điều này có thể cho thấy sự gắn kết giữa hai lực lượng công an và quân đội trong việc ‘bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa’.
Mới đây, nhân ngày thành lập quân đội 22/12, ông Quang đã có lời kêu gọi ‘đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu’ giữa hai lực lượng sức mạnh này để chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực mà CSVN gọi là thù địch.
Tướng Quang đã cảnh báo về ‘âm mưu gây chia rẽ’ giữa công an và quân đội và kêu gọi ngăn chặn ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ và ‘phi chính trị hóa lực lượng vũ trang’.
Việc phong tướng cho ông Trần Đại Quang là đỉnh điểm của quá trình cất nhắc một loạt các tướng lĩnh trong Bộ Công an, lực lượng mà Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay xem là chỗ dựa chủ yếu để trấn áp các lực lượng chống đối đe dọa sự cai trị độc quyền của Đảng.
Chưa có thuốc chửa bệnh trầm kha cho kinh tế VN.
Chu kỳ tăng trưởng cao của nền kinh tế VN đã chấm dứt, và đang lâm vào bế tắc. Đó không phải chỉ do tác động của khủng hoảng toàn cầu, mà chủ yếu là những yếu kém về cơ cấu.
Chủ yếu do mức tín dụng sụt giảm mạnh trong bối cảnh các ngân hàng đầy nợ xấu và thiếu vốn, trong khi đó khu vực kinh tế Nhà nước, được giao đóng vai trò chủ đạo, vẫn hoạt động kém hiệu quả, do nạn tham nhũng và quản lý kém cỏi. Trong năm 2012, giá địa ốc ở Việt Nam đã sụt giảm 30%. Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất trong một năm. Các công ty xếp hạng tín nhiệm như Moodys hay Standard and Poors đã hạ điểm các trái phiếu của Việt Nam xuống hạng « mang tính đầu cơ cao ».
Một hậu quả khác của tình trạng tăng trưởng chậm lại, đó là thất nghiệp tăng cao. Theo một báo cáo do Tổng cục Thống kê đồng thực hiện với Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện có gần 1 triệu người thất nghiệp ở Việt Nam, vì nền kinh tế do tăng trưởng quá thấp, đã tạo không đủ công ăn việc làm cho những người mới bước vào thị trường lao động, cũng như cho những người đang mất việc.
Trong hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vào đầu tháng 12 vừa qua, các nước và các tổ chức cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại về tiến độ quá chậm chạp trong việc thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu về đầu tư, về tài chính ngân hàng và về doanh nghiệp Nhà nước. Các đại biểu dự hội nghị cũng thúc giục chính phủ có những hành động quyết đoán trong việc giải quyết nợ xấu, nâng cao quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao tính minh bạch và công bố thông tin trong khu vực quốc doanh.
Mặc dù những triệu chứng đã được xác định, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa tìm ra thuốc chữa cho căn bệnh trầm kha của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất cảng tôm Việt Nam năm 2012 sụt giảm.
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn phúc trình của Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam, viết tắt là VASEP cho biết, tỉ lệ thành công của tôm Việt Nam chỉ đạt cao nhất là 40%, trong khi tỉ lệ thành công của Thái Lan lên tới 70%.
VASEP còn cho biết vì tỉ lệ này quá thấp, Việt Nam có khuynh hướng nhập cảng tôm nguyên liệu của các quốc gia khu vực để xuất cảng. Vì vậy, giá thành con tôm xuất cảng của Việt Nam thường cao hơn 25% so với các quốc gia xuất cảng tôm khác như Indonesia, Ấn Ðộ, Ecuador…
Cũng theo VASEP, trong năm 2012, các vùng nhập cảng tôm Việt Nam mạnh trong thời gian qua gồm Hoa Kỳ, Liên Âu, Canada, Châu Á và Thụy Sĩ đều cắt giảm số lượng.
Trước đó, cuối năm 2011, ngành xuất cảng tôm Việt Nam bị Hoa Kỳ áp đặt thuế chống bán phá giá 1.25%.
Còn theo dư luận, việc ngành xuất cảng tôm bị cắt giảm sản lượng là hệ quả của tình trạng coi thường phía đối tác.
Nhiều tài liệu quốc tế được công bố nói rằng ngư dân Việt tiếp tục lén lút sử dụng kháng sinh để con tôm Việt Nam không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những loại kháng sinh này, như Trifluralin, Chloraphenicol chứa trong con tôm Việt Nam vượt mức cho phép.