Những chính sách hủy hoại quốc gia và sự sụp đổ không thể né tránh

Tàu vỏ thép đóng theo Nghị Định 67 neo ở cầu Trà Bồng, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, chờ thanh lý. Ảnh: VnExpress
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Những chính sách, nghị định hủy hoại quốc gia

Gần đây, báo chí trong nước đang xới lại những thất bại chính sách cho vay ưu đãi ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Được biết hàng trăm con tàu cá vỏ sắt được đóng mới kể từ năm 2014 theo “Nghị Định 67” đang được các ngân hàng xiết nợ, hóa giá với giá sắt vụn. Ngoài việc để lại những khoản Nợ xấu lên tới hàng ngàn tỷ đồng không có khả năng thu hồi, thất bại thảm hại của Nghị Định 67 còn là nguyên nhân góp phần làm suy giảm sức sản xuất, đánh bắt và gây thiệt hại cho ngành. Chưa nói đến cái mục tiêu “góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ biển đảo quê hương” đầy châm biếm hay “phát triển kinh tế biển” chung chung, mờ mịt.

Hàng trăm ngư dân giỏi, từng được vô số bằng khen ghi nhận thành tích đánh bắt hải sản, là những con sói biển dày dạn kinh nghiệm với nghề đã được khuyến khích vay tiền ngân hàng để đóng tàu vỏ sắt theo Nghị Định 67 trong những năm 2014, nay bỏ quê đi biệt xứ hoặc lay lắt làm thuê cho những tàu vỏ gỗ. Từng là tỷ phú, họ trở thành những người vô gia cư khi ngân hàng xiết nợ ngôi nhà và thu cả chiếc tàu đã trở thành đống sắt vụn hoen rỉ từ lâu.

- Quảng Cáo -

Chỉ riêng tỉnh Bình Định – tỉnh đầu tiên thực hiện chính sách cho ngư dân vay vốn ưu đãi theo Nghị Định 67 có đến 48/62 chiếc tàu cá vỏ sắt hoạt động không hiệu quả. Chất lượng tàu rất kém, thường xuyên hư hỏng và xuống cấp nhanh do vỏ tàu được đóng bằng thép Trung Quốc và máy móc thường xuyên trục trặc. Những công ty đóng tàu như Nam Triệu của Bộ Công An, được phía ngân hàng cho vay theo Nghị Định 67 “chỉ định” là cơ sở đóng các chiếc tàu cá này đã phủi bỏ trách nhiệm.

Không những thay thế thép Trung Quốc thay vì thép Nhật, Hàn theo hợp đồng, trang thiết bị, động cơ… tất cả đều là “đồ đểu” như nhau. Việc xuống cấp quá nhanh và thường xuyên hư hỏng khiến các ngư dân càng đi biển, càng lỗ và chịu nhiều rủi ro khi gặp sự cố trên các chuyến hải trình dài ngày. Các đơn vị đóng tàu không bảo hành, không sửa chữa, không đền bù… Tất cả thiệt hại, người ngư dân chịu hết và tất nhiên là khoản Nợ hàng chục tỷ đồng là chiếc thòng lọng đã quàng vào cổ những ngư dân.

Theo RFI, ngày 22 tháng Mười Một, 2021 đăng bài viết của tác giả Lưu Hồng Minh phân tích về thất bại của Nghị Định 67 với lý do là những hạn chế cố hữu của người ngư dân và việc thực hiện chính sách một cách duy ý trí của đám viên chức ngồi phòng lạnh ở Hà Nội. Bên cạnh đó, là việc trục lợi chính sách của các nhóm lợi ích khiến người dân phải chịu rủi ro và là nguyên nhân trực tiếp khiến chính sách thất bại. Có thể coi, thất bại của Nghị Định 67 là sự tiếp nối “tất yếu khách quan” sau chương trình “đánh cá xa bờ” năm 2004 và nó cũng như rất nhiều các nghị quyết khác của CSVN, chỉ đẹp ở trên giấy với những mục tiêu đao to búa lớn.

