TBT Nguyễn Phú Trọng có thể đi vào lịch sử?

- Quảng Cáo -

Hoàng Trường Sa

Vượt lên sự phân hóa trong nội bộ Đảng để nâng bang giao với Mỹ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP), TBT Nguyễn Phú Trọng có quyền tự hào đã ghi được mốc son trong lịch sử. Nhưng CSP có thể chưa vững chãi và chắc chắn như nó cần phải có, TBT nên gia cố thêm bằng cách giương cao ngọn cờ Dân tộc. Đó chính là việc cho Nhân dân thực hiện Điều 25 của Hiến pháp CHXHCN Việt Nam. Đây chính là Bài học Diên Hồng trong thời đại mới…

_____________

Khi giới quan sát phân tích triển vọng, liệu sau cột mốc lịch sử CSP vừa qua, Hà Nội và Washington đã vượt qua được những “lấn cấn” về lòng tin chiến lược giữa hai bên hay chưa, câu trả lời là  50 – 50. Nghĩa là bắt đầu đặt niềm tin vào nhau nhưng “lòng tin chiến lược” thì vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Đây là một thực tế mà một số chuyên gia vẫn đề cập hiện nay, bất chấp những lời tán dương từ cả hai phía lãnh đạo về những thành quả của việc “xây dựng lòng tin”. Theo Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP), “chưa thể biết được là lãnh đạo hai nước nghĩ gì. Chỉ biết là họ đã nói gì và làm gì. Suy nghĩ trong đầu thì có thể vẫn còn một số lo ngại. Chưa nói cả Mỹ và Việt Nam không phải hoàn toàn giống nhau, mà ngay trong nội bộ, hay giữa các ngành các cấp khác nhau vẫn có những quan điểm khác biệt” (1).

- Quảng Cáo -

Tình trạng không chắc chắn nói trên còn đứng trước những bất trắc sau đây: Thứ nhất, xáo trộn trên toàn cầu tới đây sẽ rất lớn. Mỹ và Trung Quốc tuần qua đưa ra hai tuyên bố đáng chú ý. Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định: “Một kỷ nguyên đang kết thúc, một kỷ nguyên mới đang bắt đầu”. Ông Blinken cho biết Hoa Kỳ đang xây dựng các liên minh để củng cố nền dân chủ, thúc đẩy nhân quyền và tăng cường phát triển kinh tế. Trong khi đó Bắc Kinh công bố “Đề nghị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Cải cách và Phát triển Quản trị Toàn cầu”. Đề nghị dài 5.400 từ nhấn mạnh: “Nhân loại một lần nữa đứng trước ngã ba đường”, kêu gọi chủ nghĩa đa phương lớn hơn trong các vấn đề quốc tế với cốt lõi là một LHQ được cải tổ và một HĐBA an mở rộng. “Cùng nhau, chúng ta sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại”, Đề nghị của Trung Quốc kết luận (2).

Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục vận động Việt Nam và các nước đang phát triển. Cả hai đều nói về một hệ thống quản trị toàn cầu với sự tham gia ngày càng tăng của các nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng trong đầu mỗi bên tính toán khác nhau. Giáo sư Chính trị học Hossein Askari, từ Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Kỳ phân tích: “Những gì cả hai bên nói ra không phải là điều họ thực sự muốn”. Bên dưới vỏ bọc của chủ nghĩa đa phương, các cường quốc có thể tìm cách bảo vệ và mở rộng lợi ích của chính họ. Trung Quốc và Nga nói rằng, họ mong muốn một thế giới đa cực không có thế lực nào thống trị. Nhưng đó là tuyên bố trên “đầu môi chót lưỡi”. Họ nói tán thành và đấu tranh cho quyền lợi mới của các nước Nam ban đầu là để nhận được sự hỗ trợ của khối này trong cạnh tranh với Mỹ. Trung Quốc đang tranh thủ để thành Đối tác Chiến lược của “Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh” (The Gulf Cooperation Council/ GCC) (3)

Thứ ba, tình hình nội trị của cả Trung Quốc lẫn Mỹ đang đứng trước những thay đổi chưa lường hết. Ở Mỹ Cộng hòa có thể nắm quyền. Trung Quốc, sau khi hai bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng bay chức (cả hai đều có hàm Ủy viện Quốc vụ viện, tương đương PTTg), sẽ có biến động. Mỹ – Trung tiếp tục cạnh tranh nhưng cũng không loại trừ có lúc tạm thời thỏa hiệp trong một vài vấn đề. Nếu họ thỏa hiệp về Biển Đông thì giá trị CSP sẽ giảm. Giảm đến đâu còn tùy thuộc mức độ bắt tay giữa hai siêu cường. Trong khi đó, nói nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ liên quan đến Trung Quốc là đúng nhưng chưa đủ, điều này được thể hiện ngay trong khẳng định của TT Biden khi ông đến Hà Nội: “Việc tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam không phải vì Trung Quốc, hay vì Chiến tranh Lạnh mới, mà là một cách để tiếp tục ủng hộ sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam và Đông Nam Á” (4).

