Tương lai của Việt Nam và nền giáo dục băng hoại không thể cứu vãn

Ông Hiệu Trưởng Nguyễn Trúc Lê cầm trượng vàng, đeo "xích," mặc áo thụng choàng đỏ như một vị giáo chủ trong buổi lễ tốt nghiệp Trường Kinh Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: Kênh Tuyển Sinh
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

“…Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia…” – Nelson Mandela

Trích đoạn trên trong một bài phát biểu nổi tiếng của cố Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela – người được coi là biểu tượng hòa bình và người chiến sĩ đấu tranh vì nhân quyền không mệt mỏi, giải thưởng Nobel Hòa Bình… một chính trị gia kiên định với đường lối đấu tranh “bất bạo động” và chủ nghĩa lý tưởng của những tư tưởng gia vĩ đại như John Locke, John Dewey…

Trong phiên thảo luận quốc hội ngày 31 tháng Mười, 2019, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, đại biểu của tỉnh Khánh Hòa đã dẫn lại trích đoạn này khi nói về những thực trạng đáng buồn trong ngành giáo dục Việt Nam. Không chỉ có bà Thu mà nhiều phát biểu thẳng thắn khác của bà Nguyễn Thị Minh Hiền, đại biểu Phú Yên cũng nhận được rất nhiều tình cảm và tin tưởng của người dân. Tuy vậy, những góp ý thẳng thắn và trí thức đó, giữa một nghị trường không có bóng Nhân Dân, đã rơi tõm vào hư không. Những kỳ họp quốc hội sau này, ngày càng thưa vắng những gương mặt và tiếng nói ít nhiều có thể truyền tải các vấn đề của cuộc sống dù vẫn biết vai trò của những vị đại biểu quốc hội chỉ là thứ trang trí lòe loẹt cho một thể chế chính trị đã bị hoại tử lương tri.

- Quảng Cáo -

Bộ Giáo Dục vừa công bố tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2022 là 99,16%. Một FBker mỉa mai “tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục Việt Nam đã đạt tới tỷ lệ phân kim – một tỷ lệ gần tuyệt đối. Chỉ có chưa đầy 1% không đạt. Với một ‘chất lượng vàng’ như thế thì cần gì phải tổ chức một cuộc thi tốn kém hàng trăm tỷ đồng ngân sách và vất vả cho cả thày trò như vậy?”

Còn nhớ, năm 2007, thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng Bộ Giáo Dục, từng khởi xướng phong trào chống tiêu cực trong thi cử và làm nghiêm công tác thanh tra kỳ thi phổ thông trung học. Tỷ lệ tốt nghiệp khi đó đã rớt xuống chỉ còn 67,5%, tức 1/3 thí sinh không đạt tiêu chuẩn và qua được kỳ thi tốt nghiệp.

Kết quả đó khiến Bộ Giáo Dục choáng váng, xã hội choáng váng khi có những trường tỷ lệ tốt nghiệp đạt dưới 50% và rất nhiều học sinh giỏi suốt cả 12 năm phổ thông nhưng lại trượt tốt nghiệp. Chỉ 1 kỳ thi làm nghiêm công tác thanh kiểm tra và chống tiêu cực đã làm lộ ra cả một nền giáo dục quốc dân giả dối, yếu kém.

