Định Tường (VNTB)
Nếu Việt Nam để bị chuyển sang thẻ đỏ thì sẽ có nguy cơ mất thị trường EU. Và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thuỷ sản sang EU.
Chính phủ Việt Nam đang đặt ra kế hoạch mang tính nước rút của 180 ngày để gỡ “thẻ vàng” thủy sản mà EC đang áp dụng với Việt Nam.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ: Ngay đầu tháng 9-2022, Nhật Bản thông báo từ ngày 1-12-2022 bắt đầu áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Quy định này gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp bởi thực tế việc thực hiện chống khai thác trái phép IUU vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh.
Theo bà Lê Hằng, cho tới nay, sự nỗ lực của cả ngành khai thác thủy sản Việt Nam vẫn chưa đủ để EU xem xét tháo gỡ thẻ vàng.
Việt Nam đã bị Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) năm 2017. “Sắp tới nếu Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng thì nguy cơ thẻ đỏ vẫn rất lớn” – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng, người đang kiêm nhiệm Cục trưởng Cục Kiểm ngư, đã đưa ra cảnh báo như vậy.
“Nếu Việt Nam để bị chuyển sang thẻ đỏ thì sẽ có nguy cơ mất thị trường EU. Và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thuỷ sản sang EU. Đặc biệt, EU là thị trường định hướng sẽ chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ”, bà Lê Hằng cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Quang Hùng, các cảng cá được đầu tư nhưng hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu trong việc tuân thủ IUU, do khá xập xệ. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại cảng yếu, không có cán bộ chuyên ngành phù hợp để kiểm soát. Kinh phí các địa phương dành cho kiểm soát yếu, hệ thống máy tính, mạng rất chậm, không đủ.
Đáng ngại hơn là mặc dù thẻ vàng được EC áp dụng với Việt Nam từ năm 2017, thế nhưng công tác đào tạo nhân sự chuyên về kiểm soát chất lượng ở Việt Nam hiện cũng chưa đáp ứng, mỗi năm chỉ vài người đáp ứng. Trong khi đó, số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước vẫn còn với khoảng 62 tàu cá. Nhiều tàu thậm chí không lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, hoặc tháo thiết bị lắp từ tàu này lên các tàu khác.
Số liệu liên quan việc thẻ vàng của EC ở Việt Nam cho biết, hoạt động đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát tàu thủy (VMS) chưa hoàn thành theo quy định; Chưa có cơ chế kiểm soát nguồn gốc thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container, nguy cơ nguyên liệu thô trong và ngoài nước được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: “Kể từ khi EU đưa ra cảnh báo vào năm 2017 về thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, chúng ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU. Các thủ tục chứng nhận cho nguyên liệu khai thác cũng còn quá nhiều hạn chế.
Trong khi đó, IUU hiện không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Cụ thể, Nhật Bản mới đây cũng đã thông qua đạo luật về việc chống đánh bắt bất hợp pháp. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận”.
Đến nay thì các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới đều có những yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Nhiều phương pháp truy xuất nguồn gốc hải sản và hàng trăm hệ thống riêng lẻ đã xuất hiện trong những năm gần đây trong chuỗi cung ứng hải sản và các nhà cung cấp công nghệ. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam vì phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu.
Vấn đề cấp thiết hiện nay của thủy sản Việt Nam là chuyển từ khai thác sang nuôi trên biển, cụ thể là giảm công suất tàu, giảm sản lượng khai thác, tăng diện tích nuôi biển áp dụng công nghệ cao; đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị.
Muốn làm được điều đó, ghi nhận ban đầu từ giới chuyên gia, là cần phải kết hợp công nghệ RFID (hệ thống nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến) và blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin) để xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cho việc quản lý, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thủy sản sẽ dễ dàng hơn; đồng thời có thể kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt xa bờ và quản lý hiệu quả việc nuôi trồng thủy sản./.