Dưới đây chỉ là năm trong nhiều chiều kích ‘bị che khuất’, chứ không hẳn là những ‘bí mật’ gì đặc biệt. Bang giao Trung – Việt sau chuyến ‘tuần thú’ vừa qua của ông Tập, mọi bí mật – trừ những thỏa thuận ngầm, nếu có – đều đã trở thành các ‘bí mật công khai’…
Tổng bí thư Tập Cận Bình rời Hà Nội mấy ngày nay mà công chúng vẫn chưa được ‘thưởng lãm’ tứ thơ nào từ lãnh đạo Ba Đình. Không nhẽ lúc ‘Air China’ cất cánh, chẳng ai trong các quan chức ra tiễn đoàn thốt lên nổi: ‘Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Trông về cố quốc phương trời xa xăm’ (?!) Nếu quả thật thế thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong ‘Bộ tứ’ chưa thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh… Tứ thơ trên, hồi bấy giờ, ông Hồ lẩy Kiều để bày tỏ tâm trạng bất an của cụ lúc tiễn Lưu Thiều Kỳ rời Việt Nam năm 1963, trong bối cảnh cụ Lưu đang đối mặt với tình thế hiểm nghèo bởi cuộc đấu đá quyền lực trên thượng tầng Bắc Kinh. Và cụ Hồ từng tiên đoán, kiểu gì cụ Lưu cũng sẽ ‘dính đòn’ ông Mao trong cái gọi là ‘Cuộc Cách mạng Văn hóa vĩ đại’. Tuy đau đáu hướng về ‘cố quốc’ như thế, nhưng khi nghe tin ông Mao có ý đồ gửi mấy vạn ‘phu đường’ sang giúp Hà Nội đánh Mỹ, ông Hồ căn dặn ông Lê Duẩn: ‘Chú cứ để họ sang, nhưng hướng dẫn họ chỉ được mở các tuyến đường theo chiều ngang Đông – Tây trên bản đồ, không cho phép họ mở theo chiều dọc Bắc – Nam…’ (1) Ẩn ý của ông Hồ là tránh làm những tuyến đường sau này Trung Quốc sử dụng để kéo quân sang ta.
Còn thời nay, có nhiều cách khác nhau để ‘kéo quân sang’, nhưng câu chuyện ‘bí ẩn’ đầu tiên bị che khuất, chính lại là lịch sử ‘Nhất đới nhất lộ’ (BRI), khi Việt Nam đã ký Kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ ‘Hai hành lang, Một vành đai’ với sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’. Đặc biệt là hai chính phủ đã ký Hiệp định và Nghị định thư, cũng như đã ký Bản Ghi nhớ giữa các bộ, ngành về xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam – Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc. Liệu tương lai, có ai đó sẽ hối tiếc, để lời dặn của ông Hồ ‘gone with the wind’ (Cuốn theo chiều gió). Tại sao phải đi vay các Ngân hàng thương mại những khoản lớn, với lãi suất cao, để xây dựng một tuyến đường sắt chủ yếu phục vụ cho lợi ích hàng đầu là vận chuyển hàng hóa Trung Quốc xuống Cảng Hải Phòng để đi ra thế giới? Dự kiến, tuyến đường sắt này dài hơn 441 km, đi qua chín tỉnh thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (ga Cái Lân) (2). Tuyến đường có tổng mức đầu tư 10 – 11 tỷ USD. GS. Trần Ngọc Vương từ Đại học Quốc gia đã phản đối vay tiền làm đường chở hàng cho Trung Quốc (3).
Câu chuyện ‘bị ẩn dấu’ tiếp theo là thỏa thuận Việt Nam và Trung Quốc từ nay chỉ chia sẻ… ‘tương lai’, chứ không chia sẻ ‘vận mệnh chung’ nữa! Có những lý giải khác nhau nhưng nhìn tổng quát, đây chỉ là thay đổi cách cách công bố ra ngoài cho dư luận và dân chúng. Nếu so Tuyên bố chung 2022 lúc ông Trọng sang Bắc Kinh với Tuyên bố chung 2023 vừa rồi thì còn một số điểm khác biệt đáng chú ý nữa. Tuyên bố chung 2022 không có các yếu tố ‘tương lai’ hay ‘vận mệnh’ gì cả. Những yếu tố để xác lập ‘định hướng quan hệ’ trong Tuyên bố năm 2022 chỉ là: Phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình (4). Như vậy, phải thừa nhận một thực tế là TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhân nhượng ông Tập một bước khá căn bản để đổi lại việc Việt Nam, chỉ trong vòng hai tháng cuối năm đã có những ‘cú lật kèo’ khá ngoạn mục, để có thể vượt cấp quan hệ với Mỹ lên hai bậc, hoàn thiện nốt bước tiến với Nhật Bản và sắp tới đây với Úc lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện.’
