Chánh Thành (VNTB)
Trong một tương lai lâu dài, muốn phát triển bền vững thì các doanh nghiệp cần phải ủng hộ cho việc thúc đẩy dân chủ.
Việc cơ quan công an kiểm tra đã thu giữ rất nhiều tài liệu, tài sản toàn bộ hệ thống máy chủ của công ty Thành Bưởi khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi. Nhưng cách phản ứng của công ty này cũng cho thấy rằng doanh nghiệp chưa hiểu gì về hệ thống cầm quyền độc tài công an trị ở Việt Nam.
Viết thông cáo báo chí tố cáo công an rồi lại đính chính xin lỗi
Sau khi công an bất ngờ tung lực lượng khám xét các trụ sở và chi nhánh ở TPHCM và Lâm Đồng, nhà xe Thành Bưởi đã ngay lập tức có thông cáo báo chí về hành vi “kiểm tra mà không giao lại văn bản kiểm tra”. Đồng thời tố cáo cơ quan chức năng có âm mưu xoá sổ doanh nghiệp khi “thu giữ rất nhiều tài liệu, tài sản và đặc biệt toàn bộ hệ thống máy chủ của Công Ty Thành Bưởi”.
Việc không dám bàn giao lại lệnh khám xét cho nhà xe chứng tỏ công an biết hành vi của họ là bất hợp pháp. Thu giữ hệ thống máy chủ coi như là triệt đường sống của doanh nghiệp. Thế nhưng phản ứng tức thời của Thành Bưởi lại càng khiến họ chìm sâu vào khủng hoảng và mâu thuẫn với nhà cầm quyền.
Bằng chứng là ngay sau thông cáo báo chí này, Thành Bưởi đã phải đăng tiếp một bài đính chính để “xin lỗi” công an. Bài đính chính này đổ lỗi cho bộ phận quản lý fanpage của nhà xe khi đăng thông cáo “mang tính chủ quan, chưa chính xác về công tác kiểm tra của lực lượng công an”. Tuy đổ lỗi cho bộ phận quản lý fanpage nhưng rõ ràng trên thông cáo báo chí có dấu mọc tròn và chữ ký của giám đốc công ty Thành Bưởi.
Phản ứng này chứng minh doanh nghiệp vẫn chưa hiểu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Dù rằng, phía sau họ có quan chức chống lưng, hay dù họ có là doanh nghiệp sân sau của những lãnh đạo cấp cao nào đi chăng nữa. Họ vẫn có thể bị nhà nước độc tài triệt hạ bằng mọi thủ đoạn tại mọi thời điểm, nếu họ dám lên tiếng phản kháng.
Đòn hồi mã thương của hệ thống độc tài toàn trị
Tại các nước độc tài, hầu như doanh nghiệp nào cũng phải chung chi để có thể yên ổn làm ăn. Một số công ty sân sau thậm chí còn lợi dụng việc quan chức chống lưng để thâu tóm thị trường, triệt hạ đối thủ. Dĩ nhiên, lúc còn thời thì “cáo mượn oai hùm, tới khi hết thời, thế lực chống lưng bị gãy gánh, “về làm người tử tế”, để các phe phái mới lên thay thế thì mọi thứ phải thay đổi. Một là chia cổ phần cho băng mới, hai là bị xoá sổ.
Có thể nhờ vào sự chống lưng mà các doanh nghiệp này đã biết trước kế hoạch khám xét của nhà chức trách. Tuy nhiên họ không ngờ tới việc bị thu luôn máy chủ như vậy. Chính vì bất ngờ trước cách hành xử côn đồ của công an, nên đã dẫn tới phản ứng mang tính đối đầu với nhà chức trách như trong thông cáo báo chí.
Và khi đã đối đầu trực diện với nhà nước độc tài, trừ khi bạn mạnh hơn họ, còn không, họ sẽ không từ thủ đoạn nào để tiêu diệt bạn. Trong những ngày qua các lực lượng dư luận viên, báo nhà nước, báo lá cải, trang mạng xã hội liên tục đưa tin bài đấu tố nhà xe này, giống như cách họ chụp mũ Ngọc Trinh cách đây 10 ngày. Các bài viết lăng mạ, vu khống Thành Bưởi xuất hiện dày đặc với nhưng ngôn từ ti tiện nhất có thể để chụp mũ nhà xe này.
