RFA
Bộ Nội vụ vừa có đề xuất ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) hôm 30/4/2023. Theo đề xuất, đại biểu HĐND khi không còn sự tín nhiệm của nhân dân sẽ bị bãi nhiệm tại hội nghị cử tri.
Quyền của cử tri đến đâu?
Từ Đức quốc hôm 1/5, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ý kiến về việc này:
“Ở Việt Nam thì Quốc hội ở trung ương, còn HĐND có từ cấp xã phường, quận huyện, đến tỉnh thành phố. Tôi không rõ dự thảo này cho phép cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND cấp nào? Nhưng ở cấp huyện và tỉnh thì rất khó, vì thông thường một huyện ở Việt Nam thì dân số hàng mấy chục ngàn người, một tỉnh thì lên đến nhiều triệu người… Vấn đề ở đây làm sao để tập hợp ý kiến cử tri, rồi thông qua bỏ phiếu bằng cách nào để bãi miễn một đại biểu HĐND? Nếu họ chỉ giới hạn trong phạm vi HĐND cấp xã phường, thì tính đại diện của đại biểu HĐND cấp xã phường rất mờ nhạt, không đóng bất kỳ một vai trò nào trong đời sống của người dân, những quyết sách của HĐND cấp xã cũng rất mờ nhạt.”
Do đó, theo luật sư Đài, đề xuất của Bộ Nội vụ chỉ là một biện pháp “ngụy dân chủ” để lừa dối người dân, mang tính chất chính trị là chính, chứ không phải ý nghĩa thực tiễn, không đem lại quyền làm chủ thực sự của người dân đối với đất nước Việt Nam.
Theo lộ trình được Bộ Nội vụ đưa ra, Bộ sẽ bắt đầu lấy ý kiến nhân dân xây dựng dự thảo Nghi quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiễm đại biểu HĐND.
Cụ thể, Bộ Nội vụ cho biết đã xin ý kiến Chính phủ về hai phương án: Một là đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có ít nhất 2/3 tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm. Phương án 2 là đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có quá 1/2 tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm.
“Quyền” của cử tri trong thực tế như thế nào, một người dân ở TPHCM không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA:
“Qua theo dõi trong thực tế cũng như trên các phương tiện truyền thông, nhất là các đài truyền hình, thì cử tri được mời đến chủ yếu là những người lớn tuổi và phát biểu nhiều nhất trước các ứng cử viên là những người về hưu. Họ cũng nói lên nhiều bức xúc của cuộc sống và nói cũng có phần gay gắt, có lẽ do họ đã về hưu rồi nên chẳng ngại nói và nói thẳng chứ còn cánh trung niên hay thanh niên thì hầu như chỉ ngồi nghe đến hết buổi là…về!”
Hay chỉ có trên giấy?
Bộ Nội vụ cho rằng trên thực tế khi có trường hợp đại biểu HĐND vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương thường đưa ra HĐND bãi nhiệm, đúng qui trình pháp luật, được cử tri và nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành.
Trong khi đó, theo Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND có ghi rõ “Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm.”
Với cách giải thích của Bộ Nội vụ, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 1/5 nhận định:
“Trước đây các trường hợp bãi nhiệm Đại biểu HĐND họ đều đưa ra ở HĐND để làm việc đó. Bây giờ họ đưa ra cử tri để làm việc bãi nhiệm này thì theo tôi thứ nhất ở Việt Nam không có bầu cử tự do, người dân cử tri chúng tôi xuất hiện dầy đặc trên tất cả các văn bản pháp luật, hiến pháp… nhưng chỉ là trên giấy thôi, còn trên thực tế người dân không có quyền gì. Do đó việc bãi nhiệm từ trước đến nay đều là nội bộ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà cụ thể là HĐND các cấp. Bây giờ đẩy trách nhiệm này cho cử tri chúng tôi nhằm mục đích dễ bề ăn nói với đồng chí của họ.”
Theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cách làm này chỉ để tỏ ra là nhà nước của dân, do dân, vì dân, tỏ ra có khách quan khoa học… Thực chất, vẫn theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, đây chỉ là một hình thức đấu tố thời đại, đổ trách nhiệm cho dân. Ông nói tiếp:
“Việc đẩy trách nhiệm này cho người dân sẽ làm tốn kém thêm tiền bạc, tốn kém thời gian… bởi vì phải tổ chức những cuộc bỏ phiếu. Nhưng kết quả họ lại kiểm phiếu trong nội bộ với nhau rồi mới báo cho người dân, chứ không có ai kiểm tra, giám sát. Không có một cơ quan độc lập nào ở Việt Nam để làm trách nhiệm giám sát tất cả các cuộc bỏ phiếu, kể cả việc bỏ phiếu bãi nhiệm.”
Tóm lại, theo cách nhận định của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, đây là một việc làm vô bổ, vô ích, tốn tiền, mất thời gian và chỉ mang tính chất mị dân./.