Đặng Đình Mạnh
Tương lai dân tộc này, chẳng phải đang viết bằng tuổi thanh xuân tù đày, máu, nước mắt và cả sinh mệnh của họ. Đừng mãi nhìn họ như những tấm gương nữa, để phí hoài tuổi thanh xuân và sự hy sinh của họ, mà hãy nhìn họ như những người bạn đồng chí hướng với mình để mà cùng chung gánh vác non nước này, vốn có phải của riêng ai?
Không hẹn, mà cả hai quản trị viên (admin) trang Nhật Ký Yêu Nước đều cùng bước vào khúc quanh cuộc đời vào những ngày của tháng 5/2024. Nguyễn Văn Dũng (Aduku) gieo mình xuống dòng sông như cách tự giành lấy quyền quyết định vận mệnh của chính mình chứ không cho phép chế độ giành lấy nó. Phan Tất Thành (Văn Toàn) thản nhiên bước vào tòa pháp đình Cộng Sản lãnh bản án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Trước đó, vào tháng 3/3024, một quản trị viên khác của trang là ông Nguyễn Văn Lâm cũng lãnh bản án 8 năm tù giam.
Cùng là những thanh niên trưởng thành trong thời tao loạn và đầy lý tài, chọn cách sống thẳng, sống cho ra sống, rõ ràng, đã chẳng dễ dàng gì… Cũng vậy, không có sự lựa chọn nào mà không phải trả giá cả, và nếu sự lựa chọn lý tưởng, thì cái giá phải trả là nghiệt ngã nhất và đẹp đẽ nhất khi được “tung xiềng vào mặt nhân gian”.
Sự nghiệp của họ, tôi thích gọi như vậy, trang “Nhật Ký Yêu Nước”, tôi ngờ ngợ rằng đã ra đời vào thời điểm mạng xã hội bắt đầu bùng nổ vào khoảng những năm sau 2010. Sinh sau đẻ muộn, nhưng mạng xã hội đã đĩnh đạc thay thế dần hệ thống truyền thông chính thống què quặt, mang tính một chiều của chế độ.
Nghĩ về sự lan tỏa từ “Nhật Ký Yêu Nước”, tôi nhớ cách đây không lâu, sau khi viết bài về việc cán bộ an ninh điều tra Sài Gòn đã hành hung dã man người mẹ của Phan Tất Thành, một người hơn 70 tuổi đầu bằng cách đá thẳng chân vào giữa lưng bà cụ đến hộc cả máu mồm, chết giấc… thì nhiều bạn trẻ đã gởi tin nhắn cho tôi biết rằng đã từng là độc giả của “Nhật Ký Yêu Nước” và bất ngờ khi biết Thành là một trong các quản trị viên của trang ấy.
Cũng vậy, trong một buổi phỏng vấn tại vùng Hoa Thịnh Đốn, một ký giả của đài truyền thanh lớn tại Hoa Kỳ cũng cho tôi biết là em ấy đã được “khai hóa” (nguyên văn) từ “Nhật Ký Yêu Nước”.
Trang “Nhật Ký Yêu Nước”, thời điểm chưa bị tin tặc chiếm giữ đổi tên thành “Văn Toàn”, đã từng thu hút hơn 800.000 thành viên. Tuy phần lớn bài vở có nội dung nghiêm túc về chính trị, luật phát, xã hội, giáo dục, văn hóa… vốn là những đề tài không giỏi câu khách như những chuyện hậu trường của giới showbiz, hoặc cướp, hiếp, tình, tiền, tù, tội… nhưng vẫn dễ dàng thu hút hàng nghìn lượt like, chia sẻ cho mỗi bài viết.
Nhìn những con số ấy, chúng ta có thể mường tượng ra sự thẩm thấu những yếu tố tích cực của “Nhật Ký Yêu Nước” vào xã hội đã lớn đến mức nào.
Những Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Văn Dũng, Phan Tất Thành, Nguyễn Văn Lâm và biết bao nhiêu bạn trẻ khác đã gieo những mầm thiện cho hoa thơm, quả ngọt hôm nay, trong số thành quả ấy, có cả những ký giả đài truyền thanh lớn của Hoa Kỳ mà tôi gặp ở vùng Hoa Thịnh Đốn. Tôi nghĩ, họ sẽ vui biết bao khi biết thành quả tốt lành của mình.
Tương lai dân tộc này, chẳng phải đang viết bằng tuổi thanh xuân tù đày, máu, nước mắt và cả sinh mệnh của họ. Đừng mãi nhìn họ như những tấm gương nữa, để phí hoài tuổi thanh xuân và sự hy sinh của họ, mà hãy nhìn họ như những người bạn đồng chí hướng với mình để mà cùng chung gánh vác non nước này, vốn có phải của riêng ai?