Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba (12/12) đã nhất trí rằng hai nước sẽ xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Cam kết được đưa ra trong ngày đầu của chuyến thăm hai ngày ông Tập Cận Bình tới Việt Nam nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản. Chuyến thăm được Hà Nội nghênh đón trọng thị, từ thực tế lẫn trên bề mặt truyền thông, nhưng các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến bày tỏ phản đối và đưa ra cảnh báo về khái niệm gây tranh cãi và cả chuyến thăm của ông Tập.
Việt Nam đã thực hiện nghi thức chào đón Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc bằng 21 phát đại bác, và khẳng định chuyến thăm là “một dấu mốc lịch sử mới, đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước”, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói trong buổi tiếp ông Tập Cận Bình chiều 12/12.
Truyền thông Việt Nam liên tục đưa tin và hình ảnh chuyến thăm, với mật độ có phần “dày đặc” và “thoải mái” hơn so với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đã đến Việt Nam 3 tháng trước để nâng cấp mối quan hệ Việt-Mỹ lên mức cao nhất, ngang với Trung Quốc, Nga và một vài nước khác.
Theo trang web của báo Nhân Dân vào tối 12/12, một trong những kết quả từ cuộc họp giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình là “hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình”.
Phản đối
Trước chuyến thăm, tờ Nhân Dân và một số tờ báo khác của Việt Nam đã đăng bài viết của ông Tập Cận Bình gửi trước khi đến Việt Nam, trong đó ông đề cập đến chuyến thăm như là một thông lệ giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước, giống như “họ hàng thân thiết” thăm nhau, rồi đến việc hai bên phải “kiên trì hài hòa lợi ích”, cho đến các sáng kiến của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Một nội dung đáng chú ý và được các nhà nghiên cứu, ngoại giao tranh luận nhiều nhất là khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” mà ông Tập nói đến. Trung Quốc cũng dùng một cụm từ khác là “cộng đồng chia sẻ tương lai” để chỉ khái niệm này.
Nội dung này có thể được coi là có ít đòi hỏi khắt khe hơn và dự kiến sẽ được đưa vào một tuyên bố chung sẽ được thông qua trong chuyến thăm của ông Tập, theo Reuters.
Nói về việc lãnh đạo hai nước nhắm đến sự “chung vận mệnh”, nhà hoạt động, nhà báo tự do đang giữ quyền Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), JB Nguyễn Hữu Vinh, đưa ra nhận định với VOA:
“Tập Cận Bình nói ‘cùng chung vận mệnh’ thì chắc có lẽ chỉ có nói với Nguyễn Phú Trọng để giữa hai đảng của các ông đó thôi, chứ còn giữa dân tộc Việt Nam và dân tộc Trung Hoa mà lại chung vận mệnh thì tôi không tin như vậy”.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về các vấn đề chính trị và chiến lược của Việt Nam tại Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore, cũng cho rằng khả năng người dân Việt Nam chấp nhận “chung vận mệnh” với Trung Quốc là rất ít hoặc không có.
Ông nói với Reuters: “Sự mất lòng tin của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng sâu sắc và theo quan điểm của người dân Việt Nam, có rất ít hoặc không có ‘chung vận mệnh’ giữa hai nước, chừng nào Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông”.
Trên trang mạng Facebook, nhiều nhà hoạt động, nhà báo tự do bày tỏ sự phản đối và đưa ra những cảnh báo về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
“Phản đối cộng đồng chung vận mệnh!!! Phản đối sáng kiến Vành đai-Con đường!!! Phản đối chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình!!!”, trang Facebook của Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do, nơi tập hợp nhiều nhà báo, blogger tự do có tiếng, đăng khẩu hiệu phản đối của họ vào ngày chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam.
Trên trang cá nhân, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh cũng đăng ảnh mang biểu ngữ viết: “Tôi phản đối rước giặc vào nhà. Tập Cận Bình – tên xâm lược bẩn thỉu, cút đi”.
Ông giải thích thêm với VOA về hành động của mình:
“Tôi phản đối chuyện rước giặc vào nhà như Tập Cận Bình. Không phải chuyến thăm lần này mà chuyến thăm trước đây, chúng tôi cũng đã đi đến tận nơi để phản đối, sau đó bị công an Hà Nội bắt nhốt vào đến tận chiều tối mới thả ra. Nhưng lần này, chúng tôi thấy rằng không ai có thể ra được khỏi nhà vì an ninh họ ngăn chặn hết tất cả. Không còn cách nào hơn là chúng tôi tỏ thái độ bất bình về chuyện rước giặc vào nhà, một tên xâm lược bẩn thỉu vào ngôi nhà của mình, cũng như đưa cả bà vợ Bành Lệ Viện là người đã cổ vũ cho đám quân xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979”.