Nhưng chỉ 1 năm sau đó, dưới áp lực trong ngành và hệ thống chính trị đã khiến cho ngài bộ trưởng từ chối là một “Thiện Nhân.” Đồng thời cái công cuộc chống tiêu cực trong thi cử do ông ta khởi xướng bị ném vào sọt rác. Những giáo viên từng tích cực chống tiêu cực trong ngành sau đó bị trù dập, bị ép ra khỏi ngành và thậm chí bị đe dọa hành hung, bôi nhọ… Giờ thì không có giáo viên nào dám đứng lên chống tiêu cực nữa. Và nhờ đó, rất nhanh chóng, thành tích thi cử của nền giáo dục nước nhà lại “nhất tất cả,” thành tích năm sau cao hơn năm trước. Với đà này, chẳng mấy chốc, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học ở Việt Nam sẽ đạt 100% và giáo dục Việt Nam tiến tới phổ cập cử nhân, thạc sĩ. Được biết, 100% công chức cấp quận huyện thành phố Hà Nội hiện nay có bằng thạc sĩ trở lên và bằng cao cấp lý luận chính trị hoặc một bằng luật. Cả nước có hơn 60.000 tiến sĩ, thạc sĩ là công chức cấp huyện, xã.

Thế nhưng trái với những tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông ở mức chất lượng “phân kim,” trái với số lượng kỷ lục mỗi năm có nửa triệu cử nhân, kỹ sư ra trường và hàng chục ngàn thạc sĩ, tiến sĩ ra lò…Cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước lẫn doanh nghiệp FDI luôn than phiền với chất lượng đào tạo của đội ngũ lao động có bằng cấp cao nhưng không đảm bảo cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc và kỷ luật kém. Chưa kể đến lao động Việt Nam rất thiếu khả năng làm việc nhóm, sức khỏe yếu và ngoại ngữ luôn là yếu điểm chưa bao giờ được cải thiện.

So sánh chất lượng của lực lao động Việt Nam với các nước trong khu vực, trong một cuộc phỏng vấn của báo vneconomy.vn với bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng Ban Ban Nghiên Cứu Kinh Tế Ngành và Lĩnh Vực (CIEM), cho biết mặc dù thị trường lao động Việt Nam đã có nhiều chuyển biến nhưng chất lượng nguồn lao động còn thấp. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%.

“Như vậy, chúng ta chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020,” bà Quỳnh cho biết. Điều đáng nói là trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.”

Người viết có một cô em làm giáo viên tiếng Anh ở một trường điểm trong Nam. Từng là du học sinh, tốt nghiệp cử nhân văn chương bên Úc Châu, Vân có trình độ và văn hóa cao. Nhưng khi trở về nước, để được nhận vào dạy hợp đồng ở một trường phổ thông cơ sở ở Biên Hòa, cô vẫn phải “chạy” một khoản tiền kha khá và nhờ đến quan hệ của chồng là một viên chức hải quan.

Sau 5 năm đua chen, Vân tỏ ra cực kỳ thất vọng và bất mãn, cô thường kể cho người viết về những vấn nạn học đường. Từ chuyện phải nâng điểm cho những học sinh cá biệt dưới sức ép của giáo viên chủ nhiệm, phó hiệu trưởng chuyên môn để thành tích lớp luôn có tỷ lệ giỏi, tiên tiến ở mức cao ngất ngưởng, áp lực từ việc phải bảo đảm giáo trình dạy học, thi đua, bình chọn… sự suy đồi của một “bộ phận không nhỏ” thày cô giáo đến tình trạng học sinh ngày một hư hỗn, những hoạt động vô bổ, hình thức khiến cho không chỉ học sinh mà giáo viên luôn ở tình trạng quá tải, kiệt sức. Cô thường đặt câu hỏi như “học những cái đó để làm gì? Tại sao lại có những qui định quái gở như thế?”… Tháng trước, Vân thông báo đã nghỉ dạy học ở ngôi trường mà cô đã mất hàng trăm triệu để chạy vào và đang chuẩn bị mở một kênh dạy tiếng Anh online.

Có thể nói, giáo dục Việt Nam hiện tại là hình ảnh và hệ thống phản ánh trung thực hiện trạng xã hội và thể chế chính trị Việt Nam. Nó hình thức, nặng nề, lạc hậu, đầy áp lực và tệ nạn giả dối, tham nhũng, băng hoại đạo đức. Nó sản xuất ra mỗi năm hàng triệu những sản phẩm hư lỗi về trí năng, èo uột méo mó về đức dục lẫn thể chất. Tính dối trá được huấn luyện từ nhỏ, tất cả phải chạy theo thành tích bằng cấp trong một guồng máy quan liêu và độc đoán, phô trương tới dị hợm.

