Học sinh là tương lai của đất nước. Hôm qua tôi đã nói về hai chữ “liêm” và “chính” đang thiếu trầm trọng trong thế hệ học sinh ngày nay. Có chữ “liêm chính”, xã hội không phải tốn quá nhiều tiền bạc và công sức cho công an điều tra chặn bắt để khui cho bằng được gian lận. Khi chữ “liêm chính” đã thiếu trong một thế hệ thì làm sao điều tra và bắt bớ cho sạch được?
Khi con người có tư tưởng những gì không phải của mình mình không tham, tất nhiên xã hội sẽ giảm đi trộm cướp và bình an. Đấy là giá trị của chữ liêm. Những gì ngoài tầm với của mình thì mình không dùng thủ đoạn để đoạt nó, điều đó dẫn đến xã hội giảm đi nạn lừa đảo hại nhau. Đấy là giá trị của chữ chính. Hãy ra khỏi lãnh thổ và xem người Thái họ tạo ra một xã hội bình yên như thế nào? Gần ta đấy chứ không đâu xa xôi như Úc hay Canada.
Hôm nay, báo chí cho biết học sinh ở Hà Nội đua nhau vào Quốc Tử Giám cầu khấn thần linh cho mình được thi đậu. Kiến thức là của mình, tại sao lại đi xin thần linh ban cho? Nếu tôi có đủ tiền mua ô tô thì tôi chẳng cần phải cầu cho thần linh cho được trúng số. Vậy thì những học sinh đi khấn vái để được thần linh ban cho mình được đậu nói lên điều gì? Chẳng phải những kiến thức trong người của sĩ tử thấp hơn mục tiêu hay sao?
Thà làm công nhân nhưng công việc vừa sức với mình còn hơn là làm một cử nhân nhưng trong đầu rỗng tuếch thì đấy là cách lựa chọn của người liêm chính. Còn chạy theo mác cử nhân nhưng rồi bản thân học không nổi nên sinh ra mua điểm mua bằng thì đấy là cách chọn của người thiếu liêm chính. Đấy là nhân tố tạo nên xã hội gian trá và mánh khóe. Người liêm chính sẽ cảm thấy xấu hổ khi mình mang những danh hiệu mà mình không xứng.
Việc học sinh kéo nhau đi cầu thần linh, điều đó cho thấy, mục tiêu của học sinh Việt Nam đang đặt ra quá cao so với năng lực bản thân nên sinh ra thiếu tự tin. Và từ đó đi cầu khấn.
Cả một thế hệ học sinh không định giá được bản thân thì nó sinh ra một dân tộc cũng không định giá được vị thế của mình trên trường quốc tế mai sau. Trong nước thì lúc nào cũng “tự hào quá Việt Nam ơi” nhưng khi ra ngoài quốc tế bị người ta khinh khi như một dân tộc hạ đẳng. Đấy là cái giá quá đắt mà nền giáo dục XHCN buộc dân tộc phải trả.
Nền giáo dục Việt Nam đang tạo ra một lỗ hổng cực lớn, lỗ hổng đó nó nằm giữa năng lực và mục tiêu. Năng lực quá thấp mục tiêu quá cao, và lỗ hổng đó chính là “lỗ ảo vọng”. Để lắp vào lỗ hổng đấy, con người ta tìm đến thần thánh cầu khấn và từ đó bọn gian bọn lừa đảo lại có đất sống tạo nên một xã hội mê tín sặc mùi tiền bạc.
Nhìn vào thế hệ hôm nay mà cám thấy ê chề. Học sinh mới 18 tuổi, khi mà chất bụi xã hội chưa nhiễm vào người chúng được bao nhiêu thì chúng đã là những con người ảo vọng, thiếu trung thực, thiếu liêm chính và mê tín nặng nề. Đấy là tương lai đất nước, tương lai được nặn ra bởi Đảng Cộng Sản./.
-Đỗ Ngà-