Pháp lệnh bịt miệng trói tay nhà báo, luật sư của Hội đồng dao thớt

- Quảng Cáo -

Gió Bấc’s blog

Án bỏ túi, án vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất … là nguyên tắc, thông lệ bao che cho những phán quyết oan sai chất chống như núi nhưng hệ thống cường quyền nhà sản Đông Lào vẫn chưa thỏa mãn. Ngày 15-8, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội lại gà gật xem xét dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm cản trở hoạt động tố tụng do những thành viên Hội đồng dao thớt từng giám đốc thẩm đưa tay 100% bảo vệ án tử với Hồ Duy Hải biên soạn. Hai nhơn vật cợm cán báo cáo, giải trình dự thảo này trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội là hai ông Lê Trí Thức, Phó Chánh Án Tòa Tối Cao và Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa Tối Cao những người từng có phát ngôn để đời bao biện cho nền tố tụng bạo quyền bất cần pháp luật. (1) Cơ quan xét xử lại được soạn luật tăng quyền độc đoán cho mình là chuyện oái oăm hàng ngày ở xứ Đông Lào

Từ xuất phát điểm của những bộ óc chuyên chính vô sản đậm đặc ấy, đối tượng chính bị xử phạt của pháp lệnh này là nhà báo, luật sư. Trong xã hội dân chủ, báo chí, ngôn luật được xem là đệ tứ quyền bên cạnh tam quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp để hổ trợ, bảo vệ cho nhóm người yếu thế, bảo đảm sự công bằng công lý. Tương tư, luật sư là một chế định nhằm bảo vệ sự cân bằng, minh bạch của tiến trình tố tụng. Để đảm bảo cho nền tư pháp thật sự dân chủ, tiến bộ thì cần có khung pháp lý bảo đảm quyền hành nghề của báo chí, luật sư. Các quy định tố tụng hiện nay còn ràng buộc gây khó cho báo chí, luật sự tiếp cận thông tin, tiếp cận thân chủ đủ điều. Những bất cập ấy chính là nguyên nhân, điều kiện của án oan. Thực tế rất nhiều vụ án luật sư không được tham dự lấy cung. Huỳnh Văn Nén người bị oan hai án tử cởi áo tại tòa trình các vết thẹo bị nhục hình không được ái xem xét. Trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai mới đây, bị cáo Lê Trùng Dương khai bị ép cung, bị đánh, bị còng khóa tay tòa vẫn bỏ qua.

Nhà báo dự tòa phải có giấy phép con!

- Quảng Cáo -

Pháp lệnh này, lại thêm một bước cải lùi, tăng quyền độc đoán cho các cơ quan tố tụng, vô hiệu, trấn áp quyền và khả năng tác nghiệp của báo chí, luật sư.

Với nhà báo, pháp lệnh có rất nhiều khoản phạt rất xốc hông, trói tay khóa miệng. Theo nguyên tắc xét xử công khai đã được hiến định và cụ thể hóa trong các luật tố tụng hình sự, dân sự hành chính thì mọi công dân trên 16 tuổi đều có quyền tham dự các phiên tòa mà không cần bất cứ giấy tờ gì (ngoài trừ các phiên tòa xử kín vì bí mật an ninh quốc gia hay vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng danh dự đời tư).

Điều 25 khoản d Luật Báo Chí ghi nhận quyền của nhà báo rất oách là “Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật..” (2)

Ấy nhưng theo pháp lệnh mới này, nhà báo sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc XUẤT TRÌNH THẺ NHÀ BÁO VÀ GIẤY GIỚI THIỆU CÔNG TÁC khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa.

Hóa ra nhà báo xứ Đông Lào bị quản lý gắt gao hơn cả dân thường, xe ôm, hay các youtuber …họ được vô cửa tự do tham dự phiên tòa. Ngược lại, nhà báo tham dự phiên tòa, bắt buộc phải có đến hai loại giấy tờ là thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác. Nếu thiếu một trong hai loại giấy tờ trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Những nhà báo trẻ mới vô nghề chưa có Thẻ thì chớ dại mà léo hánh đến các phiên tòa.

Phát biểu trên báo Pháp Luật, TS Cao Vũ Minh cho rằng “Luật Báo chí không hề quy định thêm bất cứ một giấy tờ nào khác mà nhà báo phải có ngoài thẻ nhà báo. Do đó, pháp lệnh quy định xử phạt nhà báo trong trường hợp không có “giấy giới thiệu công tác” là khai sinh thêm một loại “giấy phép con”.

Ở một góc độ nào đó thì quy định xử phạt nêu trên cũng đã hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo trong việc phản ánh trung thực, kịp thời tình hình văn hóa, kinh tế, xã hội… của đất nước và thế giới. Cần lưu ý, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì Luật Báo chí là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh về vấn đề hoạt động báo chí. Do đó, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không được mâu thuẫn hay phủ định các quy phạm trong Luật Báo chí.

Cho em xin chụp ảnh, ghi âm!

Đã vậy, khi đủ điều kiện được duyệt tham dự phiên tòa, hoạt động nghề nghiệp của báo chí nhất nhất đều phải em xin, không chỉ xin một người mà phải xin rất nhiều người “Nhà báo cũng có thể bị phạt từ 7 triệu đến 15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX không được sự đồng ý của CHỦ TỌA PHIÊN TÒA; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG không được sự đồng ý của họ. …”

Hãy thử hình dung, mỗi lần dự phiên tòa các nhà báo phải đi một vòng lần lượt xin phép từ chủ tọa đến những người tham gia tố tụng được phép ghi âm ghi hình thì sẽ mất biết bao thời gian và phiền toái. Nếu các đối tượng này không cho phép (thông thường nếu có quyền thì hiếm ai cho phép báo chí làm phiền) quyền thông tin hoàn toàn tắc tị.