Ở đây, người viết muốn nhấn mạnh vai trò của nhóm lợi ích ngân hàng và các công ty sân sau của Bộ Công An như Nam Triệu. Một con tàu 67 với vỏ thép Trung Quốc có động cơ, thiết bị “hàng bãi” của anh bạn “láng giềng tốt, đồng chí tốt,” chi phí đóng chỉ khoảng 2 đến 3 tỷ đồng được nâng khống lên 15, 20 tỷ đồng. Người ngư dân nhận những con tàu phế thải không thể đi biển cùng với món Nợ khổng lồ.

Kết cục thảm khốc của ngày hôm nay đã biết trước từ lâu. Họ là nạn nhân của bầy kền kền Đỏ – chúng là nhóm lợi ích ngân hàng và các công ty như Nam Triệu, Bộ Công An. Chúng khiến cho những “ông chủ” tỷ phú trở thành kẻ vô gia cư và hàng trăm tỷ đồng được đám “đày tớ nhân dân” chia chác để xây biệt phủ xa hoa. Cuối cùng, Nợ xấu sẽ được Nhà nước dùng ngân sách – tức là thuế của dân đóng góp, để ngân hàng “tái cơ cấu.”

Những chính sách như Nghị Định 67 hay hàng ngàn các nghị định, thông tư khác được bộ máy quan liêu nhũng lạm “sản xuất” ra mỗi ngày, đã và đang hủy hoại quốc gia, bần cùng hóa người dân theo mọi cách. Mỗi ngày mở báo chí trong nước ra theo dõi, ngoài những thông tin cướp giết hiếp, showbiz tràn ngập scandal rác rưởi, người ta thấy những dự thảo luật, nghị định “đẻ” ra những sắc thuế, phí mới để mọi cách bào mòn túi tiền người dân.

Hôm 10 tháng Tư vừa qua, Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam cho biết vừa hoàn thành dự thảo Luật Đường Bộ, dự kiến sẽ được Quốc Hội xem xét thông qua vào tháng Năm, 2022. Dự luật này của Bộ Giao Thông Việt Nam đòi quyền thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc bao gồm cả những tuyến cao tốc làm từ ngân sách – tức là từ tiền thuế của người dân. Nhiều khả năng là dự luật này sẽ được Quốc Hội “nghị gật” thông qua nhanh chóng.

Như vậy, mỗi mét đường cao tốc Việt Nam có rất nhiều các loại “phí chồng phí” đánh lên đầu người dân. Ngoài phí đường bộ được tính theo trọng tải và các loại phương phương tiện thu cố định hàng năm, phí bảo trì đường bộ thu qua xăng dầu, phí BOT theo các dự án, sắp tới là phí do nhà nước thu trên tất cả tuyến cao tốc. Trong bối cảnh lạm phát và tăng giá như hiện nay đặc biệt là giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải vốn đã kiệt sức sau 2 năm dịch bệnh sẽ không còn cơ hội “sống sót” nào trước viễn cảnh đen tối này. Không chỉ có xăng dầu, phí đường cao tốc, phí đỗ xe, thuế nhập khẩu, thuế đất, phí bảo vệ môi trường… tất cả sẽ lần lượt tăng trong thời gian tới. Vặt lông vịt “giỏi” là vặt đến cái lông cuối cùng mà vịt không kêu.

Sự sụp đổ không thể tránh

Trang Cafef.vn chuyên mục về kinh tế và chứng khoán Việt Nam ngày 6 tháng Tư, 2022 viết: “Lượng bất động sản thế chấp tại 26 ngân hàng (chưa bao gồm Agribank) đã tăng 18% trong năm 2021 lên hơn 9,6 triệu tỷ đồng, chiếm 60% trong tổng tài sản thế chấp và lớn hơn cả tổng dư nợ cho vay. Tại nhiều nhà băng, tỷ trọng tài sản bảo đảm là bất động sản lên đến 80-90%.”

