Đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, cái chết của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân thật không đúng lúc. Ông Tập đang chật vật đối phó với làn sóng phẫn nộ của dân chúng trong nước thì cựu Tổng Bí thư Giang lăn đùng ra chết – dù có tin nói rằng Giang đã nằm kho lạnh lâu rồi, nay chỉ là lúc công bố thông tin cho bàn dân thiên hạ biết.
Dù thế nào thì cái chết của Giang cũng làm cho Tập thêm khó xử. Ở Trung Quốc, cái chết và lễ tang của các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản luôn là những khoảnh khắc căng thẳng của sân khấu chính trị có thể dẫn tới những tình huống bất ngờ.
Năm 1976, sau cái chết của Thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) – một chính trị gia được dân Trung Quốc kính nể – dân chúng Bắc Kinh đã tụ tập rất đông ở Quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen), biến thành một cuộc phản kháng chống Cách mạng Văn hóa và phe nhóm chính trị Bè lũ Bốn Tên (Gang of Four) do vợ bé của Mao là Giang Thanh cầm đầu. Bè lũ Bốn Tên bị truất, bị bắt và xét xử, cuộc Cách mạng Văn hóa tàn khốc và tai họa bị chấm dứt.
Năm 1987, Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) – một tổng bí thư đảng Cộng sản có khuynh hướng phóng khoáng – bị các đồng chí bảo thủ bắt ép phải từ chức và sau đó chết vào đầu năm 1989. Lễ tang của Hồ Diệu Bang khơi dậy những cuộc biểu tình lớn ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác, kết cục là vụ thảm sát kinh thiên động địa cũng ở Quảng trường Thiên An Môn giữa Bắc Kinh ngày 4 tháng Sáu 1989.
So với Chu Ân Lai hoặc Hồ Diệu Bang thì Giang Trạch Dân không được dân chúng ủng hộ bằng. Nhưng trong hơn 13 năm làm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Giang đã để lại những dấu ấn sâu đậm, công cũng có mà tội cũng không ít.
Dưới thời Giang, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới và là đối thủ kinh tế đang lên của thế giới phát triển nhờ thực thi cuộc chuyển đổi tư bản chủ nghĩa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Có thể nói thời của Giang là thời kỳ vàng son của Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hóa. Giang đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm 2001 sau nhiều năm đàm phán gây tranh cãi. Giang cũng “đại tu” học thuyết của đảng Cộng sản từ đảng công-nông thành đảng “ba đại diện”, thu hút giới trí thức cũng như tầng lớp kinh doanh mới nổi. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân vẫn là cộng sản và cộng sản thì vẫn luôn tàn bạo. Chính Giang Trạch Dân là người đánh tan nát giáo phái Pháp Luân Công và bị các tín đồ của giáo phái này coi là hiện thân của ác quỷ. Các chính sách mở cửa kinh tế đi kèm với siết chặt chính trị vừa mang lại cho Trung Quốc bước phát triển thần kỳ nhưng cũng nuôi dưỡng nạn tham nhũng trầm trọng và hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội mở rộng đến chóng mặt.
Sau một thập niên mờ nhạt dưới thời Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), Tập Cận Bình lên cầm quyền với ý đồ chỉnh sửa những sai lầm của Giang, Hồ – tập trung chống tham nhũng và thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp dân chúng theo khẩu hiệu “xã hội hài hòa”. Nhưng bị ám ảnh về an ninh và nuôi tham vọng phục hồi đế chế Trung Hoa, Tập đã thực thi những chính sách đàn áp khắc nghiệt ở trong nước, ra mặt đối đầu với Hoa Kỳ và phương Tây ở nước ngoài đồng thời không giấu giếm tham vọng trở thành một “hoàng đế đỏ” ngự trị suốt đời trên 1.4 tỷ dân Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc hiện nay hoài niệm về thời của Giang với nỗi tiếc nuối: Thời đó có tham nhũng, ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng kinh tế tăng trưởng chóng mặt, hàng triệu người giàu lên nhanh chóng; giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài khá mạnh, người dân tự do thưởng thức âm nhạc và phim ảnh phương Tây. Tuy đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ đời sống chính trị nhưng Giang vẫn để cho người dân chút tự do tối thiểu để tranh luận về các vấn đề quốc gia đại sự và phát biểu ý kiến – những thứ đã biến mất dưới thời Tập Cận Bình.
Vì thế, thông báo về việc Giang qua đời đã gần như ngay lập tức thu hút hàng loạt lời chia buồn và nhận xét của người dân Trung Quốc trên các mạng xã hội. Khá nhiều người đã so sánh một cách mỉa mai hai ông Giang – Tập, ca ngợi Giang và gián tiếp lên án Tập.
Vài giờ sau khi ông qua đời, các nhà kiểm duyệt mạng Weibo của Trung Quốc đã nhanh chóng hạn chế các bài bình luận, rõ ràng là để ngăn những lời hoài niệm tương đối vô hại biến thành những lời chỉ trích gay gắt đối với ông Tập và đảng Cộng sản, đặc biệt là sau nhiều ngày bất ổn chính trị.
Giáo sư Geremie R. Barmé, một nhà Trung Quốc học của New Zealand, người đã có mặt ở Bắc Kinh năm 1989 và rời đi ngay trước cuộc tàn sát của quân đội, nói với báo The New York Times: “Khi chết, Hồ Diệu Bang đã trở thành một anh hùng dù khi còn sống, ông ta không được tôn kính như thế. Trong làn khói hoài niệm ngày nay, điều tương tự cũng có thể xảy ra với cái chết của Giang Trạch Dân.”
