Trong một hội nghị về chuyên ngành phẫu thuật cột sống tại Mỹ, tôi gặp một bác sĩ Đài Loan, anh này hình như là chủ tịch hay thư kí gì đó của Hội phẫu thuật cột sống Đài Loan. Anh kể chuyện anh đang hỗ trợ cho việc thành lập một bệnh viện cho nhà máy PouYuen ở Sài Gòn.
Anh hỏi tôi một số chi tiết, rồi cho biết một số thông tin anh ấy được cung cấp, cho thấy những người chủ của nhà máy này có vẻ quan tâm nhiều đến chất lượng sống của công nhân. Trước thời điểm đó, báo chí của chúng ta nói nhiều đến việc tăng ca vô tội vạ của các công ty kiểu như PouYuen, rồi những cấm đoán trong việc đi vệ sinh trong giờ làm việc… làm cho tôi nghĩ không tốt về những người chủ của các công ty Đài Loan.
Sau này gặp một số bác sĩ làm việc cho phòng khám của PouYuen, được họ kể về những chế độ nhà máy lo cho công nhân. Rồi có một số anh lái xe cho gia đình tôi có vợ làm trong đó, kể về lương, và các chế độ, về việc tăng ca… Thì ra họ đâu có ác như đồn đại.
Thế rồi nhiều cuộc biểu tình, đình công của công nhân cứ nổ ra liên tiếp. Bản thân tôi chứng kiến 2 lần. Lần đầu là hồi biểu tình chống Trung quốc đưa tàu vô thềm lục địa của Việt nam. Ban đầu tôi nghĩ, chắc là PouYuen đã bị Trung quốc mua. Sau đó tôi mới nghe mấy anh tài xế có vợ làm trong ấy nói, là một nhóm công nhân hiểu sai, vì thấy TV luôn luôn gọi là Đài Loan Trung Quốc.
Lần thứ hai là biểu tình vì vụ nhà nước Việt nam dự định (hay đã ra qui định, tôi nhớ không rõ) cấm không cho rút tiền bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc. Thế là PouYuen bị vạ. Thế nhưng, nhà máy vẫn xử lí mềm dẻo với công nhân. Lúc đó, tôi nghĩ, mấy công nhân này mà làm cho nhà nước ta chắc đã bị bắt vì tội phản động, ít nhất thì cũng bị phạt đến mức chỉ có mà nhịn đói.
Mấy năm nay, tôi không còn ở gần PouYuen, nên ít để ý đến họ. Hôm nay, đọc báo mới thấy. Trong khi công ty PouYuen không có hợp đồng, sản xuất bị đình đốn, đã chi 275 tỉ đồng trợ cấp thất nghiệp cho công nhân, là công dân của đất nước chúng ta, mất việc. Thì nhà nước ta thu thuế 10% trên số tiền trợ cấp mà PouYuen trả cho công nhân bị mất việc vượt mức qui định.
Tức là cái bọn tư bản bóc lột không trợ cấp cho công nhân mất việc chỉ vì bị luật bắt buộc. Họ trợ cấp hơn mức mà luật yêu cầu. Về phía công nhân thì bị nhà nước chặt 10%. Không biết nhà máy có bị nhà nước phạt vạ gì vì cái tội lo cho công nhân “quá lố” của họ hay không.
Đây là một ví dụ cực kì thực tế và sinh động về bọn chủ tư bản bóc lột công nhân tận xương tủy, và nhà nước của giai cấp công nhân, luôn do dân, vì dân phản ứng với việc đó ra sao. Không biết có ai đưa câu chuyện này vô sách giáo khoa để giảng dạy về sự thối nát của tư bản đế quốc, và sự tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa hay không nữa.
Tôi chợt hiểu, tại sao mà bao nhiêu người cứ phải tìm cách sang Đài Loan, Hàn Quốc, rồi trốn chui trốn nhủi để ở lại bất hợp pháp. Bao nhiêu người vẫn cứ chui vào container để vượt biên lậu vào Anh, cho dù đã có vụ cả container bị chết.