Có người nghe nói triển khai dự án “Thành phố thông minh” diện tích 272 héc ta tại chân cầu Nhật Tân đã khấp khởi mừng. Vì nghĩ rằng các toà nhà chung cư xây dựng tại “Thành phố thông minh” sẽ được phân phối miễn phí cho người dân, giống như các khu tập thể Kim Liên, Thành Công, Giảng Võ ở những năm 1970.
Họ quên mất mỗi m2 nhà ở “Thành phố thông minh” sẽ có giá phải mua nhiều ngàn USD, mỗi chỗ để xe cũng phải trả phí dịch vụ, lên tháp cao tài chính 108 tầng để ngắm cảnh thành phố phải trả tiền, vào các khu vui chơi giải trí ở các công viên cũng phải mua vé. “Thành phố thông minh” thông minh đầu tiên ở biết cách thu tiền. Không có gì là miễn phí. Ước mơ hưởng thụ miễn phí trong “Thành phố thông minh” còn xa vời hơn “Lão đầy tớ ngồi mơ nước Nga” trong bài thơ ‘Lão đầy tớ´ của Tố Hữu.
– Trong dự án 61,67 tỷ USD đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP HCM có đề xuất đấu thầu đất xây dựng 50 đô thị xung quanh các nhà ga trị giá khoảng 38,95 tỷ USD chiếm 63,15% tổng vốn đầu tư. Đấu thầu đất Thủ Thiêm, giá khởi điểm tối thiểu bắt đầu từ 12.000 USD (300 triệu đồng)/1m2. Lô đất bị bỏ cọc có giá cao nhất 2.450 triệu đồng (100.000 USD)/1m2.
Vậy khu đất “Thành phố thông minh” rộng 272 héc ta tại chân cầu Nhật Tân sẽ mang về cho Hà Nội bao nhiêu tỷ USD từ tiền đấu thầu sử dụng đất?
Nếu cấp đất chỉ để lập quy hoạch, vẽ những toà nhà thật đẹp, làm hạ tầng cơ sở, sau đó xây chung cư để bán, thì người dân Hà Nội hoàn toàn không cần.
Kêu gọi đầu tư vào sản xuất khó. Còn kêu gọi đầu tư xây dựng nhà để bán thì không khó. Thành phố Hà Nội không thể lặp lại sai lầm của khu đô thị Ciputra. Bất cứ m2 đất nào đầu tư vào bất động sản đều phải được đấu thầu công khai. Đây là nguồn thu vô cùng to lớn không thể giữ bí mật chỉ để cho một ít người biết.
Cử tri Thủ đô rất muốn biết UBND thành phố Hà Nội thu được bao nhiêu tỷ USD từ 272 héc ta đất khu vực chân cầu Nhật Tân dành cho phát triển đô thị?
Một cháu bé bậc tiểu học cũng có thể làm phép tính đơn giản:
2.720.000 m2 nhân với x USD/m2 = y tỷ USD.
Giả sử x = 10.000 USD, thì y = 27,2 tỷ USD.
Thủ đô Hà Nội rồi còn tiếp tục thu hồi nhiều ngàn héc ta đất nữa để phát triển đô thị. Nếu đấu thầu công khai, thì sẽ thu được nguồn tài chính khổng lồ, đủ để xây mới các tuyến đường ngầm và trên cao xoá nạn tắc nghẽn giao thông, đủ để giải quyết vấn đề 2, 3 bệnh nhân nằm chung giường, đủ để mua thiết bị giúp cho công nhân về sinh môi trường thôi phải đẩy những chiếc xe gom rác quá đầu trong chiều 30 Tết… , đủ để làm rất nhiều việc trọng đại cấp thiết khác.
– Vấn đề “Thành phố thông minh” còn đặt ra cho “Hội đồng Lý luận Trung Ương” một thực tế khác về “Chủ thuyết giai cấp” và vấn đề “Sở hữu toàn dân”.
Ở nước ta hiện nay, nông dân không sở hữu đất đai. Sự thuê đất tạm thời của nông dân chỉ có thời hạn 50 năm, và đối mặt với nguy cơ bị thu hồi bất cứ lúc nào. Đất đai nằm trong tay của người nông dân, nhưng họ không biết kinh doanh, không được buôn đất, mà phải nhường cho người khác lấy đất phát triển bất động sản để bán lại cho họ. Còn công nhân cũng không biết đi buôn, không thể làm nhà đầu tư, các dự án bất động sản không phải của công nhân, nên công nhân mãi mãi ở vị trí làm công ăn lương.
Tình thế của giai cấp công nhân nước ta như vậy có cho phép họ nắm vị trí lãnh đạo, làm giai cấp tiên phong được không?
Không chỉ vấn đề giai cấp công nhân không thể giữ vai trò tiên phong, không thể làm lãnh đạo vì không biết làm giàu, mà hiện nay cả giai cấp công nhân lẫn giai cấp nông dân đều không sở hữu đất đai. “Sở hữu toàn dân” trên thực tế cũng không thuộc quyền của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. “Sở hữu toàn dân” đang từng mảng lớn chuyển sang thuộc sở hữu của những người giàu có. Vậy thì “Sở hữu toan dân” tồn tại có lợi cho ai?
– Đề nghị các vị ĐBQH quan tâm đến hàng trăm ngàn héc ta đất đang được đầu tư vào bất động sản mà không qua đấu thầu. Đây là vấn đề lớn mà các vị ĐBQH cần quan tâm. Sự thất thoát từ không đấu thầu quyền sử dụng đất có giá trị cả ngàn tỷ USD, nhiều gấp triệu lần lợi ích đấu thầu biển số.