Hoàng Trường – VOA
Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam thường trùng khớp với các nước như Bắc Triều Tiên (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%).
“Phản dân” trong văn cảnh này có hai nghĩa: chống lại ý nguyện của người dân trong nước và thách thức các lực lượng dân chủ trên thế giới. Tại sao đại diện cho một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” mà lại rơi vào thế kẹt của một nền ngoại giao làm nhục cả dân tộc lẫn quốc thể?
Nếu như trong nước có một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” như CSVN vẫn thường xuyên tuyên truyền thì sau lá phiếu của Việt Nam chống lại việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) vừa qua, người dân trong cả nước, nếu muốn, có quyền xuống đường phản đối một chủ trương ngoại giao sai trái và ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. Nhưng vì Việt Nam là một chính thể theo chủ nghĩa toàn trị, nên tất cả những quyền cơ bản của con người như tự do biểu tình, phát ngôn, tự do lập hội… đều chỉ tồn tại trên Hiến pháp. Mà ngay những quyền cơ bản ấy, nếu ai đó có ý định đem ra thực thi theo Hiến định, thì lập tức sẽ được quy chụp là chống đối, hoặc là các thế lực thù địch.
Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của LHQ để loại Nga. Điều này được truyền thông trong nước đưa tin dưới một uyển ngữ kỳ cục là Nga đã quyết định “kết thúc sớm tư cách thành viên HĐNQ/LHQ nhiệm kỳ 2021 – 2023”. Thậm chí, trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022, các tờ báo ở Việt Nam, khi tường thuật về vụ việc này đã không dám đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam. Đại diện Việt Nam đã làm chuyện “chướng tai gai mắt” đến nỗi họ không dám công khai trước người dân về một hành động không lấy gì làm vẻ vang cho quốc thể.
Nhà văn quân đội – Đại tá Phạm Đình Trọng đã có cái nhìn thật sắc bén khi ông khái quát: “Trong khi hầu hết các quốc gia có mặt ở LHQ (trong hai lần 2/3 và 24/3 trước đây) đều bỏ phiếu lên án Nga, đòi Nga rút quân và ủng hộ Ukraine, thì cả hai lần ấy, đại diện Việt Nam đều bỏ phiếu trắng. Hai lần người dân Việt Nam bị các lá phiếu trắng ấy làm nhục trước thế giới”. Và đến lần thứ ba hôm 7/4 vừa rồi, Đại tá Trọng tố cáo tiếp: “Lần này, 93 cánh tay cộng đồng nhân loại chỉ mặt cái ác Putin Nga ở Ucraine. 93 cánh tay loài người văn minh lôi cái ác Putin Nga ra khỏi HĐNQ. Đi xa hơn hai lần bỏ phiếu trắng, lần này nhà nước Việt Nam bỏ phiếu chống. Chống lại 93 cánh tay chỉ mặt tội ác Putin Nga. Bằng lá phiếu chống nghị quyết của cộng đồng nhân loại vạch mặt cái ác, nhà nước Việt Nam đưa cánh tay ra bảo vệ cái ác Putin Nga”.
“Một lần nữa, người dân Việt Nam lại bị nhà nước làm nhục trước thế giới”, Cựu chiến binh Phạm Đình Trọng bày tỏ uất hận… Khi chủ trương một đường lối đối ngoại phản dân, làm nhục quốc thể như thế, trên thực tế, chính bản thân cái nhà nước ấy cũng bị cộng đồng quốc tế khinh rẻ lắm rồi. Hãy nghe bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố: “Cộng đồng quốc tế ngày 7/4 đã ‘cùng bước theo đúng hướng’ với quyết định loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ liên quan tới những hành động tàn bạo ở Ukraine”. Làm nhục dân và làm nhục quốc thể, vì đa số người dân Việt khi nhìn cảnh những nạn nhân bị thảm sát và hành quyết tại Bucha, họ luôn liên tưởng tới những hành động diệt chủng của Polpot tại làng Ba Chúc ở Việt Nam do Trung Quốc “chống lưng” những năm cuối 1970.
