Trung Quốc ‘điều chỉnh’ thái độ đối với cuộc chiến ở Ukraine, còn Việt Nam?

- Quảng Cáo -

Hoàng Trường

Đại tá Mậu tập trung trả lời đề tài “Bên nào đang theo đuổi học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền?” Ông Mẫu kiên trì ca ngợi Tổng thống Putin và đặt lòng tin vào thắng lợi của Nga ở Ukraine.

Điều chỉnh thôi, chứ không phải thay đổi! Trung Quốc đang lo đối phó với dư luận tiến bộ và tính toán kế hoạch “hậu chiến” cho mình. Tiếp tục im lặng trước cuộc xâm lăng của Putin là công khai đồng loã với cái ác, sẽ bị làn sóng phản đối chiến tranh lên án. Chứ về thực chất, từ lâu Trung Quốc đã chống lưng cho Putin trong vụ sát hại đất nước và người dân Ukraine rồi. Nhóm tin tặc Anonymous đột nhập Cơ quan kiểm duyệt truyền thông của Nga đã làm rò rỉ 340.000 tệp tin, cho thấy Mátxcơva được Bắc Kinh trợ giúp đắc lực.

Bài bình luận gần đây của Stephen S. Roach từ Yale University trên Project-Syndicate phân tích khả năng Trung Quốc có thể ngăn chặn cuộc chiến của Nga hiện nay hay không. Bài viết đã khuấy động các lập luận mạnh mẽ từ các bên trong cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về cuộc chiến kinh hoàng ở Ukraine. Trong khi hầu hết người phương Tây nhận ra sự cần thiết phải có những hành động bất thường trong những thời điểm bất thường và đồng ý rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột. Nhưng cả hai đều đặt ra câu hỏi rõ ràng và thiết yếu tiếp theo: Chính xác thì Trung Quốc có thể làm gì để khôi phục hòa bình và ổn định cho Ukraine?

- Quảng Cáo -

Khả năng Trung Quốc chặn cuộc chiến

Vẫn theo Stephen S. Roach, Trung Quốc có thể chủ động trong ba lĩnh vực then chốt. Đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nên kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo G20, tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện trong cuộc xung đột này và phát triển một chương trình nghị sự cho một cuộc đàm phán hòa bình. Để thể hiện cam kết cá nhân của mình đối với nỗ lực này, ông Tập nên phá bỏ giao thức ngăn chặn hậu đại dịch (ông đã không rời Trung Quốc trong 24 tháng qua) và đích thân tham dự cuộc họp. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vậy.

Thứ hai, Trung Quốc có thể đóng góp đáng kể vào hỗ trợ nhân đạo. Với trẻ em chiếm ít nhất một nửa trong số hơn hai triệu người tị nạn từ Ukraine (một con số được dự đoán sẽ tăng nhanh lên ít nhất bốn triệu), nhu cầu hỗ trợ nhân đạo nhắm vào các nước chủ nhà láng giềng là không thể nghi ngờ. Trung Quốc nên quyên góp không ràng buộc 50 tỷ đô la cho UNICEF – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – cơ quan cứu trợ trẻ em gặp nạn lớn nhất thế giới.

Thứ ba, Trung Quốc có thể hỗ trợ tái thiết Ukraine. Chiến dịch ném bom tàn bạo của Nga nhằm mục đích băm nát cơ sở hạ tầng đô thị của Ukraine. Chính phủ Ukraine hiện đặt tổn thất cơ sở hạ tầng liên quan đến chiến tranh vào khoảng 10 tỷ USD, một con số có thể tăng mạnh trong những ngày và tuần tới. Xây dựng lại sẽ là một nhiệm vụ cấp bách nhưng rất nặng nề đối với một quốc gia vào năm 2020 xếp thứ 120 trên thế giới về GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương).

Trên đây chỉ là một trong nhiều nguồn tham chiếu tuần qua cho thấy chính phủ Trung Quốc bắt đầu chuyển động. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là một trong những chính khách phù hợp để kiềm chế Tổng thống Nga Vladimir Putin và giúp mang lại hòa bình cho Ukraine. Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi ông Tập phải thực hiện một biện pháp thắt chặt ngoại giao đồng thời giảm thiểu thiệt hại kinh tế do chiến tranh gây ra và các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga. Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây nhất có trao đổi với lãnh đạo Pháp và Đức, bày tỏ “sự đáng tiếc là chiến tranh quay trở lại châu Âu”. Trung Quốc cũng đã gửi trên 700 nghìn USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Trung Quốc thông báo về lô hàng viện trợ đầu tiên sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, trong cuộc hội đàm qua video giữa ba nhà lãnh đạo, diễn ra hôm 8/3. Trung Quốc cho biết lô hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên của nước này cho Ukraine đã được gửi đi từ giữa tuần trước. Tờ South China Morning Post, ngày 9/3, đưa tin chi tiết từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết lô hàng viện trợ đầu tiên này trị giá 5 triệu Nhân dân tệ (791.300 USD) và được gửi tới Ukraine thông qua Hội Chữ thập đỏ. Hàng viện trợ nhân đạo của Bắc Kinh cho Kyiv gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