Thái độ người dân
Tương tự như chuyến thăm của ông Biden đến Hà Nội vào tháng 9, một số hình ảnh người dân cầm cờ chào đón ông Tập Cận Bình cũng được đăng trên truyền thông Việt Nam hôm 12/12. Tuy nhiên, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh cho rằng thái độ thể hiện của người dân đối với hai chuyến thăm là “hẳn nhiên có sự khác biệt”, bắt nguồn từ “dòng máu bất khuất chống Trung Quốc xâm lược đã chảy trong huyết quản người dân Việt Nam cả ngàn năm nay” và những hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam trong những năm qua.
“Điều đó nó thể hiện trên nét mặt người dân, trong thái độ của từng con người, các Facebooker và những người mà tôi quen biết. Tôi thấy nó hoàn toàn trái ngược lẫn nhau. Chúng tôi thấy khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, công an phải gác hết chỗ nọ đến chỗ kia, ngăn chặn chỗ này chỗ khác. Ngược lại, Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam thì cũng có sự ngăn chặn, nhưng không phải người ta phản đối mà ngăn chặn người ta đi theo mừng. Hai cái hoàn toàn khác nhau. Nó nói lên thái độ của người dân Việt Nam”, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh nói.
Ưu đãi, hứa hẹn
Ngoài việc đưa mối quan hệ lên một mức độ mà Bắc Kinh có thể coi là cao hơn so với Hoa Kỳ, hai nước công bố hôm 12/12 rằng họ ký kết 36 hiệp định, thỏa thuận về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quan hệ ngoại giao, đường sắt và viễn thông.
Điều này xác nhận những gì đại sứ Trung Quốc Hùng Ba nói với Tuổi Trẻ trước chuyến thăm của ông Tập.
Vị đại sứ đã cho hay rằng các thỏa thuận dự kiến sẽ bao gồm các khoản đầu tư của Trung Quốc để nâng cấp các tuyến đường sắt giữa các nước láng giềng, trong đó sẽ bao gồm các khoản tài trợ, mặc dù số lượng và điều khoản của các khoản vay có thể không rõ ràng.
Thúc đẩy liên kết giao thông sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản, trong khi Bắc Kinh muốn hội nhập hơn nữa miền Bắc với mạng lưới chuỗi cung ứng phía Nam, theo Reuters.
Trước viễn cảnh phát triển kinh tế xán lạn mà chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn mang lại, một số nhà báo tự do nhắc lại cảnh báo về “bẫy nợ” từ sáng kiến Vành đai-Con đường mà nhiều nước đã sa vào.
“Nói về những lời hứa hẹn thì bài học lớn nhất là của Duterte ở Philippines cũng đã nhận được bài học cay đắng đó rồi. Còn việc tin tưởng vào lời nói của Tập Cận Bình thì cũng cần lưu ý đó là lời nói của những người cộng sản, mà lời nói của người cộng sản thì xưa nay độ khả tín của nó tới đâu thì chắc có lẽ chúng ta cũng cần xem xét lại cụ thể, chứ không phải cứ nói là nghe được như những người bình thường”, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh nói với VOA.
Theo ông, đường lối “ngoại giao cây tre” mà ông nói là “đi hàng hai” của Việt Nam hiện nay là “thực dụng nhưng không khôn ngoan”.
“Mọi sự giúp đỡ chỉ là thứ yếu, còn nội lực của nước mình là cái chính. Một chính phủ tham nhũng, không được lòng tin của người dân, suốt ngày chỉ lo chống chọi với người dân còn chưa xong thì rõ ràng phải quỵ luỵ, phải lệ thuộc, hèn hạ với nước ngoài là điều rất bình thường”, ông JB Nguyễn Hữu Vinh nói.
Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng về mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế cho đến an ninh và các vấn đề quốc tế.
Truyền thông quốc tế cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhằm tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với quốc gia cộng sản ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, Tổng bí thư Việt Nam trong buổi tiếp Tổng bí thư Trung Quốc hôm 12/12 tái khẳng định chủ trương “độc lập, tự chủ”, cũng như đường lối quốc phòng “4 không” của mình, theo trang tin của chính phủ Việt Nam.