Báo Tiền Phong có bài viết chụp mũ khi gọi Thành Bưởi là “tập đoàn xe dù” uy quyền như “xe vua”. Báo Thanh Niên thì viết nhà xe này “nhờn luật, ” được bảo kê, có chống lưng”. Báo Chính phủ giật tít “Nhà xe Thành Bưởi lộng hành, có dấu hiệu trốn thuế và làm ngơ”. VTV đã tung một phóng sự điều tra về việc doanh nghiệp này lập bến bãi trái phép, có dấu hiệu trốn nộp thuế, phí. Những bài viết, phóng sự, video này được nhiều tài khoản TikTok, Facebook cắt ghép nhằm hạ uy tín nhà xe này.
Sự đê hèn, chụp mũ, vu khống tuỳ tiện của người làm tuyên truyền trong đảng cộng sản Việt Nam đã được biết đến từ 100 năm trước. Khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập đảng này, viết báo lăng mạ hoàng đế Khải Định trên tờ L’Humanité (năm 1922). Tới thời Võ Văn Thưởng làm trưởng ban tuyên giáo, sự bỉ ổi của những người làm tuyên truyền Việt Nam đã được nâng lên một tầm vóc mới.
Anh Ngọc H. , một hành khách thường xuyên của Thành Bưởi nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo: “Thời Nguyễn Ái Quốc chửi vua vì ông ta là thành phần đối nghịch với triều đình. Còn thời Võ Văn Thưởng, chẳng những tuyên giáo lăng mạ người dân, mà họ còn lợi dụng báo chí, truyền thông để chửi nhau với đồng đảng. Những bài viết, phóng sự chụp mũ như trong vụ án Thành Bưởi, chính là con dao hai lưỡi. Vừa muốn triệt hạ Thành Bưởi và thế lực chống lưng, nhưng cũng vừa tự vả vào mặt người cộng sản”.
“Bởi vì chỉ có cộng sản mới chống lưng cho Thành Bưởi nổi, chứ ở Việt Nam này ai đủ lực để chống lưng cho doanh nghiệp? Ngoài cộng sản ra, ai có thể tham nhũng, hối lộ, và lập sân sau không? Doanh nghiệp hiểu cộng sản, phải hiểu rằng ngay cả đồng đội, đồng chí, đồng đảng mà họ còn ám toán nhau, còn hạ độc thủ với nhau. Thì họ xá gì con chốt thí như Thành Bưởi, FLC, Vạn Thịnh Phát…” Anh H. nêu quan điểm.
Người dân ủng hộ hoạt động của Thành Bưởi
Kèm theo việc bôi nhọ bằng truyền thông, dĩ nhiên là các biện pháp chế tài trừng phạt. Sau khi đăng thông cáo báo chí và công an công bố tám lỗi của nhà xe này, thì Thành Bưởi lại nhận được nhiều sự ủng hộ và đồng cảm của người dân. Tám hành vi mà nhà cầm quyền nêu ra được dư luận đánh giá là nhà xe nào cũng vi phạm. Nhiều bình luận đánh giá các công ty đối thủ, doanh nghiệp vận tải khác thậm chí còn vi phạm nhiều hơn Thành Bưởi.
Một số người cho rằng nếu vi phạm hành chính thì không cần tịch thu máy chủ, nếu trốn thuế thì cơ quan thuế vụ xử lý, thanh tra là được. Còn trường hợp cá nhân tài xế nào vi phạm, hoặc gây tai nạn thì xử phạt tài xế đó. Cho dù Thành Bưởi có trốn thuế thì phải đợi có kết luận của cơ quan điều tra chứ báo chí không thể tuỳ tiện chụp mũ, vu khống như vậy.
Nhà báo Trương Huy San viết trên trang Facebook cá nhân: “Những “vi phạm” mà nhóm phóng viên VTV “điều tra” ra đều là những hoạt động công khai suốt nhiều năm. Chúng không những không đe dọa gì về trật tự công cộng mà còn cho thấy, cách tổ chức rất khoa học, rất tiện lợi cho hành khách của hãng xe được lựa chọn nhiều nhất trên tuyến Sài Gòn – Đà Lạt này”.
Ông cho rằng “xe dù” chỉ là vấn đề cạnh tranh giữa các nhà xe: “Việc Thành Bưởi dùng xe nhỏ trung chuyển ra một bãi đất trống ở ngoại ô Sài Gòn là cách làm đáng khen vì điều này giảm lượng xe lớn vào trung tâm thành phố. Xe trung chuyển của Thành Bưởi, “xe dù” cũng như mọi phương tiện khác đều phải tuân thủ Luật Giao thông. Nếu những xe này dừng, đỗ xe nơi cấm đỗ, phóng nhanh vượt ẩu thì sử dụng Luật Giao thông mà điều chỉnh”.
