Mai Lan – (VNTB) – Ổ dịch Covid-19 ở tỉnh Hải Dương bùng phát vào thời gian diễn ra Đại hội Đảng XIII. Đến 0 giờ ngày 16-2, tức mồng 5 Tết Tân Sửu, tỉnh này mới áp dụng cách ly xã hội toàn tỉnh
Tính đến thời điểm chiều mồng 4 tết, Hải Dương đã ghi nhận 513 ca mắc Covid-19 ở 11/12 huyện, thị xã, thành phố. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chủng virus SARS-CoV-2 phát hiện tại ổ dịch Hải Dương là biến chủng mới có khả năng gây bệnh và lây lan rất nhanh.
Khi Đà Nẵng bắt đầu xảy ra lây nhiễm mạnh ở cộng đồng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng công bố Đà Nẵng là thành phố có dịch và tiến hành các biện pháp phong tỏa, cách ly rất quyết liệt. Do đó sau 34 ngày không còn phát sinh lây nhiễm trong cộng đồng.
Cho đến chiều mồng 4 Tết, lãnh đạo tỉnh Hải Dương chưa công bố tỉnh Hải Dương là tỉnh có dịch, mặc dù mức độ lây nhiễm ở tỉnh đã cao gấp 24 lần ngưỡng an toàn dịch theo tiêu chí mà Tổ chức Y tế thế giới đã công bố là thế giới có đại dịch Covid-19 vào 11-03-2020. Điều này có thể đã dẫn đến sự chủ quan của một bộ phận người dân trong việc phòng chống dịch, và các biện pháp đã triển khai chưa tương xứng với tình hình là Hải Dương đang là một tỉnh có dịch với mức lây nhiễm cộng đồng cao hơn 20 lần ngưỡng an toàn dịch.
Trong lúc đó thì theo ngành y tế, dịch ở Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng do chủng mới có hệ số lây nhiễm cao hơn, thời gian ủ bệnh ngắn lại, tốc độ nhân lên của virus lần này gấp 4 lần chủng cũ. “Trong khi chủng tại TP.HCM vừa qua không nhân nhanh như vậy”, Bộ trưởng Y tế – ông Nguyễn Thanh Long, nhận định.
Trong ngày mồng 3 Tết, lấy dẫn chứng từ đợt dịch Đà Nẵng hồi tháng 7-2020, Bộ trưởng Y tế chỉ ra rằng Đà Nẵng giãn cách toàn thành phố sau ba ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên, dù lúc đó chỉ hai quận là Hải Châu và Sơn Trà xuất hiện bệnh nhân.
Khi dịch kết thúc ở Đà Nẵng, ngành y tế nghiên cứu lại phát hiện 38 mẫu có kháng thể nCoV trong số 5.640 mẫu xét nghiệm. Điều này chứng tỏ còn nhiều trường hợp dương tính nCoV nhưng chưa được phát hiện kịp thời.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đưa ra khuyến cáo với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, “Không đuổi theo mà phải chặn dịch, cứ phát hiện ca nào lại đuổi theo ca đó là thất bại. Cần áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 rộng hơn, hiện mới áp dụng ở Cẩm Giàng và Chí Linh, nếu không giãn cách rộng hơn, trong 14 ngày để dịch chậm hơn, sẽ khó khăn”.
Tuy nhiên phải đến 0 giờ ngày 16-2, tức mồng 5 Tết Tân Sửu, tỉnh này mới áp dụng cách ly xã hội toàn tỉnh. Và theo ghi nhận của báo chí, từ trưa mồng 4 Tết, Vài giờ sau khi nhận được thông tin Hải Dương sẽ cách ly toàn xã hội bắt đầu từ 0 giờ ngày 16-2, người dân địa phương về quê ăn Tết ở Hải Dương đã khẩn trương rời Hải Dương..
Trả lời báo chí, đại diện Tiểu ban Tuyên truyền phòng chống Covid-19 tỉnh Hải Dương, khẳng định việc cách ly xã hội trong phạm vi toàn tỉnh được tiến hành từ 0 giờ ngày 16-2, nên người dân quê Hải Dương về ăn Tết, nay phải trở về nơi cư trú, công tác đi khỏi địa bàn trước thời điển này thì không vi phạm quy định của pháp luật. Thêm nữa, hiện ở Hải Dương không phải chỗ nào cũng trong vùng dịch bệnh hoặc bị phong tỏa cách ly y tế.
Trong một diễn biến khác, theo thông tin từ cuộc khảo sát nhanh tại 2 khu cách ly của Hải Dương sáng mồng 3 Tết, trong những ngày qua đã có 80 F1 đang cách ly tại 2 khu này trở thành bệnh nhân dương tính. Đoàn khảo sát cho biết có nhiều vấn đề như bố trí sắp xếp khu cách ly chưa ổn khi người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người có bệnh nền, phụ nữ có thai thay vì phải cách ly riêng, nhưng ở đây vẫn cách ly chung.
Khu vực dễ lây lan là nhà vệ sinh, nhưng ở đây có nhà vệ sinh dùng cho tới 60 người.
Người đứng đầu Bộ Y tế lại đưa ra khuyến cáo với chính quyền tỉnh Hải Dương, “Chúng ta phong toả, nhưng không tuân thủ nghiêm vấn đề cách ly, nhà giãn cách nhà, người giãn cách người thì chúng ta khó có thể thực hiện được chống dịch”.
Bộ trưởng Y tế cũng kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao toàn bộ các khu cách ly tập trung dân sự lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho quân đội quản lý, vận hành, giám sát thay vì dân sự quản lý như hiện nay. Đồng thời, tất cả các khu này sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn, chế độ quân đội, đảm bảo thông suất vận hành, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
Mức độ lây nhiễm ở Hải Dương hiện nay được tạm ghi nhận là 220 người đang điều trị/ 1 triệu dân, cao gấp 55 lần mức lây nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM (4 người đang điều trị/ 1 triệu dân). Tức là mức độ lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nội và TP.HCM chỉ bằng chưa tới 2% mức độ lây nhiễm ở Hải Dương. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và các tỉnh khác đang quyết liệt phòng chống dịch.
Nếu nhìn từ Điều 4 của Hiến pháp để quy trách nhiệm, thì lỗi chậm chạp xử trí ổ dịch Hải Dương thuộc về Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng. Trách nhiệm cuối cùng đối với ổ dịch Hải Dương, thuộc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.