Nhà nghiên cứu Minh triết Nguyễn Khắc Mai phát biểu với truyền thông quốc tế từ Hà Nội hôm 8/4 rằng, nhà nước Việt Nam không dám cho báo chí đăng tin mình chống lại LHQ, vì muốn che cái xấu xa của mình: “Đấy là một trò xảo quyệt, để che giấu cái xấu của mình đi. Và cũng để ngỏ hàm ý rằng ‘thật lòng tôi không muốn thế’… nhưng vì mối quan hệ thế này thế kia, nên buộc phải làm vậy, nhưng tôi đã không cho đưa tin trên báo chí… Đấy là cái cách của cái đám xảo quyệt, nhưng không giấu được ai. Bởi vì bàn tay không thể che đậy nổi mặt trời. Đó là thái độ không đàng hoàng, không đúng đắn và nó không chính nhân quân tử. Cái xấu mà thế giới người ta lên án, mà rõ ràng là nó quá xấu rồi, nó độc ác rồi… mà cũng không dám lên tiếng”.
Tại sao Việt Nam lại rơi vào thế kẹt như trên? Câu trả lời đơn giản. Đó là vì, cái lobby say máu độc tài – chuyên chế trong một bộ phận lãnh đạo đất nước đã lấn át được cái lobby muốn hội nhập sâu rộng để làm ăn với bên ngoài, theo giả định nếu đúng như có những lobby như thế. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng tuyên bố tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc khai mạc hôm 14/12 năm ngoái, Việt Nam không chọn bên, không chọn phe trong cạnh tranh giữa các nước lớn, chính sách đối ngoại của Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết. Xin thưa, đấy là ông Phạm Minh Chính và nhánh quyền lực cam kết đường lối cải cách thể chế muốn thế. Nhưng với lập trường như ở LHQ vừa qua, coi như nhóm “chọn theo phe Nga và Tàu” đã áp đảo, kể cả chấp nhận cái giá phải trả là không tính đến lợi ích quốc gia – dân tộc như ưu tiên hàng đầu. CSVN trên thực tế nói một đằng làm một nẻo là vì vậy. Giữa phát ngôn và hành động của các phe nhóm không thể nào trùng khớp và tương thích với nhau.
Trước khi được các “hoàng tử đỏ” của cố TBT Lê Duẩn “bật mí”, chúng ta biết rằng, Việt Nam tuy theo chế độ toàn trị và độc đảng, nhưng thực tế từ khởi nguyên đã có nhiều băng nhóm và phe phái với những tính toán lợi ích không phải lúc nào cũng đồng nhất. Trong thời kỳ chiến tranh đã vậy. Trong thời buổi cục diện quốc tế có nguy cơ đảo lộn như hiện nay lại càng như thế. Bởi vì, cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xâm lược vô nghĩa của một kẻ độc tài, bệnh hoạn bởi quyền lực cá nhân và cơn vĩ cuồng của bản thân, đã/đang đẩy hàng triệu người vào thảm cảnh của địa ngục. Giới quan sát cho rằng, ngoài chuyện Việt Nam có thể bị Nga – Tàu gây sức ép, nhưng tại sao nhiều nước cũng mua vũ khí của Nga, cũng quan hệ chặt với Tàu như Indonesia, Myanmar… mà vẫn cứ ủng hộ LHQ khai trừ Nga như đã thấy. Vấn đề là, hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại và thịnh hành một “lobby ủng hộ bộ đôi Putin – Tập Cận Bình”, thể hiện rất rõ trong một bộ phận chính quyền lẫn trên cả các mạng xã hội.
Ông Nguyễn Chính Kết, một chuyên gia theo dõi tình hình chính trị và nhân quyền Việt Nam ở Texas, Hoa Kỳ, nói với VOA: “Nếu trước một tội ác tầy trời như của Nga đối với Ukraine mà Việt Nam không dám lên tiếng phản đối, lại còn chống lại việc loại bỏ Nga ra khỏi HĐNQ/LHQ thì các quốc gia khác trên thế giới sẽ tiếp tục không thể tin tưởng vào lương tâm của Cộng sản Việt Nam”. Nhận định về điểm chung trong lập trường của Việt Nam và Trung Quốc đối với hành động của Nga ở Ukraine, ông Nguyễn Chính Kết nói: “Nhà nước CSVN coi như bị lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc rất nhiều nên không dám làm những gì ngược lại ý muốn của Nga và Trung Quốc. Các nước khác sẽ nhìn Việt Nam giống như là một chư hầu của Trung Quốc hay của Nga vậy thôi”.
