Hội nghị trung ương 10 – mâm bát đã chia

- Quảng Cáo -

Nguyễn Công Bằng

Hôm nay, ngày 17/9/2024, rộ lên tin tức về cuộc họp bất thường của Đảng cộng sản Việt Nam. BBC tiếng Việt tiết lộ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị từ ngày 18-20/9/2024.[1]

Thực ra tin tức này cũng không có gì lạ cả, hội nghị này thực chất là Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII mà thôi (Sau đây gọi tắt là hội nghị trung ương 10). Trong hội nghị trung ương lần thứ 9, tổ chức hồi tháng 5/2024, ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó có tuyên bố là hội nghị trung ương 10 sẽ được tiến hành vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, hội nghị này đã diễn ra sớm hơn so với dự kiến.

Ngay từ ngày 17/9, nhiều đại biểu đã tham dự một số cuộc họp trù bị, rồi Bộ Chính trị họp trước, sau đó tới cuộc họp của Ban Bí thư, rồi mới đến họp chính thức hội nghị trung ương 10 vào ngày 18/9.

- Quảng Cáo -

Giới quan sát sẽ rất chú ý đến hội nghị trung ương 10 lần này, vì nhiều lý do:

Thứ nhất, ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, khiến cho nhiều phương án nhân sự đã thay đổi. Trước đó, những người được chính tay ông Trọng chọn bổ sung vào Bộ chính trị gồm 4 nhân vật là: Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài và Đỗ Văn Chiến. Tuy nhiên, sau cái chết của ông Trọng, ông Lương Tam Quang là người thứ 5 được bầu bổ sung vào Bộ chính trị – cơ quan quyền lực nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Vậy lần hội nghị này, ai sẽ được bổ sung thêm vào Bộ chính trị?

Thứ hai, đã có những lời đồn khá chính xác về các phương án nhân sự trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trung ương. Quốc hội Việt Nam hồi tháng trước cũng thông báo là tháng 10 sẽ bầu lại Chủ tịch nước.[2] Ở cái xứ Đông Lào này, người dân biết thừa là: “Đảng chỉ tay, Mặt trận vỗ tay, Quốc hội giơ tay, Chính phủ ra tay, còn công an còng tay”, vì thế trước khi Quốc hội nhóm họp, Đảng sẽ họp bàn với nhau để quyết định trước, rồi đợi tháng 10, Quốc hội giơ tay nữa là xong thủ tục. Vì thế, người ta cũng tò mò ai sẽ là Chủ tịch nước thay ông Tô Lâm?

Thứ ba, cũng có tin đồn (nhưng mà chắc đúng) là ông Tô Lâm sẽ có chuyến đến New York để dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc từ ngày 21/9, và sau đó, ông Tô Lâm sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước để gặp ông Biden tại Nhà Trắng, rồi sau đó ông Tô Lâm sẽ qua thăm Cu Ba. Chính vì vậy, hội nghị trung ương 10 sẽ phải kết thúc trước khi ông Tô Lâm sang Mỹ. Một chuyến đi của Tổng Chủ (Tổng bí thư, Chủ tịch nước) Tô Lâm đến siêu cường số 1 của thế giới, thì rõ ràng là có nhiều thông điệp quan trọng của nhân vật quyền lực nhất Việt Nam hiện nay sẽ lèo lái con thuyền Việt Nam tới đâu. Vì thế, rất nhiều người quan tâm đến hội nghị trung ương 10 là vậy.

Ông Tô Lâm đã giành được cả hai chức vụ quan trọng số 1 và số 2 ở Việt Nam hiện nay. Ông Tô Lâm là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất thân từ ngành công an mà lại nắm hai chức vụ quan trọng như vậy. Kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong ngành an ninh đã tạo cho ông ta một sự sắt máu ghê gớm, cộng với việc ông Trọng đã trao cho ông quyền lực mạnh nên khi ông Trọng mất, ông Tô Lâm đã thừa thắng xông lên, cho dù trước đó, nhiều người trong ngành công an cũng khó tin ông thoát khỏi sự trừng phạt của ông Trọng.

Tuy nhiên, một lực lượng khác đáng gờm không kém lực lượng công an, đó là phe quân đội. Quân đội nắm trong tay sức mạnh bạo lực lớn nhất, đủ sức đè bẹp công an nếu xảy ra chính biến.

Không chỉ riêng ở Việt Nam, mà ở nhiều nước châu Á, quân đội luôn có một vị thế vững mạnh trong chính trường cho dù quốc gia đó theo thể chế nào đi nữa. Ở Myanmar và Thái lan, quân đội đã thực hiện nhiều cuộc đảo chính. Quân đội Philippines cũng đóng vai trò quan trọng ở Philippines. Ngay cả ở Trung Quốc, quốc gia cộng sản láng giềng mà Việt Nam chịu ảnh hưởng, quân đội cũng có những ảnh hưởng nhất định. Chả thế mà Tập Cận Bình gần đây đã cho cả Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc vào lò vì đã không trung thành với ông ta.

Chính vì vậy, lúc còn sống, ông Trọng đã yêu cầu các phe phái tấn công lẫn nhau, và như vậy, ông ta sẽ ở giữa nắm quyền. Nhưng khi ông Trọng không còn, thì các thế lực chính trị thấy rằng dại gì mà chém giết nhau nữa, sao không bằng thoả hiệp với nhau có phải tốt hơn không. Ông Tô Lâm nắm Tổng bí thư rồi thì Chủ tịch nước phải để cho quân đội chứ. Chính vì thế, người ta đoán già đoán non là ông Lương Cường – hiện đang là Thường trực Ban bí thư – nhân vật số 2 trong Bộ Chính trị, sẽ giữ chức Chủ tịch nước thay cho ông Tô Lâm vào tháng 10 sắp tới.

Không chỉ hai phe công an, quân đội được hưởng quả ngọt, mà các phe Nghệ an, Hà tĩnh cũng được chia phần. Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc cũng sẽ tiếp tục quyền lợi của mình.

Một nhóm dường như trước đây, dưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, đã bị thua thiệt là nhóm Miền Nam, nhưng có tin đồn là Trần Lưu Quang và Mai Văn Chính sẽ được bổ sung bào Bộ chính trị lần này. Điều này cũng có lý vì hồi tháng 8 đã có tin đồn hai ông này được vào Bộ chính trị, nhưng rồi vẫn chưa. Sau đó, hai ông đã được lên Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Trưởng ban Dân vận Trung ương. Việc đưa hai ông lên làm Trưởng ban của đảng, cho thấy đây là bước đệm để đưa hai ông vào Bộ Chính trị.

Thế là sau khi ông Trọng mất, chính trị Việt Nam dường như dễ thở hơn, các phe nhóm đang thoả hiệp với nhau để cùng tồn tại. Thôi thì mâm bát đã chia, chỉ còn chờ công bố thôi, còn dân đen thì cứ đợi đấy nhé.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tường thuật sau khi hội nghị trung ương 10 kết thúc./.

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cj9jnl8mj7jo

[2] https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-se-bau-chu-tich-nuoc-tai-ky-hop-thu-8-thang-10-2024-102240826213151403.htm

- Quảng Cáo -