VOA
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày thứ Năm đã đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các báo cáo về “những vi phạm và xâm hại nhân quyền trầm trọng và có hệ thống” gây ra bởi quân đội Nga xâm lược ở Ukraine.
Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu được 93 nước biểu quyết ủng hộ, trong khi 24 nước chống và 58 nước bỏ phiếu trắng. Cần có đa số hai phần ba thành viên biểu quyết trong Đại hội đồng 193 thành viên ở New York – không tính phiếu trắng – để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên có trụ sở tại Geneva.
Việt Nam là một trong những nước bỏ phiếu chống.
Các trường hợp bị đình chỉ là rất hiếm, theo Reuters. Libya bị đình chỉ vào năm 2011 vì bạo lực nhắm vào những người biểu tình gây ra bởi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo khi đó là Muammar Gaddafi.
Đây là nghị quyết thứ ba được Đại hội đồng 193 thành viên thông qua kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Hai nghị quyết trước đó của Đại hội đồng lên án Nga đã được thông qua với 141 và 140 phiếu ủng hộ.
Nghị quyết được thông qua ngày thứ Năm bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine,” đặc biệt là trước các báo cáo về những vụ Nga vi phạm nhân quyền.
Nga nói họ đang thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine và phủ nhận việc tấn công thường dân. Ukraine và các đồng minh nói rằng Moscow xâm lược mà không có sự khiêu khích.
Nga trước đó đã cảnh báo các nước rằng biểu quyết ủng hộ hoặc bỏ phiếu trắng sẽ được coi là một “cử chỉ không thân thiện” với những hậu quả cho quan hệ song phương, Reuters đưa tin, dẫn một ghi chú mà hãng tin này đã xem qua.
Nga đang phục vụ năm thứ hai của nhiệm kì ba năm trong hội đồng có trụ sở tại Geneva, vốn không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quyết định của hội đồng gửi đi thông điệp chính trị quan trọng, và hội đồng có thể cho phép tiến hành các cuộc điều tra.
Các quan chức nói Moscow là một trong những thành viên lớn tiếng nhất trong hội đồng và việc họ bị đình chỉ ngăn họ phát biểu và biểu quyết, mặc dù quan chức ngoại giao của họ vẫn có thể tham dự các cuộc tranh luận. “Họ có thể vẫn sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến Hội đồng thông qua những thành viên ủy quyền,” một nhà ngoại giao ở Geneva nói với Reuters.
Tháng trước, hội đồng đã mở cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm các tội ác chiến tranh khả dĩ, ở Ukraine, kể từ cuộc tấn công của Nga.