Hoài Nguyễn (VNTB)
Sắp tới đây ở mỗi tỉnh, thành đều thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và tiêu cực ở cấp địa phương.
“Chỉ đạo” ở đây liệu có đồng nghĩa với “chỉ đạo án”, nhất là khi án tham nhũng ấy xảy ra ngay chính địa phương đó?
Ban nội chính là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo trung ương vì có nhiều đơn vị chuyên môn đủ khả năng tham mưu, còn với ban nội chính tỉnh thành, một số nơi do nhân sự còn ít nên cần liên ngành làm cơ quan thường trực. Từ đề xuất này nên phía quản lý nhà nước cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh không sợ làm tăng bộ máy, biên chế bởi ở đây không hình thành cơ quan mới, mà hình thành tổ chức mà các thành viên tham gia đều là cán bộ, lãnh đạo địa phương kiêm nhiệm, đảm nhận.
Vấn đề chính là ở chỗ “các thành viên tham gia”.
Một đơn cử từ lần ngược quá khứ như ở vụ án Cựu phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, 57 tuổi, đề nghị tòa phúc thẩm xem lại mức án 6 năm tù ông phải nhận, do sai phạm khi Sagri bán dự án.
Sáng 11-5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Trần Vĩnh Tuyến – bị tuyên phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Quá trình xét xử sơ thẩm cuối năm ngoái, ông Tuyến và luật sư xin tòa được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo vụ án thì là người có vai trò chủ mưu, ông Lê Tấn Hùng (59 tuổi, cựu tổng giám đốc Sagri) và ba người khác cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Trần Trọng Tuấn, 53 tuổi, cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – đồng thời cũng từng là luật sư đã kháng cáo kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan.
Trong khi đó, Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM kháng nghị, đề nghị tòa cấp cao xác định lại thiệt hại của vụ án là 672 tỷ đồng, tương đương giá trị chuyển nhượng dự án tại thời điểm khởi tố vụ án, chứ không phải là 348 tỷ đồng (thời điểm xảy ra sai phạm) như phán quyết của tòa cấp sơ thẩm.
Tuy nhiên, trong phần thủ tục, hội đồng xét xử thông báo đã nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Trọng Tuấn do bị hậu Covid-19. Trong đơn, ông Tuấn cho biết mình sức khỏe yếu, bị khó thở, rối loạn tiêu hóa do di chứng hậu Covid-19… nên không đủ sức tham dự phiên tòa.
Sau khi vào hội ý, hội đồng xét xử ra thông báo hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 8-6.
Với tóm tắt danh tánh những bị cáo ở trên cho thấy đều có một điểm chung rằng tất cả đều từng là “lính của anh Hai Nhựt” – tức ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII.
Ông Hai Nhựt làm Bí thư Thành ủy TP.HCM từ ngày 28-6-2006 đến ngày 5-2-2016, tức 9 năm, 222 ngày. Trước đó, ông Hai Nhựt là chủ tịch UBND TP.HCM từ ngày 18-5-2001 đến 12-7-2006, tức 5 năm, 55 ngày.
Các cộng sự tham gia cùng ông Hai Nhựt trong bộ máy chính quyền như ông Nguyễn Thành Tài, Vũ Hùng Việt, Tất Thành Cang, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn… về sau đều bị vướng vòng lao lý.
Ông Lê Tấn Hùng, bị cáo đầu vụ trong vụ án kể trên, là em trai của ông Hai Nhựt Lê Thanh Hải.
Liệu nếu giờ đây có những phiên bản năm 2022, 2023 của Hai Nhựt, thì liệu những Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp địa phương sẽ mang đến điều gì cho sự độc lập tư pháp, khi ban này có quyền tối tượng là “chỉ đạo”, tức rất có thể sẽ can dự vào quyền độc lập của cơ quan tố tụng (?!)
Hoài Nguyễn