Liên quan đến khánh tiết và truyền thông cũng có thể gộp thành ‘góc khuất’ thứ ba. Tiệc trà giữa ông Trọng với ông Tập là câu chuyện sẽ còn tốn nhiều giấy mực. Về kịch bản, đó là sự ‘copy’ lại tiệc trà ông Tập đãi ông Trọng ở Bắc Kinh, nhưng rút kinh nghiệm lần trước, cả hai TBT đều không ai đem chất lượng các loại trà của mỗi nước ra để so đọ (5). Nhưng khung cảnh ‘sân khấu’ của tiệc trà thì quả là một câu chuyện không thể bỏ qua. Nó quá lòe loẹt, quá ‘lộ hàng’ bởi cái không gian ‘hý kịch’. Tre không ra tre, trúc không ra trúc, ẻo lả, chẳng có gì ‘dáng quân tử’ cả. Dẫu sao, lần này, Lễ tân cũng đã rút kinh nghiệm, tránh cho Thủ tướng Phạm Minh Chính ‘giành thảm đỏ’ với TBT Tập Cận Bình, nên đã cẩn thận trải một lúc những hai thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay (6). Tuy nhiên, về truyền thông thì dân chúng cực kỳ bất mãn. Những ai có điều kiện xem truyền hình quốc tế, mới có thể nghe được ‘những lời có cánh’ của ông Trọng ca ngợi ông Tập lên tận mây xanh, nào là nhà lãnh đạo xuất sắc được nhân dân Trung Quốc kính trọng, nhân dân Việt Nam yêu mến… Phải chăng vì những điều không có thực ấy mà TBT Trọng muốn ‘nút tai’ người Việt, chỉ cho phép thần dân thấy dung nhan và đôi môi của ‘Hoàng thượng’ mấp máy?
‘Bí ẩn’ thứ tư liên quan đến ‘sự chồng lấn’ giữ chuyến thăm của Chủ tịch Tập và của Thủ tướng Hun Manet tại Hà Nội. Chưa có bất cứ tin tức nào về cuộc gặp tay ba Việt Nam – Trung Quốc – Campuchia trong hai ngày 12 và 13/12, nhưng giới quan sát đã không bỏ qua bí mật công khai của hiện tượng ‘chồng lấn, này (7). Dư luận có thể đặt câu hỏi: Tại sao chuyến xuất ngoại thứ hai của ‘Hoàng tử’ lại rơi vào đúng lúc ‘Tứ trụ’ trong Bộ Chính trị Hà Nội đang tất tả ngược xuôi tiếp khách. Trong khi đó, Hun Manet vừa gặp Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại Bắc Kinh. Và mới đây nhất, Chủ tịch Quốc hội CPC Khuon Sudary, cũng vừa kết thúc thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ngoại trưởng CPC Sok Chenda Sophea bày tỏ: ‘Có thể ví chuyến thăm Việt Nam (vừa qua) của Thủ tướng Hun Manet như công việc trồng cây, chăm hoa, yêu cầu chúng ta cần phải thường xuyên chăm bón, tưới tắm’ (8). ‘Tỉa hoa’ và ‘chăm sóc cây cối’ đâu phải là chuyện gì gấp gáp mà Hun Manet phải ‘nhảy bổ sang’ lúc chủ nhà đang bận không mở được mắt. Nếu nhìn kỹ ánh mắt và thần thái của vị quân vương trẻ Hun Manet, nhà lãnh đạo Hà Nội nào nếu còn chút linh cảm chính trị, chắc sẽ ‘không rét mà run’ (9).
Cuối cùng, ‘chiều kích bí ẩn’ thứ năm là toàn bộ ‘đại hý kịch ĐCSVN đưa ra trình diễn đều được ĐCSTQ chấp thuận. Phải chăng vì cả hai đảng dường như đang rơi vào thế lưỡng nan, cả về nội trị lẫn ngoại giao, nên đã tìm mọi cách xoay xở sao cho ‘xuôi chèo mát mái’ các bang giao ‘bằng mặt không bằng lòng’. Trong bối cảnh ấy, điều khích lệ với người dân là Hoa Kỳ vẫn ‘kề vai sát cánh’ cùng Việt Nam trong sứ mệnh xây dựng “Không gian Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14/12 nói: ‘Hoa Kỳ và Việt Nam có chung ý thức về mục đích và tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và cởi mở, trải dài từ sự hợp tác chặt chẽ về di sản chiến tranh và các vấn đề nhân đạo đến an ninh khu vực, thịnh vượng chung, hợp tác sâu sắc hơn trong việc giải quyết các vấn đề khủng hoảng khí hậu, bệnh truyền nhiễm, buôn lậu ma túy và động vật hoang dã, tăng cường hợp tác hàng hải và chống tội phạm xuyên quốc gia’ (10). Tập Cận Bình dù có lớn tiếng xúi giục, Hà Nội hãy cùng Bắc Kinh, ngăn chặn ‘các thế lực bên ngoài’ muốn gây rối ở châu Á – Thái Bình Dương, thì lời kích động ấy cũng rơi tõm vào thinh không!
THAM KHẢO:
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2006/05/060510_leduan_part3
(3) https://www.youtube.com/watch?v=GwIzbCuoAsQ
(4) https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-co-muon-chia-se-tuong-lai-voi-trung-quoc-/7398078.html
(6) https://www.youtube.com/watch?v=1GHscqAV28g
(7) https://www.youtube.com/watch?v=GwIzbCuoAsQ
(8) https://tuoitre.vn/hom-nay-thu-tuong-campuchia-hun-manet-den-viet-nam-2023121107041236.htm