Tôi tin những gì ghi nhận trong clip này là thật, bởi tôi cũng đã tiếp xúc với không ít nạn nhân. Clip tổng lược thông tin từ báo chí và từ các nạn nhân đóng bảo hiểm. Đóng bảo hiểm để được “bảo hiểm” mà lại trở thành “nạn nhân” của bảo hiểm thì thật là nghịch lý khó chấp nhận. Tôi không là nạn nhân mà xem xong clip cũng phải phẫn nộ. Tôi nói với một số người là người thân và con cháu của tôi tham gia bán bảo hiểm, rằng tôi không thể vì quan hệ thân hữu mà im lặng hay quay lưng với các nạn nhân là đồng loại của mình! Bạn bè, anh chị và các cháu thông cảm.
Tôi thật ngạc nhiên là sau chia sẻ bằng nước mắt của diễn viên Ngọc Lan và nhiều dân thường khác, rất nhiều người bán bảo hiểm chửi rủa: não ngắn, tham lam… Ơ hay, dẻo mồm lừa người ta, rằng đóng bảo hiểm không chỉ để được bảo hiểm rủi ro mà còn có lợi nhuận để chiếm đoạt một số tiền thắt lưng buộc bụng của người ta rồi quay lại chửi người ta ngu và tham. Có còn là trái tim người không?
Ừ thì cứ tạm cho các nạn nhân ngu và tham. Nhưng nông nỗi nào dẫn đến họ phải ngu và tham như vậy? Ở đất nước này, có bao nhiêu rủi ro, đau ốm, bệnh tật có thể tàn gia bại sản; bỏ tiết kiệm ở ngân hàng lãi không bằng sự trượt giá, chỉ còn chút niềm tin vào bảo hiểm. Theo lời quảng cáo và tiếp thị, người đóng bảo hiểm vừa được bảo hiểm rủi ro vừa được lợi nhuận, chỉ cần đủ bù cho sự mất giá của đồng tiền, ắt người ta lựa chọn đóng bảo hiểm. Một nhà tu đem tiền từ thiện đóng bảo hiểm cho các cháu mồ côi thì tham cái gì? Ngân hàng cấu kết với bảo hiểm dụ ngọt chuyển tiền tiết kiệm vào bảo hiểm để đảm bảo an sinh cho các cháu, nếu là tôi, tôi cũng tin. Đóng một thời gian, không đóng nổi nữa thì mất trắng. Có tàn nhẫn không khi số tiền lẽ ra nuôi trẻ mồ côi ốm đói lại mang đi đóng góp nuôi bọn béo phì?
Vẫn biết lời quảng cáo hay tiếp thị là lời nói gió bay. Bảo hiểm có hợp đồng giấy trắng mực đen, tức thỏa thuận hợp pháp, khó mà kết tội lừa đảo. Các tòa án cũng khó phân xử. Vẫn biết kinh doanh tư bản, nói như K. Marx, chỉ có lợi nhuận và quan hệ lang sói, nhưng những lời quảng cáo và tiếp thị lừa dối ngọt ngào và bản hợp đồng lắt léo để bóp chẹt, thắt cổ người đóng bảo hiểm một cách vô hình thì ắt còn có tòa án lương tâm và dư luận phán xét.
Con tôi ở Châu Âu, chỉ cần đóng thuế thu nhập là cả gia đình được bảo hiểm suốt đời, từ giáo dục đến y tế. Ai thích thì mua bảo hiểm thêm, và đã mua bảo hiểm thì khi gặp rủi ro được bồi thường thỏa đáng. Còn ở ta, ngoài đóng đủ các loại thuế phí, đóng thuế thu nhập lẫn đóng bảo hiểm các loại, gần như không được hoặc được bảo hiểm như là nhận ơn của kẻ đã lấy tiền của mình ra ban ơn. Có tàn nhẫn và đau đớn không?
Bảo hiểm gì chứ riêng bảo hiểm nhân thọ không bao giờ lỗ, xét về mặt kinh doanh. Bởi chỉ cần phép tính đơn giản: hàng triệu người đóng tiền, nếu đóng hết cả đời phải mất tiền tỉ, trong số hàng triệu người đóng tiền tỉ ấy, chỉ có một ít người bị rủi ro, những nhà làm bảo hiểm chi trả bằng phần nghìn tiền người ta đã đóng, lãi không kể xiết! Không ngẫu nhiên là lương tiếp thị, theo clip này, có người nhận đến 60 triệu đến 80 triệu/tháng.
Đến lúc nhà nước phải thanh tra và yêu cầu minh bạch các hoạt động bảo hiểm, điều chỉnh lợi ích cho người đầu tư bảo hiểm, để chứng minh nhà nước ta là ưu việt! Đó cũng là cách duy nhất để cứu sự khủng hoảng của ngành bảo hiểm, bởi đã đến lúc chẳng còn ai dám đầu tư vào bảo hiểm để thành nạn nhân của bảo hiểm.
Tôi cũng khuyên các bạn tiếp thị bảo hiểm chửi người đóng bảo hiểm “não ngắn”, “tham lam” hãy tự phán xét lương tâm của mình. Địa ngục đang chờ các bạn đấy!
Chu Mộng Long