Tân Phong – Việt Tân
Cuộc họp Trung Ương Đảng CSVN lần này tuy cũng giống như những lần khác.
Đó là dịp những chức tước được đem ra đấu giá, tranh giành giữa các phe cánh và nhóm lợi ích trong đảng búa liềm CSVN. Nhưng Hội Nghị Trung Ương 5 đặc biệt hơn hẳn các lần trước. Đó là vì có đến 3 cái ghế cực kỳ béo bở đột nhiên… vô chủ (chủ tịch Hà Nội, bộ trưởng Y Tế và thứ trưởng Bộ Ngoại Giao kiêm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Nhật Bản), 2 suất phó thủ tướng bị… treo và rất nhiều quan chức đầu tỉnh đang “sống trong sợ hãi,” ghế bàn rung lắc, lung lay như “trứng treo đầu đẳng” cuống cuồng phải lo đổ tiền… giữ ghế.
Nguyên nhân thì mọi người cũng biết. Cớ là vì anh Tô cay vụ “bò dát vàng” tai tiếng khắp 5 châu, nhân đó bị “thế lực thù địch” trong đảng đem anh ra định làm món “lẩu dê tế… anh Trọng.” Khiến anh Tô phải “tiên thủ hạ vi cường,” vạch mặt bọn “đạo đức giả” để làm trong sạch cho đảng. Tuy đảng chưa công bố kết quả phiên đấu giá giữa kỳ đặc biệt này nhưng truyền thông “lề dân” đã lan truyền danh sách các ghế bàn đã được chia chác xong:
Nguyễn Hòa Bình, UVBCT, bí thư Hà Nội;
Trần Sỹ Thanh, UVTW, chủ tịch Hà Nội;
Ngô Văn Tuấn, tổng kiểm toán nhà nước;
Nguyễn Văn Thể, phó trưởng ban kinh tế TW;
Trần Văn Sơn, bộ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải;
Nguyễn Xuân Ký, bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ;
Đào Hồng Lan, bộ trưởng Bộ Y Tế.
Đồng thời, Ủy Ban Kiểm Tra TW đề nghị kỷ luật Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh và Bí Thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Nhìn vào danh sách này, có rất nhiều điều để nói. Nhưng có một chỉ dấu rất đặc biệt thể hiện khuynh hướng chính trị nguy hiểm ở Việt Nam. Đó là sự trở lại của Nguyễn Hòa Bình. Cần nhắc lại tiểu sử của nhân vật này và những ngoại lệ vô tiền khoáng hậu về sự nghiệp chính trị của viên tướng côn an khét tiếng sắt máu, “ăn bẩn, ăn tạp, ăn tàn bạo” – tướng Công An Nguyễn Hòa Bình.
Nguyễn Hòa Bình quê Đức Hành, Quảng Ngãi. Theo Wiki, Bình học đại học an ninh khóa 7 từ 1975 đến 1980, tu nghiệp và làm nghiên cứu sinh ngành an ninh ở Liên Xô 1987 – 1991. Bình về nước thăng tiến chóng mặt.
“…Sau 4 năm làm nghiên cứu sinh ở Học Viện Bộ Nội Vụ Liên Xô (học viện này đào tạo cảnh sát) (1987-1991) trở về, năm 1992 ông giữ chức Phó Phòng đấu tranh án công nghiệp (Phòng đấu tranh án kinh tế công nghiệp và xây dựng cơ bản P2), Phó bí thư chi bộ P2, thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công An (Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công An, C15)
1995 – 1999: Trưởng Phòng đấu tranh án công nghiệp, Bí thư chi bộ Phòng đấu tranh án kinh tế công nghiệp và xây dựng cơ bản (P2), Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công An (C15), Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy C15.”
Cần lưu ý, thời kỳ 1992-1999 có những đại án oan thấu trời như Epco-Tăng Minh Phụng, Trịnh Vĩnh Bình… đều xảy ra trong thời gian này. Khi đó, Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng ban chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án Tăng Minh Phụng-Epco. Khối tài sản nhà xưởng, bất động sản khổng lồ của Tăng Minh Phụng bị “định giá” với mỗi mét vuông đất vàng ở TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu… bằng 3 cây kem Tràng Tiền khi đó. Năm 2003, Tăng Minh Phụng bị đem xử bắn. Toàn bộ tài sản của Epco đã biến mất sạch sẽ.
– Năm 2002 – 2004, Bình được Nguyễn Tấn Dũng bổ làm Cục trưởng, bí thư đảng ủy C15, tổng cục cảnh sát, Bộ Công An, phó thủ trưởng cơ quan điều tra.
– 2007-2008, Bình thăng thiếu tướng, phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát trước khi chuyển sang dân sự.
– Bình có một bước sang ngang làm bí thư Quảng Ngãi quê nhà chỉ trong vòng chưa tới 1 năm từ tháng Sáu, 2010 đến tháng Bảy, 2011.
– Tháng Bảy, 2011, Bình nhảy sang làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và ở vị trí này 5 năm.
– Tháng Tư, 2016, Bình chuyển sang làm Chánh án Tòa Án tối cao và giữ chặt ghế này 2 nhiệm kỳ liên tiếp 2016- 2021 và 2021-2026.