Ông Hiệu Trưởng Nguyễn Trúc Lê cầm trượng vàng, đeo "xích," mặc áo thụng choàng đỏ như một vị giáo chủ trong buổi lễ tốt nghiệp Trường Kinh Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: Kênh Tuyển Sinh
Ông Hiệu Trưởng Nguyễn Trúc Lê cầm trượng vàng, đeo “xích,” mặc áo thụng choàng đỏ như một vị giáo chủ trong buổi lễ tốt nghiệp Trường Kinh Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: Kênh Tuyển Sinh

 

Hình ảnh mới đây của một ông hiệu trưởng Trường Kinh Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội trong buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên trông giống như một “giáo chủ” khi tay cầm trượng, đeo xích vàng, mặc áo thụng đỏ và bộ mặt như một mâm thịt không dấu nổi sự hãnh tiến và ngạo mạn. “Chiếc áo không làm nên thày tu,” chất lượng của một trường đại học, một nền giáo dục không thể hiện ở tỷ lệ tốt nghiệp cao, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ nhiều mà thể hiện ở chất lượng tay nghề của lực lượng lao động, trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ sư, ở những sản phẩm khoa học, công nghệ, phát minh cũng như ý thức luật pháp, đức tin và phẩm hạnh của quốc dân.

Cái thói “học để làm quan” ăn sâu vào não tủy của dân tộc này. Mục đích học không phải để trở thành một người có lương tri, đạo đức, năng lực và trí thức thực sự mà học để có bằng cấp cao, để leo trên quan trường, để tìm kiếm cơ hội “vinh thân phì gia,” “ăn trên ngồi trốc.” Giờ đây, căn bệnh thâm căn này của người Việt lại càng được mặc sức nảy nở bởi một thể chế chính trị dung dưỡng sự xảo trá, lưu manh, tôn sùng quyền uy, kim tiền, coi rẻ đạo đức và thực tài. Trí thức là đối tượng thành phần xã hội đầu tiên mà những người Cộng Sản thanh trừng “đào tận gốc, trốc tận rễ” khi họ nắm quyền. Cho đến ngày hôm nay họ chưa hề thay đổi. “Hồng hơn chuyên,” “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, tam hậu duệ”… đó là thang tiêu chuẩn để lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ trong bộ máy công quyền. Nó không có chỗ cho những người có thực tài và nhân phẩm.

Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền nước CHXHCNVN Lý Đức Trung trình quốc thư lên Tổng Thống Israel Isaac Herzog. Ảnh: Dân Tộc & Phát Triển
Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền nước CHXHCNVN Lý Đức Trung trình quốc thư lên Tổng Thống Israel Isaac Herzog. Ảnh: Dân Tộc & Phát Triển

Mới đây, đọc bài “Cán bộ nguồn” của Loc Duong trên tờ Chân Trời Mới Media mà tí sặc cơm. Rồi lại được chiêm ngưỡng dung nhan của ông đại sứ Việt Nam trong một bộ “áo dài khăn vấn” đi trình quốc thư với tổng thống Isarel mà không khỏi bàng hoàng tưởng rằng Việt Nam đã quay lại cái thời Bắc thuộc. Vâng, tất cả những trò lố, dị hợm, người ngợm khả ố này nó cũng đều là kết quả của nền giáo dục định hướng của một thể chế chính trị đồi bại và phản động tạo ra có tên là XHCN.

Chừng nào thể chế chính trị và nền giáo dục này còn tồn tại thì tương lai của quốc gia này sẽ là “ngàn năm tăm tối” – đúng như lời tiên tri của Ronald Reagan.

Tân Phong

- Quảng Cáo -