(Ngày nay) Việt Nam cũng vẫn thường lấy tôn sư (trọng đạo) làm một mẫu mực trong ứng xử với người thầy; tuy thế, không thấy mấy người chỉ ra cái khiếm khuyết của cái quan niệm này. Và nhất là không mấy người thầy nhận ra được rằng, đó là cái thái độ của xã hội đối với mình, còn mình cần ứng xử thế nào với học trò (và xã hội) thì họ… lờ đi!
Tôn sư thì đã đành, nhưng “tôn đồ” thì sao? Tôn đồ là tôn trọng học trò, chúng ta không có truyền thống và ý niệm ấy; dù ý thức hay vô thức, ta mặc nhiên coi học trò là “con nít”, là “vắt mũi chưa sạch”, là bề dưới, là kẻ tòng thuộc kém cỏi cần phải luôn luôn “dạy dỗ”. Đó là một quan niệm sai lầm. Không chỉ sai lầm mà còn tai hại, làm cho dân tộc không ngóc đầu dậy được.
Người ta cho rằng “thương yêu” là đủ. Không, bạn nuôi con chó con mèo, bạn cũng thương yêu kia mà, nhiều khi còn yêu và chăm sóc hơn cả đối với một đứa trẻ. Cái tiêu chuẩn trong đối xử với con người để nó thành Người dứt khoát phải có sự tôn trọng. Và hơn thế, sự tôn trọng cần phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không như thế thì có khác gì “nuôi chó ngựa”?
Không có sự tôn trọng thì đứa trẻ sẽ không biết gì đến tự trọng. Nó bị đối xử bất công thì sau này nó cũng sẽ o ép và chuyên chế lên người khác, tư tưởng độc tài sẽ ngự trị trong nó. Đó là chưa nói, một đứa trẻ không được tôn trọng thì không thể phát triển hết khả năng của nó. Sự câu thúc, giam nhốt, chế ước sẽ làm thui chột những tài nguyên tiềm tàng vô tận trong trẻ, khiến nó mặc nhiên giới hạn bản thân vào những khuôn thước cũ và sau này nó sẽ dùng chính cái đó để hành xử một cách độc đoán lên người khác.
Chúng ta không có tự do cũng bởi không cho người khác được tự do. Một xã hội mà người này đối với kẻ kia chỉ dựa trên vai vế, xã hội ấy mãi mãi phải sống trong chuyên chế tù ngục. Chỉ cần người thầy biết tôn trọng học trò, thì không cần khẩu hiệu hay bắt ép, tự khắc học trò sẽ tôn trọng thầy. Đó là thân giáo. Không bao giờ có sự tôn trọng thật lòng nếu chỉ dựa trên sức mạnh, ngược lại, người ta chỉ nhận được sự vâng lời vì sợ hãi, lâu dần thành căm ghét.
Con cái hay học trò, trước hết cần được đối xử với tư cách Con Người, là con người chứ không phải học trò hay con cái. Chỉ khi nào trong mỗi lớp học người thầy ứng xử như thế trước người học thì học đường mới có thể trở thành mảnh đất lành cho sự phát triển nhân cách, bằng không, đó cũng chỉ là một thứ trường đua hay lớp huấn luyện, và chỉ tuồn ra xã hội những kẻ khuyết tật đầy đau khổ. Tiếc thay và đáng sợ thay, điều ấy lại đang là lối hành xử phổ biến và ngày càng tệ hại trong các nhà trường Việt Nam…
Thái Hạo