Khoảng cách còn xa!

- Quảng Cáo -

Song Chi

Câu chuyện cô Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà đi dự thi Miss World tại Puerto Rico, một hòn đảo thuộc lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ, nhưng lại biểu diễn khả năng đánh đàn T’rưng với bài “Cô gái vót chông” (nhạc sĩ Hoàng Hiệp), vốn là một bài hát chống Mỹ, khiến dư luận ngỡ ngàng. Bài “Cô gái vót chông” với lời lẽ rất “sắc máu”, như nhiều bài hát thuộc dòng nhạc “đỏ”, chống Mỹ thời đó:

….Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù.

Xiên thây quân cướp nào vô đây.

- Quảng Cáo -

Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo.

Em chưa ngừng tay vót chông rào buông rẫy.

….

Ê quân xâm lăng gian ác bay muốn vào mũi chông sẵn sàng đây

Chờ bọn bay diệt bọn bay!

Lướt qua một số bài báo trên các trang báo, đài tiếng Việt ở hải ngoại, những ý kiến bình luận trên facebook, đa phần đều cho rằng đây là một việc làm hoàn toàn “không hợp thời, hợp cảnh”. Cuộc chiến tranh VN đã kết thúc 46 năm rồi, hai nước Mỹ-Việt đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, và mối quan hệ đó đang ngày càng trở nên tốt đẹp, đem một bài hát chống Mỹ với lời lẽ sắt máu như vậy (dù chỉ biểu diễn phần nhạc, không có lời), và lại biểu diễn tại một cuộc thi sắc đẹp ngay trên mảnh đất thuộc lãnh thổ của Mỹ, không hợp thời hợp cảnh thì còn là gì.

Nhưng nói như thế là quá nhẹ. Ai cũng biết từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, Mỹ đã giúp VN rất nhiều từ kinh tế, giáo dục cho tới việc các hạm đội Mỹ thường xuyên có mặt trong khu vực biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải, việc chính phủ Mỹ lên tiếng cảnh báo khi Trung Cộng hung hăng bắt nạt các nước láng giềng nhỏ bé trong đó có VN…đã giúp cho VN “dễ thở” hơn trước âm mưu biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Cộng. Mới đây thôi, trong đại dịch COVID-19 Mỹ cũng là quốc gia hào phóng nhất, Mỹ đã viện trợ cho VN tổng cộng hơn 17 triệu liều vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, 77 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine, cùng hàng chục triệu đô la nhằm ứng phó với COVID-19, mà không đi kèm với bất cứ điều kiện nào. Vừa nhận sự giúp đỡ của người ta xong lại cất tiếng đàn chửi Mỹ, chống Mỹ thì là cái loại gì?

Tất nhiên, mọi người cũng thừa biết cô Hoa hậu sinh năm 2001, sinh ra rất nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc thì có biết gì mà căm thù Mỹ. Cô chỉ là máy robot thiếu suy nghĩ, ai biểu gì làm đó, việc chọn bài nào để trình diễn không phải là quyết định của cô Hoa hậu, người ta chỉ trích là chỉ trích những ông nào bà nào đã chọn bài, xét duyệt bài cho cô.

Cái cách xử sự đó cho thấy sự vô ơn, ngu dốt, bất lịch sự, kém văn hóa của một số quan chức VN nói riêng và của nhà cầm quyền VN nói chung.

Nhưng điều người viết bài này muốn nói đến ở đây là nếu như không có dư luận trăm tai nghìn mắt phản ứng về bài biểu diễn đó của cô Hoa hậu, thì chắc là những người đã chọn bài, duyệt bài và bản thân cô Hoa hậu sẽ không cảm thấy có điều gì sai trái trong việc mình làm cả. Thậm chí những người ủng hộ cô còn “hồn nhiên” ca ngợi tài biểu diễn của cô, cổ võ cho cô.

Như câu chuyện ông Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đến ăn tại nhà hàng Nusr-Et Steakhouse ở London, một trong những nhà hàng đắt đỏ nhất thế giới, và được anh đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gokce biệt danh là “thánh rắc muối” Salt Bae, tự tay đút miếng thịt bò dát vàng tức là golden steak, tận miệng. Nếu cái video quay cảnh tượng đó không được chính anh đầu bếp post lên và lan truyền đi khắp nơi, bị nhiều tờ báo quốc tế như BBC, The Telegraph, Daily Mail, RFA, South China Morning Post, Bangkok Post, kể cả The New York Times, một nhật báo hàng đầu nước Mỹ, loan tải với những nhận định tiêu cực, còn trên mạng xã hội facebook của người Việt thỉ khỏi nói, bao nhiêu ý kiến, bài viết bình luận, mổ xẻ, chỉ trích v.v…thì có lẽ bản thân ông Bộ trưởng Công An và những người đi cùng ông ta vẫn cho đó là bình thường.