Lễ tang của Giang ít nhất cũng đem lại cho người dân Trung Quốc một lý do chính đáng để tụ tập ngoài đường phố mà bộ máy an ninh khổng lồ của Bắc Kinh khó mà đàn áp được. Cuối tuần qua, những buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn một chúng cư ở thành phố Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) thủ phủ tỉnh Tân Cương đã biến thành cuộc “cách mạng giấy trắng” với quy mô lớn chưa từng thấy kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Người biểu tình, trong đó có sinh viên nhiều trường đại học, không chỉ phản đối biện pháp chống COVID khắc nghiệt mà còn đòi dân chủ, tự do, đòi ông Tập và đảng Cộng sản phải từ chức.
Có thể nào những cuộc tụ tập tưởng niệm Giang Trạch Dân trong những ngày tới cũng sẽ biến thành các cuộc biểu tình chính trị như vậy?
Rõ ràng Giang đã chết không đúng lúc, chết vào lúc uy tín của Tập đang xuống thấp do những cuộc biểu tình phản kháng gần đây, do kinh tế bị trì trệ và do biện pháp phong tỏa “không COVID” cứng ngắc làm dân chúng oán hận. Những phe nhóm trong đảng CSTQ bị Tập làm cho lên bờ xuống ruộng trong quá trình tranh giành quyền lực có thể cũng lợi dụng cái chết của Giang để tập hợp lại, khẳng định các di sản của Giang, ít ra là trong lĩnh vực kinh tế để phản ứng với đường lối của Tập. Xem ra, Tập Cận Bình không chỉ tiến thoái lưỡng nan mà còn họa vô đơn chí.
Nhưng còn quá sớm để hy vọng sự tái diễn một phong trào Thiên An Môn mới, không nên hy vọng Tập sẽ nhượng bộ. Chống lại nhà cai trị là một việc rất rủi ro trong một thể chế công an trị, đặc biệt là ở nơi có mạng lưới giám sát người dân dày đặc như Trung Quốc. Ông Lâm Lập Quả (Willy Wo-Lap Lam), một nhà nghiên cứu tại Quỹ Jamestown chuyên phân tích về đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng cái chết của Giang Trạch Dân sẽ không gây ra hiệu ứng gợn sóng trong nền chính trị Trung Quốc và biến cố năm 1989 dường như rất khó xảy ra dưới mạng lưới an ninh dày đặc của Tập.
Cái khó đầu tiên của Tập là phải chủ trì lễ tang của Giang. Tập sẽ làm thế nào để vừa bày tỏ lòng kính trọng nhà lãnh đạo tiền nhiệm mới qua đời, người đã đưa Tập vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp hai mươi năm về trước, vừa không để di sản của ông ta phơi trần sự kém cỏi của chính Tập.
“Chúng tôi thương tiếc đồng chí Giang Trạch Dân với trái tim nặng trĩu, và sẽ biến đau thương thành sức mạnh,” ông Tập nói hôm thứ Tư với một nhà lãnh đạo Lào đang ở thăm Bắc Kinh, nhưng câu nói chải chuốt đó rõ ràng chỉ là lời đầu môi chót lưỡi. Một trong những nỗ lực lớn nhất của Tập mười năm qua là đảo ngược những chính sách có phần cởi mở của Giang.
Tập cũng có thể sử dụng tang lễ của Giang để cố gắng hồi phục sau tình thế bị cô lập, và sẽ tổ chức lễ tang theo một kịch bản không gây hại cho uy tín chính trị của Tập. Khi thông báo về cái chết của ông Jiang, đảng CSTQ đã ca ngợi những thành tựu của Giang, đặc biệt là trong việc thúc đẩy những thay đổi kinh tế và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc; nhưng đồng thời đảng cũng kêu gọi cả nước tập hợp xung quanh Tập.
Theo thông lệ, tang lễ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, cũng sẽ được tổ chức theo nghi thức quốc tang tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, quy tụ 205 ủy viên trung ương đảng, hàng nghìn quan chức cao cấp và thành viên gia đình người quá cố do tổng bí thư đương nhiệm làm trưởng ban lễ tang. Ông Tập sẽ viện dẫn mối lo ngại về sự lây lan của COVID để hạn chế số người tham dự. Lãnh đạo nước ngoài sẽ không được mời.
Tuy nhiên, bất kể buổi lễ lớn nhỏ thế nào cũng sẽ có một câu hỏi khó cho Tập là vai trò của Hồ Cẩm Đào – tổng bí thư của đảng trong thập niên giữa ông Giang và ông Tập. Ông Hồ có tên trong một danh sách dài các quan chức tham dự tang lễ. Nhưng mới tháng trước, ông ta bị ông Tập cho người áp tải ra khỏi hội trường đại hội đảng trước ống kính truyền hình của các hãng truyền thông quốc tế – một hành động có tính sỉ nhục cao độ. Có khả năng Hồ sẽ không được đến dự tang lễ của Giang, còn nếu Hồ có mặt nhưng lạnh nhạt hoặc phản ứng với Tập Cận Bình thì người dân Trung Quốc sẽ có thêm chuyện để bàn tán.
Hãy chờ xem!