Cũng tờ này, ngày 11 tháng Tư, 2022 qua bài “BĐS thế chấp tại một ngân hàng vượt 2 triệu tỷ” nhấn mạnh đến Agribank với bảng tài sản, giấy tờ có giá nhận thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu tính đến cuối quý IV/2021 là hơn 2,327 triệu tỷ đồng, tăng 262.000 tỷ (tương đương 12,7%). Trong đó, bất động sản thế chấp tại ngân hàng vượt 2,018 triệu tỷ, tăng gần 178.000 tỷ so với cuối năm trước và chiếm gần 87% tổng tài sản thế chấp.

 

Như vậy, tổng số tài sản thế chấp là bất động sản của Agribank và 26 ngân hàng hàng đầu của Việt khoảng 11.618 triệu tỷ đồng tương đương với hơn 500 tỷ Mỹ Kim qui đổi. Vấn đề đáng nói ở đây là “núi sổ đỏ” ở các ngân hàng cũng chỉ là những lô đất, căn hộ, dự án bất động sản (BĐS) dang dở… được mua đi bán lại, sau thời gian thị trường lên cơn “ngáo giá,” đã tăng theo cấp số lần. Cũng “núi” sổ đỏ đó, 2 năm trước, giá trị được định giá có thể chỉ bằng 1/3. Cơn sốt bất động sản và chứng khoán điên rồ cùng với nguồn tiền thừa mứa được in và phát hành dễ dàng thông qua các khoản vay thế chấp trái phiếu doanh nghiệp dưới chuẩn đã cuốn hàng triệu các nhà đầu tư newbie theo làn sóng “người người chơi chứng, nhà nhà buôn bất động sản.” Từ cậu sinh viên mới ra trường, bà bán rau đầu hẻm, bác xe ôm, đến viên chức nhà nước hay kỹ sư đều lao vào cuộc đầu cơ đất đai, chứng khoán với tâm lý của những con bạc khát nước.

Cần nhắc lại, GDP Việt Nam trước khi được “tính theo cách tính mới,” năm 2017 chỉ khoảng 220 tỷ Mỹ Kim. Sau 2017, GDP được “tính lại” và cộng thêm gần 25% tức hơn 275 tỷ Mỹ Kim mà không rõ cách tính mới theo phương pháp “mô tê răng rứa.” Tăng trưởng được công bố đã tăng đều “năm sau, cao hơn năm trước” cho đến khi cơn ôn dịch tàn phá nền kinh tế phụ thuộc vào gia công xuất khẩu giày dép và điện thoại di động. Tuy vậy, nhờ tích cực “tạm nhập tái xuất” hàng Tàu, đóng mác Made in Vietnam và lợi dụng các FTA với Mỹ và Liên Âu, GDP năm 2021 được giới chức công bố khoảng 400 tỷ Mỹ Kim. Song thực chất, Việt Nam chỉ có thể kiếm về tối đa khoảng 45 tỷ Mỹ Kim nhờ vào xuất khẩu nô lệ giá rẻ, kiều hối, bán tài nguyên thô và gia công cho các tập đoàn vốn FDI.

Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam thực sự ở mức thấp nhất Đông Nam Á, nếu không tính Myanmar. Thế nhưng, thị trường bất động sản ở Việt Nam có mức giá cao nhất thế giới và khối ngân hàng đang ôm khối tài sản bất động sản thế chấp được định giá tương đương 500 tỷ Mỹ Kim. Việc này giống như một con rắn đang cố gắng nuốt và tiêu hóa một con bê vậy. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có quá nhiều biến động tiêu cực, nền kinh tế có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” Việt Nam chỉ có một lựa chọn. Trước hết, phải ói ra con mồi quá lớn – khối ngân hàng phải nhanh chóng thanh lý núi tài sản thế chấp, cho phá sản các ngân hàng yếu kém mà ngân sách èo uột hiện nay không thể giải cứu để đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế và cơ cấu lại bảng cân đối kế toán quốc gia.

