Ngọc Linh Lan (VNTB)
Báo chí nhà nước đồng loạt đăng rằng đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội – cơ quan thẩm tra của Quốc hội về dự án hồ Ka Pét, ông Nguyễn Phương Tuấn cho biết, ngày 4-9 xuất hiện bài báo “Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi” trên một tờ báo điện tử nói UBND tỉnh Bình Thuận “phá” 600 ha rừng để xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét.
Theo ông Tuấn, sau khi thông tin này được đăng tải, việc bài viết 3 lần liên tục sử dụng từ “phá rừng” đã “gây ra một luồng phản ứng rất xấu, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Quốc hội, Chính phủ”.
Ông Tuấn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về hồ Ka Pét, Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin và có giải pháp xử lý nhanh, tránh gây bức xúc trong dư luận.
“Báo cáo các đồng chí là đến 18 giờ ngày 4-9, trên mạng đã xuất hiện những thông tin đúng hơn, khách quan hơn, nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ về dự án”, theo ông Tuấn.
“Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cơ quan liên quan chấn chỉnh việc đăng tải thông tin về việc phá rừng để thực hiện dự án; xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật”, ông Tuấn nêu.
“Báo cáo với các vị đại biểu là sau khi có ý kiến của UBND tỉnh thì báo vào ngày 7 – 8 gì đó đã sửa là khai thác, chứ không phải là phá 600 ha rừng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cá nhân tôi tin rằng ông Nguyễn Phương Tuấn tuy đang quyền cao chức trọng nhưng về cách sử dụng tiếng Việt của ông thật sự rất cần xem lại, bao gồm cả cách diễn giải vấn đề mang tính luật pháp.
Về quy phạm pháp luật thì theo điểm 3.2 mục IV thông tư liên lịch số 19/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 08 tháng 3 năm 2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì “Phá rừng trái phép” là chặt phá rừng, ken cây và các hành vi khác trái pháp luật làm cho cây rừng bị chết với bất kỳ mục đích gì, trừ các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 Phần IV này.
Theo khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là hành vi bị nghiêm cấm.
Trong đó, tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP có đề cập đến hành vi phá rừng trái pháp luật. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật là hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện hành, tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt lên đến 15 năm tù. Cụ thể, người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy trong trường hợp cụ thể của dự án hồ Ka Pét, nếu phải biên tập cho bài báo mà đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội đã cho rằng phải “xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật”, thì nên viết nhấn rõ ở đây 3 lần là: “tỉnh Bình Thuận sẽ phá rừng với sự đồng ý của Quốc hội”, tức phá rừng theo đúng quy định của pháp luật./.