Đinh Hoàng Thắng
Truyền thông trong nước và thế giới chú ý đến một loạt các hoạt động ngoại giao quốc phòng nổi bật của Việt Nam, trước chuyến thăm Trung Quốc từ 18 đến 20 tháng 8 này của tân Tổng bí thư — Chủ tịch nước Tô Lâm.
Thứ nhất là việc Việt Nam nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS) [1]. Việc nộp hồ sơ này diễn ra trước thời điểm tân Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu, với số phiếu được cho là tuyệt đối, giữ cương vị là Tổng bí thư (TBT) Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), ngày 3/8/2024. Trình hồ sơ lên CLCS, Hà Nội không chỉ khẳng định quyền lợi của mình, mà còn tăng cường cơ sở pháp lý quốc tế đối với các yêu sách của mình ở Biển Đông. Điều này giúp phòng ngừa tranh chấp và bảo vệ lợi ích của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều quốc gia khác cũng đang yêu sách chủ quyền trong khu vực. Như đã biết, thời điểm nói trên cũng là lúc TBT Nguyễn Phú Trọng sắp qua đời (vào ngày 19/7). Xem vậy, để thấy, quyết định đối với động thái đối ngoại quan trọng này từ Hà Nội, lúc bấy giờ đã thuộc thẩm quyền của ông Tô Lâm, người được Bộ Chính trị phân công chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định [2].
Thứ hai là việc lần đầu tiên, Việt Nam và Philippines đã cùng nhau tập trận chung trên Biển Đông, liền kề sau Lễ tang của cố TBT Nguyễn Phú Trọng. Cảnh sát biển Việt Nam cho biết trong một thông báo rằng, tàu CSB 8002 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã xuất phát hôm 30/7/2024 đưa đoàn công tác của Cảnh sát biển Việt Nam lên đường thăm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Hoạt động này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Cũng trong chuyến thăm này, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết tàu CSB 8002 sẽ luyện tập chung với tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên biển [3]. Việt Nam và Philippines trước đây đã có những hợp tác trên biển. Vào tháng trước, Hải quân Việt Nam đã tiếp đón Hải quân Philippines tại Đảo Song Tử Tây trong một loạt các hoạt động giao lưu hữu nghị thường niên. Vào tháng 9/2023, Việt Nam và Philippines cùng tham gia cuộc tập trận quân sự chung của các nước ASEAN tại Biển Nam Natuna của Indonesia.
Thứ ba là vào sáng ngày 6/8/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đón và hội đàm tại Hà Nội. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lần này làm sâu sắc hơn mối quan hệ mà Hà Nội và Tokyo thiết lập hồi năm ngoái là “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng Châu Á và trên thế giới” [4]. Dịp này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng quyết định cung cấp hai xe vận chuyển vật liệu đa năng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tin tức cho biết thêm, đây là dự án đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa hai nước, có hiệu lực từ năm 2021. Sau Việt Nam, Bộ trưởng Kihara thăm Campuchia; chuyến thăm trùng với thời điểm Phnom Penh khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo do Trung Quốc tài trợ, bất chấp những lo ngại về môi trường và nguy cơ gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam [5].
Thứ tư là tại một phát biểu từ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Lê Đình Tĩnh khi trả lời phỏng vấn “The Washington Post”, Việt Nam đã gián tiếp thừa nhận việc cơi nới các đảo Trường Sa. “Trung Quốc chưa cử tàu thách thức nỗ lực xây đảo của chúng tôi. Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh cho rằng, điều đó có thể thay đổi nếu căng thẳng trên quần đảo Trường Sa tiếp tục gia tăng”, Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh cho biết. “Nếu Trung Quốc có động thái củng cố quyền kiểm soát đối với Bãi cạn Thomas, hiện là tâm điểm của tranh chấp nóng với Philippines, Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực từ trong nước và sẽ phải trở nên mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ các tiền đồn của mình ở Trường Sa”, Thiếu tướng Nguyễn Hông Quân, từ Bộ Quốc phòng tuyên bố như vậy và khẳng định: “Chúng tôi có thể sẽ buộc phải hành động” [6]. Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà phân tích quân sự từ Hà Nội cũng cho hay, bằng cách phát triển các tiền đồn này (Diện tích nay đã tăng gấp 10 lần, theo “WP”), Việt Nam có thể triển khai thêm tàu và nhân sự tới Trường Sa, tăng cường sự hiện diện ở vùng biển tranh chấp. Theo ông Hợp, các tiền đồn có thể chứa hệ thống radar và vô tuyến phát hiện sự di chuyển của tàu Trung Quốc, thường tắt các thiết bị theo dõi vị trí hoặc “đi trong bóng tối” ở Biển Đông [7].
Thứ năm là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã đến Moskva tham gia Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế (Army 2024), dự khánh thành Đài tưởng niệm các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva thời kỳ 1941 – 1945, đồng thời hội đàm với người đồng cấp Nga. Tại hội đàm, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, chuyến công tác lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng nhằm cụ thể hóa chủ trương làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống, “Đối tác chiến lược toàn diện” đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tháng 6/2024 [8]. Chuyến thăm của Đại tướng Phan Văn Giang được cho là nằm trong xung lực mới của sự hợp tác Việt – Nga. Bộ trưởng Giang nêu rõ tượng đài các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam ở ngoại ô Moskva, cùng với Đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga – Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực tại tỉnh Khánh Hòa vừa là minh chứng của truyền thống lịch sử, vừa là biểu tượng cho những nỗ lực củng cố và làm sâu sắc quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.
