Giải pháp nào giải quyết triệt để vấn nạn cán bộ nhân viên ngành y tế bỏ việc hàng loạt?

- Quảng Cáo -

Tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Trong một nghiên cứu mới đây của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế… công bố tại hội thảo chính sách “Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe và các điều kiện kinh tế – xã hội – việc làm của cán bộ y tế Việt Nam”  cho biết :

“Khoảng 60% nhân viên y tế được hỏi cho biết họ đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19; 48% phải làm thêm giờ. Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, bên cạnh hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào về dịch COVID-19″.

- Quảng Cáo -

Như vậy, có thể tổng kết, hai nguyên nhân chính dẫn tới việc cán bộ, nhân viên ngành y tế bỏ việc hàng loạt, đó là thu nhập thấp và sự đối xử tồi tệ trong giai đoạn đại dịch bùng phát ở Việt Nam. Có thể nói, số người bỏ việc của ngành y tế còn tiếp tục và không có điểm dừng nếu như không có sự thay đổi, không có giải pháp triệt để cho vấn đề này.

Đã có những đề xuất của bộ Y tế, như tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%, hoặc những kiến nghị về chính sách lương khởi điểm (do học vất vả 6 năm và 18 tháng thực hành, đề nghị lương khởi điểm tương được bậc hai là 2,67), chính sách thâm niên giống ngành giáo dục… tuy nhiên, nhưng giải pháp này đều là chắp vá và hoàn toàn không thể giải quyết được triệt để vấn nạn bỏ việc trong ngành y tế. Cần phải có một giải pháp lớn, tổng thể bởi vì ngành Y tế là ngành đặc thù, chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Người viết bài xin đưa ra một giải pháp, bảo đảm giải pháp này gần như tất cả mọi người đều đồng ý, và nếu có phản đối thì chỉ là lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam phản đối, không chấp thuận mà thôi. Đó là nâng chế độ đãi ngộ trong ngành Y tế ngang bằng và giống như công an và quân đội. Đây là một giải pháp vô cùng đơn giản, dễ hiểu, có thể thực hiện ngay và ai cũng có thể đồng ý ngay.

Chúng ta đều biết rằng, khi công cuộc đổi mới diễn ra được một thời gian, nhà cầm quyền Việt Nam đã nâng mức lương của công an và quân đội lên một mức cao gấp rưỡi so với các ngành nghề khác, ngoài ra còn có các đãi ngộ đặc biệt khác, ví dụ miễn học phí cho con công an, bộ đội…. Mục đích thì ai cũng hiểu, đó là để hai ngành này bảo vệ chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam. Với mức lương của công an và quân đội hiện nay, cao hơn so với mặt bằng lương chung của tất cả các ngành nghề, và so với mức sống trung bình ở các thành phố lớn vẫn bảo đảm.

Chúng ta có thể đưa ra hai trường hợp, để có thể thấy, giải pháp nâng mức đãi ngộ cho y, bác sĩ bằng với mức lương công an và quân đội, có thể giải quyết triệt để tình trạng bỏ việc của nhân viên y tế. Thứ nhất, trong các báo cáo về bỏ việc, thôi việc của y, bác sĩ không hề thấy có các trường hợp y bác sĩ trong ngành công an và quân đội. Cùng là bác sĩ như nhau, nhưng bác sĩ phục vụ trong các bệnh viện hay cơ sở y tế công an và quân đội không bỏ việc, dù cũng trải qua đại dịch như nhau. Lý do đơn giản là lương của y, bác sĩ quân đội và công an cao hơn lương bác sĩ, y tá bên ngài dân sự. Thứ hai, trong đại dịch vừa qua, lực lượng vất vả không kém y bác sĩ bao nhiêu, đó chính là lực lượng công an, nhất là công an ở các địa bàn, địa phương. Chế độ đãi ngộ trong đại dịch có lẽ cũng không khác gì y bác sĩ bao nhiêu, tuy nhiên không hề thấy công an nào bỏ việc, thôi việc. Lý do chính cũng là mức lương của công an bảo đảm cuộc sống (tương đối), nên dù vất vả cỡ nào họ cũng không bỏ việc.

Tuy giải pháp đưa ra là hoàn hảo, dễ hiểu và dễ thực hiện và hầu hết mọi người đều đồng ý, nhưng đối với nhà cầm quyền Việt Nam, họ đã có Ban bảo vệ sức khỏe trung ương, có đầy đủ y bác sĩ túc trực, có đầy đủ thuốc men, phương tiện để bảo vệ và bảo đảm sức khỏe, thì cớ gì họ lại phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ cho ngành y để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong khi nguồn lực đang cạn kiệt, ngân sách thâm hụt đủ đường. Tại sao tầng lớp thống trị phải quan tâm tới sức khỏe tầng lớp bị trị?./.

Hà Nội, ngày 17/7/2022

N.V.B

- Quảng Cáo -