Từ các nhân tố nói trên, dư luận của các tổ chức dân sự ở Việt Nam hiện nay mong muốn TBT Nguyễn Phú Trọng tiến thêm một bước nữa: Giờ là đã đến lúc đề nghị TBT cho phép công dân thực hiện càng sớm càng tốt Điều 25 của Hiến pháp 2013. Điều 25 Hiến pháp quy định rằng: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Theo điều này, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình là quyền hiến định. Vì đã là hiến định thì người dân được quyền thực thi các quyền hiến định ấy mà không phải xin phép bất cứ ai. Với một số quyền nếu luật yêu cầu người dân thông báo, như quyền biểu tình, thì người dân thông báo, không có quy định thông báo là lỗi của Quốc Hội. Với một số quyền như quyền lập hội, nếu người dân muốn đăng ký để có tư cách pháp nhân và được luật pháp bảo vệ, thì người dân có thể  đăng ký với nhà cầm quyền. Phải nghiêm trị tất cả các cá nhân hay tổ chức cấm cản, gây khó khăn, đàn áp người dân thực hiện quyền hiến định của mình (5).

Đất nước phát triển tốt, bền vững, ngăn chặn tham nhũng, cải thiện và thúc đẩy các hoạt động trong xã hội, trở về cội nguồn dân tộc thì mới đủ sức thực hiện các trụ cột và nội dung trong Tuyên bố chung Việt – Mỹ và Chương trình hành động ngày 11/9. Để đất nước có thể mạnh, tự cường và độc lập, sánh vai các nước trong khu vực, nhân dân được ấm no hạnh phúc, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự đã ra tuyên bố: “Mọi công dân hãy tích cực thực thi các quyền được ghi trong Điều 25 Hiến pháp 2013 và đòi nhà cầm quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực thi các quyền hiến định đó; đồng thời cần ra các luật trừng trị nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức cản trở công dân thực hiện những quyền này; trong đó bao gồm cả việc lần lữa viện dẫn chưa có luật hay nghị định hướng dẫn, hay đàn áp người dân thực thi quyền hiến định của họ. Chúng tôi tin rằng đông đảo người dân Việt Nam mong ước được thực thi điều 25 của hiến pháp 2013 như bản tuyên bố đã trình bày” (6).

*

Qua việc xác lập “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP) với Hoa Kỳ, TBT đã làm được một việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời muốn nhưng không làm nổi. Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương để được bang giao với Mỹ mà vẫn không xong. Riêng TBT đã làm cho Chính phủ Mỹ công nhận ĐCSVN là đại diện cho nhân dân và chính quyền Việt Nam, chính quyền Biden đã phải giao thiệp với ĐCSVN trên mọi phương diện. Đó là việc chưa từng có tiền lệ từ khi nước Mỹ và nước Việt Nam được thành lập. Với tất cả tinh thần khiêm tốn, TBT có quyền tự hào đã ghi một mốc son trong lịch sử Đảng cũng như lịch sử dân tộc. Nhưng vì CSP có thể chưa vững chãi và chắc chắn như nó cần có, TBT phải gia cố bằng xu thế dân chủ hóa trong nước để giương cao ngọn cờ Dân tộc. Đó chính là việc cho Nhân dân thực hiện Điều 25 của Hiến pháp CHXHCN Việt Nam. Đây là Bài học Diên Hồng trong kỷ nguyên mới… Nhằm giữ vững vai trò của Đảng và phát huy sức mạnh của Dân tộc để Nhân dân ấm no hạnh phúc, để Đất nước hùng cường vượt qua mọi thử thách, sau bước CSP, TBT hãy đi thêm bước thứ hai này để thành công, ông xứng đáng đi vào lịch sử Đảng, lịch sử Dân tộc!

__________

Tham khảo:

  1. https://www.voatiengviet.com/a/7270924.html
  2. https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-de-ra-tam-nhin-ve-trat-tu-the-gioi-moi-giua-khac-biet-ve-nhan-quyen/7270585.html
  3. https://www.tahlilbazaar.com/news/193654/Professor-Askari-China-would-be-strategic-partner-for-the-GCC
  4. https://www.voatiengviet.com/a/7270924.html
  5. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/intellectuals-call-for-implementation-article25-constitution-09072023104612.html
  6. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/intellectuals-call-for-implementation-article25-constitution-09072023104612.html
- Quảng Cáo -