Ngày 14 tháng Tư, 2022 Cục Quản Lý Nợ và Tài Chính Đối Ngoại (Bộ Tài Chính) công bố “Bản tin nợ công số 13, thống kê tình hình nợ công của Việt Nam đến tháng 6/2021.” Nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo đó, tính đến 30 tháng Sáu, 2021, nợ công của Việt Nam là hơn 3,5 triệu tỷ đồng (tương đương 152 tỷ Mỹ Kim). Dường như con số Nợ trên còn rất “khiêm tốn” với nền kinh tế có GDP được công bố hơn 400 tỷ Mỹ Kim?

Có một “con voi trong phòng họp” mà những nhà thống kê kinh tế của Việt Nam không bao giờ nói đến. Trong phạm vi “Nợ công” trên định nghĩa của CSVN không bao gồm Nợ của doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Mặc dù, khối doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ hơn 75% tài sản cố định quốc gia và sử dụng hơn 60% nguồn vốn ngân hàng. Các tập đoàn này được khoanh Nợ, giãn Nợ, xóa Nợ và “bú mớm” bởi bầu sữa ngân sách khi thua lỗ, được tiếp cận vốn vay ODA của chính phủ. Nhưng Nợ của của các tập đoàn nhà nước thì lại không nằm trong bảng Nợ công quốc gia trừ những khoản vay mà nhà nước bảo lãnh như trường hợp của Vinashin, Vinalines, PVC, EVN… trước đây.

Tại thời điểm kết thúc năm 2020, các tập đoàn, tổng công ty có số nợ phải trả hợp nhất 1.415.508 tỷ đồng tương đương 61 tỷ Mỹ kim (Giả thiết là con số Nợ của các tập đoàn nhà nước này là đúng). Nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước của các tập đoàn, tổng công ty là 430.317 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. Tại báo cáo hợp nhất, nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty là 395.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay dài hạn với 389.189 tỷ đồng). Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ 167.652 tỷ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 194.261 tỷ đồng; vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả 27.275 tỷ đồng.

Ảnh: CafefẢnh: Cafef

 

Nếu bảng Nợ công được tính đúng thì phải cộng con số 1,4 triệu tỷ Nợ của các tập đoàn có vốn nhà nước này vào. Có nghĩa là nó phải khoảng 5 triệu tỷ đồng, khoảng 217 tỷ Mỹ Kim, tương đương với GDP năm 2017 theo cách tính GDP phổ biến.

Còn nếu ta tham khảo con số Nợ công (Total National Debt – nguồn từ IMF), thì con số đó là hơn 512 tỷ Mỹ Kim, tức nó gần gấp đôi GDP 2017.

Mới đây, bà thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đề nghị kéo dài việc xử lý Nợ xấu theo Nghị Quyết 42 tới tháng Tám, 2024 nhưng không được Thường Vụ Quốc Hội chấp thuận Bà Hồng làm mình làm mẩy nói rằng, nếu không xử lý Nợ xấu theo Nghị Quyết 42 thì Nợ xấu sẽ tăng 430.000 tỷ tương đương 18,5 tỷ Mỹ Kim vào cuối năm nay.

Thực ra, cần hiểu rằng các khái niệm chuyên ngành tài chính, ngân hàng, hay bất kể lĩnh vực nào ở Việt Nam đều dễ dàng thay đổi bằng các phương thức đánh tráo khái niệm. Mục đích của nó chỉ để làm đẹp các báo cáo cho đám chóp bu “tự sướng.” Đám lãnh tụ cộng sản này sẽ tiếp tục cởi truồng dạo phố với niềm tin “mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam.” Các con số như GDP và Nợ xấu là những con số sẽ được “tính theo cách mới” hoặc xử lý theo các nghị định. Nhưng cuối cùng, tất cả số Nợ đó đều sẽ được chia đều cho tất cả đám Nhân dân anh hùng.

Tân Phong

- Quảng Cáo -