***
Theo Tạp chí The Diplomat, chuyến thăm chính thức Trung Quốc sang tuần sau diễn ra vào thời điểm cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã được xác nhận kế nhiệm người đứng đầu ĐCSVN lâu năm Nguyễn Phú Trọng, qua đời ngày 19/7 ở tuổi 80. Chuyến công du sẽ diễn ra chưa đầy bốn tháng sau khi ông Lâm được bổ nhiệm làm CTN Việt Nam. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Lâm có giữ chức CTN và TBT cho đến Đại hội toàn quốc tiếp theo của ĐCSVN vào tháng 1/2026 hay không, hay liệu một CTN khác sẽ được chọn trong những tháng tới? Theo Reuters, ông Lâm có thể từ bỏ chức vụ CTN khi Quốc hội họp phiên thường kỳ vào tháng 10. Kể từ khi được bổ nhiệm làm CTN, ông Lâm đã đến thăm các nước láng giềng Lào và Campuchia, thường là điểm đến đầu tiên của các Lãnh đạo mới nhậm chức ở Việt Nam. Nhưng chuyến thăm Trung Quốc sẽ là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi ông Lâm được Trung ương bầu làm TBT đảng [9].
Cố TBT Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho ĐCSVN một số di sản gây nhiều tranh cãi [10]. Vào tháng 7/2015, ông Trọng thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ, và lần đầu tiên, một TBT của ĐCSVN được đón tiếp tại Nhà Trắng và hội đàm với Tổng thống Obama. Nhưng TBT Trọng cũng được cho là người đã cản trở việc nâng cấp mối quan hệ đa chiều Mỹ – Việt lên “Đối tác chiến lược”. Nhưng nghịch lý là về cuối đời, cũng chính ông lại chủ động thúc đẩy việc nâng vượt cấp mối bang giao ấy lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Nghịch lý còn ở chỗ, ông làm điều đó trong khi Trung Quốc luôn luôn cảnh báo, mối bang giao Việt – Mỹ “không được ảnh hưởng đến chiến lược tổng thể của Hà Nội bởi những quan ngại cố hữu và mang tính cấu trúc” [11]. Liên quan đến các chiều kích khác trong chính trị đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong quan hệ với với Trung Quốc, cố TBT luôn cố gắng duy trì một trạng thái “cân bằng động”. Sáng 8/12/2015, TBT Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu trước các đại biểu Quốc hội Hà Nội tại các quận Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội): “Nếu để xẩy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội Đảng được không?…” [12].
Trong các hoạt động ngoại giao quốc phòng nổi bật nói trên, có những quyết định TBT—CTN Tô Lâm hoàn toàn có thể lùi lại sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc. Nhưng ông Tô Lâm đã không làm như vậy. Các quyết định vừa rồi của Ban bí thư do ông Tô Lâm cầm trịch liệu có đi ngược với nhận định của PGS. Trương Minh Lượng, chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu) trên tờ “SCMP” ngày 26/7/2024: “Không như căng thẳng gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc đã xoay xở để hòa thuận mà không thổi phồng những khác biệt sâu sắc về vấn đề lãnh thổ… Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ khá thân thiện với Trung Quốc, ít nhất là bề ngoài. Nhưng đồng thời, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Nga cũng đã được nâng lên mức độ chưa từng có”? [13].
Trước chuyến thăm Trung Quốc của TBT—CTN Tô Lâm, các hoạt động ngoại giao quốc phòng nổi bật của Việt Nam liệu có báo hiệu sự điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Quốc, hay chỉ là “diễn” để tranh thủ dư luận trong nước và củng cố uy tín cá nhân trong tập thể Trung ương, nhằm chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu tại Đại hội XIV vào tháng 1/2026? Nếu ông Tô Lâm thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, hệ lụy và phản ứng từ quốc tế sẽ ra sao? Giữa sự quyết đoán và thận trọng, cách tiếp cận nào của Tô Đại tướng sẽ chiếm ưu thế? Nếu lập trường cứng rắn được thể hiện trong chuyến thăm tới đây (18 – 20/8), ý nghĩa chiến lược mới sẽ là gì? Trung Quốc liệu có tiếp tục chấp thuận khái niệm “tương lai chia sẻ”, hay sẽ ép Việt Nam điều chỉnh sang một quy chế mới như “vận mệnh chung” hoặc “vận mệnh cùng chia sẻ” theo cách chuyển ngữ từ tiếng Trung? Cuối cùng, ảnh hưởng của chuyến thăm này đối với quan hệ Việt – Trung và tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam sẽ như thế nào? Các câu trả lời cho những vấn đề này hy vọng sẽ được soi rọi sau chuyến thăm của tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tham khảo:
[4] https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/bo-truong-quoc-phong-nhat-ban-cong-du-viet-nam-va-campuchia.html/amp
[6 & 7] https://www.washingtonpost.com/world/interactive/2024/vietnam-south-china-sea-islands-growth/
[10] https://www.voatiengviet.com/a/di-san-nguyen-phu-trong-/7704697.html
[11] https://www.globaltimes.cn/page/202304/1288748.shtml