Mặc khác khi được cho phép thì lấy gì làm bằng chứng là Chủ tọa hay đương sự đồng ý, bởi ở thời điểm họ chưa đồng ý thì chưa được ghi âm, ghi hình…

Nhà báo TUYẾT MAI, báo Tuổi Trẻ cho rằng “Nhà báo khi tác nghiệp buộc phải thu thập tài liệu. Các tài liệu này có thể sẽ không dùng để đăng tải trên báo chí mà dùng làm tư liệu hoặc làm bằng chứng, sống nếu quy định như dự thảo thì sẽ gây bất lợi cho việc tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa công khai”.

TS Cao Vũ Minh cũng chỉ ra rằng quy định này không tương thích với Luật Báo Chí và các Luật Tố Tụng khác “các quy định về xử lý hành vi vi phạm nội quy phiên tòa tại khoản 1 Điều 316 Luật Tố tụng hành chính 2015; khoản 1 Điều 491 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 1 Điều 467 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng không hề có điều khoản nào quy định hành vi ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên xử công khai phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Bản thân Điều 9 Luật Báo chí cũng không xem việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên xử công khai là hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, pháp lệnh chỉ nên quy định việc xử phạt hành vi ghi âm, ghi hình của nhà báo khi chưa xin phép tại các phiên tòa xét xử kín mà không bao gồm các phiên tòa, phiên họp công khai.” (3)

Khi Pháp Lệnh này có hiệu lực thi hành, công chính sẽ không bao giờ được nhìn thấy những chuyện như Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm hay nghe đươc câu nói của cụ Lê Tùng Vân “Tôi không gia nhập giáo hội phật giáo Việt Nam vì nó không xứng đáng”.

Im lặng có phải là cản trở?

Không chỉ với báo chí, với Luật sư, dự thảo Pháp lệnh ghi nhận mức xử phạt hành vi gây cản trở hoạt động tố tụng cao đôi so với các đối tượng khác. Mức phạt cao nhất với Luật sư là 40 triệu đồng. Rõ ràng mục tiêu pháp lệnh giống như ngọn roi thúc đẩy cô xe tô tụng chạy ngọt hơn, nhanh hơn. Điều này đáng mừng nhất là trong lĩnh vực hành chính, dân sự. Nhung án tòa khác với đá banh phải khống chế thời gian trong hai hiệp mạnh được yếu thua nếu bất phân thắng bại thì hên vui bằng sút luân lưu hoặc bàn thắng vàng. Tố tụng cốt bảo đảm sự công minh, chính xác. Nhất là trong lĩnh vực hình sự.

TS Cao Vũ Minh lưu ý, “không phải mọi hành vi gây trở ngại cho hoạt động tố tụng tại TAND đều là hành vi hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại TAND. Đơn cử, hành vi của bị cáo từ chối khai báo, nếu hiểu dưới góc độ chung thì việc từ chối khai báo của bị cáo sẽ gây cản trở cho việc xét xử vụ án của HĐXX. Tuy nhiên, việc từ chối khai báo của bị cáo lại là hành vi hợp pháp bởi bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Như vậy, mặc dù một hành vi có thể gây cản trở cho HĐTT, nhưng nếu hành vi đó hợp pháp thì không thể bị xem là hành vi cản trở HĐTT”.

Ấy chừng như Hội đồng dao thớt chỉ cố buộc ràng những người tham gia tố tụng chăm ngoan quy án mà không minh định điều này. Tệ hơn, dự thảo Pháp Lệnh này cũng chỉ quy định một chiều hành vi bị xử phạt, thẩm quyền xử phạt của Tòa mà quên bén quyền khiếu nại của người bị phạt.

Bị phạt không có quyền khiếu nại!

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ đã có ý kiến trên Tạp Chí của Liên đoàn Luật sư là “dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét không có quy định cụ thể đảm bảo quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ: Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Vậy những trường hợp Tòa án (trực tiếp là Chánh án hoặc Thẩm phán) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì các cá nhân, tổ chức bị xử phạt thực hiện quyền khiếu nại và khởi kiện ra sao, trình tự thủ tục khiếu nại lần đầu, lần thứ hai như thế nào?

Đặc biệt là quyền khởi kiện vụ án hành chính đảm bảo về thẩm quyền, đảm bảo khách quan vô tư, hạn chế lạm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính khi Pháp lệnh này có hiệu lực?” (4)

Điều đáng tiếc nhất là chừng như hệ thống tư pháp tối tăm và hệ thống tuyên truyền một chiều của nhà sản đã thành công trong việc hủy hoại niềm tin ý thức đối thoại của người dân của người dân nên pháp lệnh quan trọng bịt miệng, trói tay những mầm mống dân chủ tối thiểu ấy không hề được công chúng quan tâm. Hơn 800 tờ báo với hàng vạn nhà báo hàng vạn luật sư là những đối tượng chủ yếu bị pháp lệnh này điều chỉnh đều im hơi lặng tiếng chỉ vó vài góp ý rụt rè trên báo Pháp Luật TP.HCM và tạp chí điện tử LDLS VN./.

1-ttps://plo.vn/nha-bao-luat-su-se-bi-phat-nang-neu-co-hanh-vi-can-tro-hoat-dong-to-tung-post693975.html

2-https://hoatieu.vn/phap-luat/luat-bao-chi-so-103-2016-qh13-110801

3-https://plo.vn/phat-nha-bao-theo-du-thao-phap-lenh-can-can-nhac-post6942…

4-https://lsvn.vn/can-bo-sung-quy-dinh-quyen-khieu-nai-khoi-kien-doi-voi-q…

- Quảng Cáo -