Sáng ngày 4-1-2018, chính quyền TP.HCM đã cưỡng chế thô bạo một số nhà dân nằm trong khu dân cư vẫn được quen gọi tên là khu vườn rau Lộc Hưng, thuộc phường 6, quận Tân Bình.
Đất do Hội đồng quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ
Hồ sơ địa chính cho biết khu vườn rau Lộc Hưng trên sổ bộ có diện tích 4,8ha, thuộc một phần các thửa số 126-5, 128-5, 129-5 và 131-10-5, trước năm 1975 do Quốc gia Việt Nam và Hội đồng quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ.
Ngày 12 tháng 10 năm 1991, Ban Quản lý ruộng đất TP.HCM ban hành Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ công nhận quyền sử dụng đất và khu nhà điều hành cho Bưu điện Thành phố, với diện tích 4ha089 (không bao gồm thửa 126-5).
Sau đó, UBND TP.HCM có Quyết định số 7564/QĐ-UB ngày 15 tháng 11 năm 2001 giao đất cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Sài Thành, và Quyết định số 8220/QĐ-UB ngày 06 tháng 12 năm 2001 giao đất Bưu điện Thành phố để đầu tư hạ tầng khu nhà ở dân dụng và nhà ở cán bộ, công nhân viên của Bưu điện tại Phường 6, quận Tân Bình.
Các chủ đầu tư Bưu điện Thành phố, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Sài Thành không đạt được thỏa thuận với người dân trong việc đền bù, cùng các quyền dân sự mặc định khác về quyền ‘chiếm hữu ngay tình’ được quy định tại Điều 185 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 190 Bộ luật Dân sự 2005, nên ngày 25 tháng 4 năm 2008, UBND TP.HCM có Quyết định số 1824/QĐ-UBND thu hồi khu đất này, giao cho UBND quận Tân Bình thực hiện Dự án công trình công cộng, và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của Thành phố và của quận Tân Bình.
Tuy nhiên không rõ lý do, sau đó UBND quận Tân Bình đã tự tiện chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch điều chỉnh chức năng khu đất sang toàn bộ là công trình công cộng, không có chức năng ở. Ngày 28 tháng 8 năm 2009, UBND quận Tân Bình ban hành Quyết định số 1007/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu công trình công cộng Phường 6, không có chức năng ở.
Liên tục điều chỉnh dự án
Ngày 10 tháng 01 năm 2013, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 20/TB-VP về kết luận của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, có nội dung chấp thuận cho UBND quận Tân Bình lập Dự án đầu tư xây dựng Trường học công lập tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình.
Ngày 11 tháng 6 năm 2015, UBND TP.HCM có Văn bản số 3200/UBND-ĐTMT, về việc cho phép tiếp tục thực hiện thu hồi đất để triển khai dự án tại Phường 6, quận Tân Bình.
Ngày 26 tháng 6 năm 2015, UBND quận Tân Bình có Văn bản số 1147/UBND-DA, kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho phép UBND quận Tân Bình tách Dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng thành 02 Dự án riêng biệt, gồm: Dự án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu đất công trình công cộng, và Dự án đầu tư xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia.
Ngày 21 tháng 7 năm 2015, UBND TP.HCM có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 508/UBND-QLDA-M về Dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình theo hình thức đối tác Công – Tư (hợp đồng BT).
Dễ nhận ra chuyện liên tục chuyển đổi mục đích của dự án từ kinh doanh, sang công ích là nhằm để giảm đến mức tối đa các khoản tiền phải đền bù khi buộc người dân nơi đây phải từ bỏ nơi đang yên ổn sinh sống, mưu sinh. Và sau khi có được ‘đất sạch’, chính quyền lại tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, vì Dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu vườn rau Lộc Hưng là theo phương thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT, Build – Transfer).
Theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP, hợp đồng BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.
Dự án ‘Khu đất công trình công cộng’ liền kề với dự án BT xây dựng trường học, rất có thể là phần quỹ đất sẽ được giao cho nhà đầu tư để thanh toán.
Không phù hợp quy hoạch chung, cần hủy bỏ
Khu vườn rau Lộc Hưng nằm trong con đường nhánh của đường Cách Mạng Tháng Tám, gần kề công viên Lê Thị Riêng. Tháng 10-2017, UBND TP.HCM đã phê duyệt hệ số K. cho tính toán đền bù của dự án tuyến Metro Bến Thành – Tham Lương đi qua các con đường: Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Xuân Hồng, Lý Thường Kiệt, Cộng Hòa…
Như vậy, có thể thấy rằng “Dự án đầu tư xây dựng Trường học công lập tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình” sẽ liền kề tuyến giao thông Metro, đặc biệt là với Nhà Ga S-5 đặt tại công viên Lê Thị Riêng, không phù hợp với môi trường giáo dục cần sự yên tĩnh.
Đường Cách Mạng Tháng Tám là tuyến huyết mạch nối trung tâm quận 1, quận 3 qua vòng xoay Dân Chủ hướng về quận 10, Tân Bình, quận 12 nên lưu lượng xe rất đông. Trục đường Cách Mạng Tháng Tám lâu nay nằm trong danh sách là một ‘điểm đen’ thường xuyên bị kẹt xe, nay nếu thêm dự án xây dựng trường học ‘công lập tiêu chuẩn quốc gia’ có vị trí trong một con đường nhỏ trên tuyến Cách Mạng Tháng Tám, sẽ càng làm căng thẳng thêm việc tắc đường. Trong lúc đó thì quanh khu vực này đã có rất nhiều trường học, từ mẫu giáo đến cấp 3 và cả trường đại học.
Hơn nữa, một khu dân cư đã ổn định suốt từ năm 1955 đến nay, thì việc chính quyền tìm mọi cách để buộc họ phải rời bỏ nơi an cư với số tiền đền bù dù có cao bao nhiêu đi nữa, vẫn không hợp lý. Tại sao chính quyền TP.HCM không chỉnh trang đô thị, giúp người dân khu vườn rau Lộc Hưng có nhà cửa tươm tất hơn, khang trang hơn?
Rà soát bước đầu vụ việc tìm đủ phương thức để cưỡng chiếm đất đai của người dân đang sinh sống ở khu vườn rau Lộc Hưng, cho thấy có liên quan trực tiếp đến phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua, chủ tịch Lê Hoàng Quân, phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín.
Ông Nguyễn Hữu Tín hiện bị tạm giam hình sự về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ba quan chức còn lại thì đã nghỉ hưu.