Nhà báo Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cũng nhận định, ông không ngạc nhiên trước việc bỏ phiếu chống của Việt Nam. Ông phân tích lý do: “Việt Nam đang ở vào thế buộc phải chọn phe. Cả một hệ tư tưởng và rất nhiều vấn đề ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự… phụ thuộc vào các đồng minh như Nga, Trung Quốc… Cho nên khi không thể đu dây được nữa thì buộc phải chọn phe. Tuy nhiên, việc này sẽ gây khó khăn rất lớn cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế… Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine rất phi nghĩa và rất nhiều nước trên thế giới đã phản đối. Trong thời điểm này mà chọn phe như vậy thì chắc chắn tương lai các quan hệ thương mại, ngoại giao sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì Việt Nam không chỉ dựa vào Nga và Trung Quốc, mà còn phải nhờ vào rất nhiều các mối quan hệ với các nước văn minh khác”. Ông Thắng kết luận: “Khi lãnh đạo đất nước chọn phe ngược lại với nhân dân thì đất nước sẽ lầm than!”
*
Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam ở LHQ thường trùng với các nước Bắc Triều Tiên (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%). Đối với các nghị quyết quan trọng như nghị quyết hôm 7/4, thì Việt Nam, Lào, Cuba và Trung Quốc thường bỏ phiếu giống nhau. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể nói tới mối tương quan về xu hướng bỏ phiếu giữa mấy quốc gia này thôi. Nhưng về mặt chính trị thì quá dễ hiểu ai lệ thuộc ai. Phải nhấn mạnh hai chữ “quốc gia” và bốn chữ “Nhà nước Việt Nam” để phân biệt với dân tộc và người dân Việt Nam. Putin đe dọa nước nào chống lại mình sẽ bị trừng phạt. Việt Nam có đủ bản lĩnh để chả sợ bất cứ lời đe dọa nào hết? Nhưng cái chính là, cứ bị ám ảnh nỗi sợ con ngáo ộp có tên là “Nhân quyền”. Đến bao giờ nước ta mới coi Nhân quyền là kết tinh của Chân – Thiện – Mỹ, chứ không phải thứ cứ đụng đến là giãy nảy lên. Đến lúc ấy, đại diện nhà nước này mới xứng đáng là đại diện của Dân tộc, đại diện cho Nhân dân.
Để kết luận, người viết muốn được chia sẻ với nghi vấn chính đáng của nhà báo Phạm Phú Khải: “Tại sao người dân Việt Nam không đặt câu hỏi đâu là thành phần chủ chốt đứng đằng sau những quyết định hệ trọng trên đây? Câu trả lời, tất nhiên, là thành phần cao cấp nhất của Đảng CSVN. Nhưng họ là ai? Tổng Bí thư? Ban Bí thư? Bộ Chính trị? Ban Chấp hành Trung ương? Hay bên phía chính quyền Việt Nam, như Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao… Hay chỉ một thiểu số nào đó đang thao túng mọi quyết định hệ trọng này? Ảnh hưởng của ĐCS Trung Quốc lên các quyết định này là thế nào? Bao nhiêu câu hỏi mà không có câu trả lời nào cả”. Nhưng người dân cần biết và phải biết ai đứng sau những quyết định hệ trọng này. Vì nó không chỉ quan trọng về mặt ngoại giao, về uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó còn mang tính hệ trọng cho tương lai Việt Nam. Những quyết định như thế làm sao có thể biện minh hay bảo vệ được cho Việt Nam khi một nước khác, như Trung Quốc, lấy lý cớ nào đó để xâm lăng Việt Nam sau này?