T ết năm 2009 tôi xa nhà sang Thuỵ Điển dự hội thảo về quyền con người của giới luật sư quốc tế. Một trong các đề tài quan trọng thu hút sự chú ý của tôi, đó là quan niệm Corporate Social Responsibility (CSR) hay Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Theo định nghĩa được công nhận rộng rãi khắp thế giới, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với những tác động do hoạt động và quyết định của mình lên xã hội và môi trường, dựa trên ứng xử đạo đức và minh bạch. Với trách nhiệm đó, doanh nghiệp phải đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội nơi nó đang sản xuất kinh doanh, không chỉ xét ở khía cạnh thịnh vượng, mà còn xét trên căn bản một môi trường sống lành mạnh và an toàn của người dân sở tại. Nhu cầu sống trong môi trường như vậy là một phần quan trọng của quyền con người.
Từ quan niệm không mới về quyền con người nêu trên, cách ứng xử của tập đoàn Formosa trước và sau hậu quả gây tác hại nghiêm trọng vừa qua về môi trường ở các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam, rõ ràng vừa thiếu minh bạch và vô đạo đức, vừa vi phạm quyền con người của người dân Việt Nam.
Dù nhận được nhiều ưu đãi đầu tư từ chính phủ Việt Nam, Formosa đã không đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội nơi họ đang sản xuất kinh doanh.
Phát biểu của vị giám đốc đối ngoại của Formosa cho thấy họ chỉ chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận mà bất chấp môi trường sống lành mạnh và an toàn của người dân miền Trung. Thiệt hại mà Formosa gây ra không chỉ tác hại đến cuộc sống và sinh hoạt bình thường của dân chúng trong hiện tại, mà còn cả trong tương lai. Thiệt hại đó không thể đo đếm bằng tiền bạc, vì nó tác động lớn lao và lâu dài đến sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của nhiều thế hệ.
Câu nói “lựa chọn giữa thép hay cá” thể hiện thái độ vô trách nhiệm đến tận cùng trong triết lý kinh doanh của Formosa. Ai cũng biết cá chết chỉ là hậu quả bề nổi của sự thiệt hại nghiêm trọng hơn, đó là tình trạng mất cân bằng sinh thái.
Trong khi cả thế giới đang giải quyết nan đề biến đổi khí hậu của thiên nhiên khiến tạo nên tình trạng mất cân bằng sinh thái, thì Formosa đã tạo nên tình trạng tương tự bằng chính hành động cố ý của con người. Vậy liệu chúng ta chấp nhận đánh đổi cân bằng sinh thái để nhận lấy thép?
Trong khi nhà nước Việt Nam với ngân sách eo hẹp phải chật vật giải quyết nan đề biến đổi khí hậu nhờ vào đồng tiền viện trợ ít ỏi của các nước phát triển, thì một tay Formosa đã tự góp thêm vào sự tàn phá môi trường với cái giá vô biên, mà chắc chắn sẽ cao gấp ngàn lần số tiền viện trợ trong nhiều chục năm mà chúng ta nhận được từ lòng hảo tâm của bạn bè trên thế giới.
Công lý nào xử lý hành động vô trách nhiệm quá sức tưởng tượng này đây? Bất kể những lời xin lỗi hay hối hận của giới lãnh đạo tập đoàn Formosa, công lý vẫn phải được thực thi! Toàn dân đang trông chờ xem chính quyền Việt Nam có thực sự đứng về phía công lý và nhân dân của mình hay không trong Sự kiện Vũng Áng hôm nay.