SCMP trích lời ông Tập trong cuộc hội đàm với những người đồng cấp từ Pháp và Đức rằng, “chúng ta phải làm việc cùng nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng này”. Giống với Việt Nam, Trung Quốc không gọi đây là một “cuộc xâm lược” (invasion) và nước này từ chối lên án cuộc tấn công của Nga. Bắc Kinh đang chịu sức ép từ phương Tây kêu gọi nước này sử dụng mối quan hệ đồng minh thân thiết với Nga để can thiệp, và chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi “kiềm chế tối đa” để ngăn chặn thảm họa nhân đạo. Ngoại trưởng Vương Nghị, hôm 7/3, nói với nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell rằng Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang xây dựng trong việc giảm leo thang tình hình với khả năng tốt nhất của mình”. Nhiều khả năng đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của Ukraine trong khi công nhận điều mà nước này mô tả là “những lo ngại an ninh chính đáng” của Nga. Nếu bạn nhìn lại văn bản dài 5.000 từ được ký bởi Chủ tịch Tập và Putin khi họ tuyên bố sâu sắc hơn, liên minh không giới hạn, bạn sẽ thấy rằng sự phản đối việc mở rộng Nato đã gắn kết họ lại, mặc dù thỏa thuận bao gồm nhiều lĩnh vực điểm chung và được lên kế hoạch hoạt động; trong không gian, ở Bắc Cực, bằng vắc-xin Covid-19.

Ai theo đuổi học thuyết lỗi thời?

Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin KHQS, Viện Chiến lược Quốc phòng, trở thành nhà bình luận hàng đầu của đài báo Việt Nam về Nga-Ukraine và tình hình quốc tế từ khi nổ ra chiến tranh. Vì Bộ Ngoại giao Việt Nam không phát biểu nhiều về cuộc chiến tại Ukraine, có thể coi quan điểm được truyền thông chính thống ở Việt Nam đăng tải phần nào phản ánh cách nhìn, và mong muốn của một bộ phận quan trọng các quan chức quân sự nước này trong chiến cuộc tại Ukraine. Đại tá Mẫu không chỉ được coi như chiến lược gia quân sự mà còn được báo chí VN giới thiệu như một chuyên gia phân tích chính trị quốc tế. Hôm 11/3/2022, đại tá Mẫu nêu ra một số nhận định về hướng đi của cuộc chiến tại Ukraine trong trả lời phỏng vấn trên tờ Viettimes.

Đại tá Mậu tập trung trả lời đề tài “Bên nào đang theo đuổi học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền?” Ông Mẫu kiên trì ca ngợi Tổng thống Putin và đặt lòng tin vào thắng lợi của Nga ở Ukraine. Theo ông Đại tá thì: “Diễn biến chiến sự đang hướng đến kịch bản: chính quyền Ukraine phải chấp nhận thất bại, chấm dứt chiến sự và đáp ứng các yêu cầu của Nga. Đó là, chính quyền Kiev phải công nhận vị thế trung lập, không gia nhập Nato; công nhận chủ quyền của DPR và LPR; công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga”. Ông nêu ra cáo buộc nghiêm trọng với Ukraine, nước đang có Tổng thống là người gốc Do Thái, có thân nhân bị phát-xít Đức hủy diệt trong Thế Chiến II rằng đây là xã hội đã phát-xít hóa: “Tuy nhiên, dù theo kịch bản nào thì tình hình Ukraine sẽ còn lâu mới có thể ổn định được vì tư tưởng phát xít mới và quốc xã mới đã ăn sâu vào nhận thức của cả một thế hệ người Ukraine kể từ sau khi giành được độc lập từ Liên Xô năm 1991”.

Cũng theo ông Mẫu, quân tình nguyện từ châu Âu, Mỹ, Canada sang giúp Ukraine chống Nga “chính là khủng bố Al Qaeda mới”. Tuy nhiên, viên đại tá ở Việt Nam không nêu bằng chứng vì sao các thanh niên Scotland, Anh, Đức, Ba Lan… gia nhập binh đoàn tình nguyện Ukraine lại phải trở thành “chiến binh Hồi giáo, khủng bố” chống lại các nước sinh ra họ, nơi đa số dân theo Ki Tô giáo. Đánh giá của chiến lược gia Việt Nam cho rằng “quân Nga làm nhiệm vụ khó khăn là vừa đánh địch, vừa bảo vệ thường dân” và không nói gì về chuyện hàng triệu dân Ukraine, gồm nhiều người Việt Nam ở Ukraine bỏ chạy sang EU trước bom đạn Nga.

Thiển nghĩ, nếu cuộc phỏng vấn nói trên là chủ trương của Ban Bí thư do ông Võ Văn Thưởng là Trưởng ban (kiêm Tổng biên tập của hơn 800 tờ báo cách mạng) thì thật là một chủ trương sai lầm và nguy hiểm. Nói như Đại tá Mậu là hoàn toàn thiếu cơ sở khách quan, hơn nữa, xét trên mô hình xã hội chính trị, càng bộc lộ tính thiên vị của Việt Nam. Tuyên bố có vẻ trung lập, nhưng hoàn toàn theo “phe” Trung Quốc, với mô hình độc đảng toàn trị, cộng với một kiểu tư bản chủ nghĩa thân hữu (crony capitalism). Đúng như tác giả Nguyễn Khoa viết trên Viet-studies: “Mô hình này không xa là mấy so với mô hình Nga, với kiểu dân chủ đa đảng giả hiệu. Căn cứ trên mô hình xã hội chính trị, thì khối cộng sản, hay đúng hơn là khối toàn trị, vẫn tồn tại, kéo dài từ biên giới Belarus cho đến mũi Cà Mau”.

Sau buổi phỏng vấn “hoành tráng” như trên, Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam không giao tiếp với Chính phủ Việt Nam để phản đối cái nhìn sai lệch về cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine mới là chuyện lạ!

HT

- Quảng Cáo -