Thời kỳ Bình là Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao rồi sang làm chánh án tòa án tối cao cũng là thời kỳ vô pháp tồi tệ, hỗn loạn nhất của chế độ CSVN. Chưa bao giờ việc chạy án là trở thành phổ biến, nhức nhối và ngành tư pháp trở thành cỗ máy làm tiền bẩn thỉu nhất, nơi mọi tội ác đều có thể rửa sạch bằng tiền, án oan chồng chất với những vụ án như Hồ Duy Hải, Hàn Đức Long,… Bình có một câu nói rất nổi tiếng:
“Nếu không có đủ căn cứ chứng minh là tội nặng thì phải quyết có tội nhưng tội nhẹ. Nếu không đủ ở khoản cao thì phải xử ở khoản thấp.” – Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thảo luận dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi tại hội trường Quốc hội Việt Nam ngày 13 tháng 8 năm 2015.
Tuy chưa tập hợp đủ chứng cứ, xong người viết có cảm giác Nguyễn Hòa Bình được coi là kẻ gác đền cho những quá khứ đen tối, bẩn thỉu của những gia tộc Đỏ quyền lực nhất hiện nay. Bình sắt máu và tàn bạo, tay nhúng ngập máu người. Dù Bình đã ở tuổi 65 nhưng là ủy viên bộ chính trị, Bình rất có thể là một “trường hợp đặc biệt của đặc biệt” sau Nguyễn Phú Trọng. Việc một người như Bình nắm giữ địa bàn trung tâm chính trị quốc gia là Hà Nội trong thời điểm “nhạy cảm” về địa chính trị thế giới cũng như rối loạn trong nội bộ đảng sau hai vụ đại án xảy ra cho thấy đảng đang cần thêm một hung thần canh giữ cho thể chế chính trị đã quá ư thối nát mục ruỗng.
Còn với trường hợp Trần Sỹ Thanh theo như được biết là cháu của nguyên Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng. Hùng “sói” là một biệt danh của Nguyễn Sinh Hùng một tay già rơ ((jeu) bậc nhất ở chính trường Việt Nam. Con đường quan lộ của Trần Sỹ Thanh có thể nói có một không có hai với sự thăng tiến khủng khiếp.
Sinh năm 1971, quê Nam Đàn, Nghệ An, học đại học tài chính kế toán. Năm 24 tuổi vào đảng, 33 tuổi là chánh văn phòng kho bạc nhà nước, 36 tuổi đã được “bế” vào làm phó tổng giám đốc kho bạc nhà nước trước khi điều động sang làm phó chủ tịch tỉnh Đắk Lắk năm 37 tuổi.
– Tháng 10, năm 2010, Thanh được bổ là phó bí thư tỉnh Đắk Lắk, ủy viên TW dự khuyết.
– 4 tháng Sáu, 2012, Thanh được bổ làm bí thư Bắc Giang thay thế cho Nông Quốc Tuấn – con trai của Nông Đức Mạnh. Khi đó Thanh mới 41 tuổi. Bí thư Bắc Giang là một chỗ “thơm,” Thanh tại vị ở đó lâu nhất trong tất cả các vị trí trước đó tới tới tháng Giêng, 2015.
– Tháng Giêng, 2015, Thanh được bổ làm phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương. Tám tháng sau, Thanh về làm bí thư Lạng Sơn.
– Tháng Mười Hai, 2017, Thanh được bổ làm Phó ban kinh tế TW kiêm Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN). Tuy vậy, PVN giờ như cái bị rách chứ không còn như thời “gà đẻ trứng vàng” như thời Đinh La Thăng, Thanh cũng chỉ ở đến tháng Tám, 2020 thì về làm phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội.
– Tháng Tư, 2021, Thanh làm tổng kiểm toán nhà nước.
Thanh ở đến ngày 15 tháng Bảy thì về làm chủ tịch, phó bí thư thành phố Hà Nội thay cho Chu “Bung Toang.” Với con đường quan lộ như Thanh, hẳn là Thanh là “nhân tài đảng ta,” là “hạnh phúc” của bác Hùng “sói,” chứ chắc chắn là đại họa cho nhân dân. Nghe nói Thanh rất kiệm lời, kín đáo, chuyện gì cũng nhờ “bác” tư vấn chi ly.
Trong số các vị trí còn lại, cái tên Nguyễn Văn Thể – Thể “cá tra” cũng được bàn tán nhiều. Anh Thể về Ủy Ban Kiểm Tra TW có thể cũng chỉ là bước nghỉ đợi thời giống như anh Thanh nằm ở đó một thời gian. Thiên hạ đồn đoán anh Thể chuẩn bị làm “củi” nhưng người viết thì không cho như vậy. Thời của Thể, Thể cũng chưa làm được gì ra hồn, loay hoay thay biển “thu phí” thành bảng “thu giá” còn chưa xong, thì kiếm chác được cái… “mẹ gì” mà kỷ luật?
Còn lại các tên tuổi “mới toanh” mà chắc hẳn là hậu duệ của đảng, không thì cũng “anh em nương tựa” gửi gắm, chưa biết họ làm được gì trong một hệ thống bầy hầy, nát bét mà thế hệ trước để lại. Những cái ghế quyền lực béo bở đã tạm thời chia chác, mua bán với cái giá rất đắt trong phiên chợ chiều chế độ. Trong phiên chợ đó, chỉ có một bầy quỉ Đỏ “Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc, mà nhai xé thịt người ngọt xớt như đường.” Hiển nhiên là tất cả chúng, bất kể là kẻ nào, cũng đều là một phần cơ cấu, một bánh răng trong một cỗ máy cũ nát, vô nhân tính đang nghiền nát tương lai của dân tộc này.
Hội Nghị Trung Ương 5 đã khép, phiên chợ chiều chế độ đã xong, và bầy quỉ Đỏ tiếp tục nhai nuốt, bòn rút đất nước này, tàn hại quốc gia này cho đến ngày xuống địa ngục chưa thôi.
Tân Phong