Chúng ta biết chuyện quan chức cán bộ cộng sản VN có cuộc sống giàu có, cách một trời một vực với đại đa số dân chúng như thế nào. Trên mạng xã hội và ngay cả báo chí nhà nước VN thỉnh thoảng lại trưng ra những ngôi biệt thự, biệt phủ to đùng, nội thất xa hoa, cái thì kiểu Tàu cái thỉ kiểu Tây của các quan chức chỉ mới ở cấp huyện cấp tỉnh cho tới cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng trở lên. Còn trong đời thường họ ăn chơi tiêu tiền còn biết bao nhiêu chuyện hoang phí, lố bịch hơn nhiều, chẳng qua là “không bị lộ” mà thôi. Nên họ thấy thế là bình thường có gì mà phải ầm ỹ. Và đám dư luận viên bưng bô chế độ, cố tìm cách bào chữa cho chuyện này rằng ông Bộ trưởng Tô Lâm được mời ăn, người thì nói được một ông Bộ trưởng Nội vụ Pháp mời, người thì nói ông Bộ trưởng Anh mời, mà không biết cái lý lẽ đó sai từ gốc, rằng ở các nước tự do, dân chủ, phát triển, giàu có hơn VN gấp nhiều lần, các chính khách, quan chức sẽ không bao giờ dám mời khách đi ăn một món thịt bò dát vàng ở một nhà hàng đắt đỏ như vậy, và nếu đi như vậy mà báo chí khui ra là mất chức hoặc phải từ chức ngay! Trong khi đó thì một nước nghẻo, quanh năm phải đi vay đi xin viện trợ, sự giúp đỡ của các nước, lương bình quân đầu người chỉ khoảng hơn 200 USD/tháng mà quan chức đi ăn như vậy là chuyện hoàn toàn không bình thường.

Hay câu chuyện đàn chó 15 con của một cặp vợ chồng đem về quê tránh dịch nhưng bị chính quyền Cà Mau tiêu hủy vì sợ lây nhiễm, điều đáng nói hơn là đem tiêu hủy nhưng không cho hai vợ chồng (lúc đó đang cách ly tập trung vì dương tính với COVID-19) biết, những người ra lệnh đem thiêu hủy đàn chó cón nghĩ rằng họ đã làm đúng, có người còn bảo những người phẫn nộ, lên án việc này là đạo đức giả, tính mạng con người không lo, đi lo chuyện những con chó! Chó thì chỉ là chó. Người Việt còn ăn thịt chó đầy ra kia. Còn đối với người dân các nước văn minh coi chó như bạn, như người nhà của con người thì kinh hoàng! Quan chức tỉnh Cà Mau khi ấy còn chống chế, nói rằng chính chủ nhân tự nguyện cho đem thiêu hủy đàn chó. Cho đến khi dư luận phẫn nộ và chỉ ra những cái sai từ cả góc độ dịch tễ (Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nêu rõ: Chó mèo không lây truyền virus SARS-CoV-2 sang người), pháp lý lẫn tình người, thì có lẽ lúc đó quan chức tỉnh Cà Mau mới lờ mờ nhận ra việc mình làm có cái gì đó sai sai?

3 câu chuyện, tưởng chừng không có chút gì liên quan, nhưng thật ra lại giống nhau ở một điểm: đó là từ trong suy nghĩ, tư duy, hành động… của nhiều quan chức cho tới nhiều người trong xã hội chúng ta khác với một số quốc gia khác, dân tộc khác cả một khoảng xa mà chúng ta không biết. Cái khoảng cách xa đó là giữa văn minh và man rợ, giữa dân chủ và phản dân chủ, giữa nhân văn và phi nhân, giữa tử tế, biết điều và không tử tế, vô ơn v.v…

Cũng may mà còn có internet vạch ra cho nhiều người thấy cái sai, cái lệch lạc của họ. Nhưng không biết rồi họ có thấy ra, hay lại vài bữa cũng qua đi, lại tiếp tục lối suy nghĩ, tư duy, hành động theo cái quán tính cũ.

- Quảng Cáo -