Về phóng sự chỉ trích Thành Bưởi vi phạm “Nghị định số 10 năm 2020” của đài truyền hình Việt Nam, nhà báo có bút danh Osin Huy Đức viết: “Nếu hiểu biết, VTV phải phê phán cái Nghị định số 10 ấy vì nó vừa có dấu hiệu của “nhóm lợi ích” vừa là những thủ tục vô lý, tạo điều kiện nhũng nhiễu doanh nghiệp [cả khi làm thủ tục và cả khi đi trên đường]. Tại sao chạy xe dưới hình thức nào, tuyến nào lại phải “xin – cho” thay vì việc ấy là lựa chọn của các nhà xe [thị trường sẽ điều tiết chứ không phải nhà nước]”.
Theo Osin Huy Đức, điều quan trọng nhất với nhà nước trong vụ này là thuế. “Nếu Thành Bưởi thực sự trốn thuế thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật [tất nhiên, điều tra trốn thuế không đơn giản và võ đoán như VTV vừa làm]”, ông viết.
Chỉ có dân chủ hoá chính trị thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững được
Thông cáo báo chí của Thành Bưởi có bốn đoạn, hai đoạn để lên án cách hành xử của công an, và hai đoạn để đấu tố đối thủ. Điều này càng chứng minh rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam vô cùng đen tối, bên này tố bên kia, bên kia hại lại bên này. Và thật sự, nếu có một bên muốn fairplay cũng không được. Làm sao có thể tranh lành mạnh khi đối thủ không muốn lành mạnh, trong một thị trường không lành mạnh?
Cũng theo phân tích của nhà báo Trương Huy San, “tuyến Sài Gòn – Đà Lạt, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe khách. Có cả Phương Trang và Thành Bưởi thì mới có cạnh tranh, hành khách mới được phục vụ tốt như hai chục năm qua. Cũng hàng chục năm qua, Thành Bưởi luôn là đối tượng bị tấn công [nhất là thời Tất Thành Cang làm Giám đốc sở GTVT]”.
“Mất Thành Bưởi thì Phương Trang sẽ kinh doanh thuận lợi, “một mình một chợ”. Nhưng, mất Thành Bưởi, hành khách sẽ đối diện với nguy cơ độc quyền, nguy cơ trở về thời “hành khách”. Ông San viết trên facebook cá nhân.
Những vấn đề vi phạm giao thông, xe khách chạy quá tốc độ, xảy ra mỗi ngày, mỗi giờ trên khắp những con đường Việt Nam. Điều này là do cơ chế quản lý lỏng lẽo, tham nhũng của nhà nước, do cảnh sát giao thông “ăn dày” làm lơ… Cho nên trước khi trách người dân, hãy nhìn lại cơ chế.
Ở một thể chế độc tài, coi “phong bì” là văn hoá nhằm hợp thức hoá hối lộ, tham nhũng từ trên xuống dưới, từ nhỏ tới lớn. Thì chuyện doanh nghiệp chung chi cho quan chức là không thể tránh khỏi. Sau khi chung chi, được chống lưng lại sinh ra kiêu ngạo, “cáo mượn oai hùm”. Để rồi tới lúc các phe phái cầm quyền thay đổi, lật mặt, doanh nghiệp tất nhiên sẽ là miếng mồi ngan đầu tiên bị “làm thịt”. Các doanh nhân, công ty, tập đoàn lại hiện nguyên hình là một con cờ trong bàn cờ chính trị của các “nhóm lợi ích”.
Triệt phá, xoá sổ các doanh nghiệp như Thành Bưởi không chỉ dẫn tới nguy cơ độc quyền trên thị trường mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc này có thể khiến các doanh nghiệp quốc tế e dè khi đầu tư vào Việt Nam, còn các công ty trong nước sẽ hoang mang, sợ hãi trước các phe phái chính trị. Các doanh nhân sẽ tẩu tán tài sản, ra nước ngoài hạ cánh an toàn, làm người tử tế còn hơn ở lại Việt Nam vừa có nguy cơ ở tù, vừa bị đấu tố, trù dập…
Chính vì vậy, trong một tương lai lâu dài, muốn phát triển bền vững thì các doanh nghiệp cần phải ủng hộ cho việc thúc đẩy dân chủ. Một nhà nước dân chủ, tam quyền phân lập, toà án đại diện và bảo vệ cho công lý, thì doanh nghiệp có thể kiện bất cứ quan chức nào “làm tiền, làm tình, làm tội”, mà không lo bị trả đũa… Chỉ có dân chủ thật sự mới có thể xây dựng một thể chế chính trị minh bạch, của dân, do dân, vì dân. Sự minh bạch đó sẽ khiến cho các quan chức không thể tham nhũng, các thế lực chính trị không thể tự tung tự tác thu tiền bảo kê, cướp trắng của doanh nghiệp như hiện nay được./.