Nguồn tin: Reuters, DPA, AFP, Spiegel, Focus (Christoph Sackmann)
Lược dịch & tổng hợp: Tôn Thất Thông
Đại hội đồng LHQ đã lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine với đa số áp đảo và kêu gọi Moscow chấm dứt hành động gây hấn. 141 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết vào thứ tư, 2.3.2022 tại New York. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam. Chỉ có năm nước phản đối quyết định này (Nga, Belarus, Bắc Triều Tiên, Iritrea, Syria).
Trong nghị quyết, các quốc gia thành viên “phản đối mạnh mẽ” việc Nga xâm lược Ukraine và lên án quyết định của TT Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao. Các đồng minh phương Tây muốn làm cho sự cô lập quốc tế của Putin có thể được biểu hiện rõ ràng trước cơ quan lớn nhất của Liên hợp quốc, tổ chức có 193 thành viên.
Đại hội đồng “yêu cầu Liên bang Nga ngay lập tức ngừng sử dụng vũ lực đối với Ukraine và kiềm chế mọi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trái pháp luật đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào.” (xem thêm ở đây)
Thế lưỡng nan của Trung Quốc
Cho đến nay, Trung Quốc tỏ ra trung lập trong cuộc chiến Ukraine, nhưng đồng thời cũng đề nghị sẽ mua thêm dầu và khí đốt của Nga, xem như là biểu tỏ sự ủng hộ đồng minh. Nhưng Nga cũng không nên có ảo tưởng về sự giải cứu từ Bắc Kinh. Lòng trung thành của Trung Quốc đối với Nga rất có giới hạn.
Khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hôm thứ bảy, cuộc bỏ phiếu đã thất bại như dự kiến, vì quyền phủ quyết của Nga. Nhưng giới quan sát vẫn đánh giá cuộc bỏ phiếu là thành công, bởi Trung Quốc không chống lại nghị quyết mà bỏ phiếu trắng. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Putin không mạnh như TT Nga có thể đã chờ đợi.
Về mặt chính trị, Trung Quốc có thể có lợi ích nhất định, nếu cuộc xâm lăng Ukraine của Putin thành công. Đó sẽ là một kinh nghiệm quý báu cho một cuộc xâm lược sắp tới của Trung Quốc đối với Đài Loan. Nhưng Trung Quốc dường như không tin tưởng vào sự thành công của Nga. Trong các tuyên bố chính thức, các chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc công khai lên án cuộc chiến Ukraine, dù không dùng thuật ngữ “xâm lược”. Trong khi bày tỏ sự phản đối NATO, họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự toàn vẹn biên giới quốc tế.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc phụ thuộc vào phương Tây
Sự mâu thuẫn trong các tuyên bố và sự bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an có lý do kinh tế. Như đã đề cập, Trung Quốc sẽ có lợi thế chính trị nếu cuộc xâm lược của Nga thành công, nhưng bất lợi về kinh tế là nhiều hơn. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ quá trình toàn cầu hóa. GDP bình quân đầu người đã tăng từ 318 đô la lên 10.500 đô la (gấp 33 lần) sau ba thập kỷ. Ngày nay, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế toàn cầu, sẽ sớm thay thế Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới – mà không cần phải điều chỉnh hệ thống chính trị của mình cho phù hợp với các nền dân chủ phương Tây.
Tuy nhiên, sự thành công này dựa trên giao thương với các cường quốc công nghiệp phương Tây. Trung Quốc nổi lên nhờ thực tế đã phát triển thành một trong những cơ sở sản xuất các sản phẩm phương Tây và chiếm lĩnh thị trường thế giới đối với các sản phẩm quan trọng như đất hiếm, pin, bảng pin mặt trời và magnesium với giá bán rẻ mạt.
Nhưng cho dù thị trường nội địa 1,4 tỷ dân của Trung Quốc có lớn đến đâu, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào thương mại với phương Tây. Và cho dù người Trung Quốc có cãi vã gay gắt với Hoa Kỳ nói riêng trong những năm gần đây như thế nào, họ cũng sẽ không đùa giỡn với lợi ích kinh tế. Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại công ty phân tích Capital Economics của Mỹ, cho biết: “Trung Quốc có lợi ích trong việc định hình hiện trạng như họ mong muốn, và cũng quan tâm đến việc bảo tồn nó”, chứ không dại gì hy sinh cho Nga chỉ vì một chút lợi ích chính trị. (xem thêm ở đây).
Các biện pháp trừng phạt kinh tế vẫn có thể được mở rộng
Mặt khác, Nga cũng đang gây nguy hiểm cho trật tự kinh tế toàn cầu với sự xâm lược Ukraine. Các biện pháp trừng phạt đối với nước này đã rất sâu rộng, nhưng chúng có thể được mở rộng hơn, chẳng hạn như dầu và khí đốt của Nga bị chặn khỏi thị trường thế giới. Iran sẽ ca hát ăn mừng về điều đó. Trung Quốc có thể không quan tâm đến các lệnh trừng phạt như vậy, nước này đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt đó và thậm chí còn gia tăng thương mại với Nga sau năm 2014, khi châu Âu và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc sáp nhập Crimea.
Nhưng ở đây, lòng trung thành của Trung Quốc cũng có giới hạn của nó. Cuộc chiến thương mại với Mỹ trong những năm gần đây đã gây thiệt hại cho họ. Giới lãnh đạo Trung Quốc khó có thể và sẽ khó chịu đựng thêm sự tức giận của Mỹ và phương Tây. Điều này có thể được thể hiện bằng các mức thuế trừng phạt hơn nữa hoặc thậm chí là các cuộc phong tỏa thương mại đối với Trung Quốc. “Trung Quốc và Nga có thể đã xích lại gần nhau hơn, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng đối phó với các xung đột và tham vọng địa chính trị của nhau”, Helena Legarda thuộc Viện Merics cho biết trong một podcast (xem thêm ở đây).
Về mặt kinh tế, điều này thậm chí không cần thiết đối với Trung Quốc. Mặc dù quốc gia châu Á này đang nhập khẩu một lượng lớn dầu và khí đốt từ nước láng giềng phía Bắc và cung cấp nhiều sản phẩm nội địa cho họ, đặc biệt là đồ điện tử, nhưng điều này có thể chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Rốt cuộc, Trung Quốc đang làm việc với dự án lớn “Con đường tơ lụa mới” để khiến nhiều nước đang phát triển trở thành đồng minh – cũng để có được nguyên liệu thô của họ. Và về lâu dài, đây cũng có thể là những thị trường tiêu thụ quan trọng hơn đối với các sản phẩm Trung Quốc.
Dường như Trung Quốc đang sợ Nga leo thang
Putin đang dần trở thành mất trí. Nếu Ukraine cầm cự được lâu dài, có thể Putin sẽ ném bom nguyên tử chiến thuật vào Kiew. Mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào phản ứng của NATO. Nếu phương Tây phản ứng mạnh, chiến tranh sẽ leo thang, Mỹ mắc kẹt ở khu vực châu Âu. Trung Quốc sẽ nhân cơ hội chiếm Đài Loan và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, dường như Tập Cận Bình chưa muốn tình trạng đó xảy ra lúc này. Một lý do có thể là, Tập chưa chắc có thể thắng nhanh trong vài tuần và nếu kéo dài sẽ bị sa lầy. Nhưng lý do chính vẫn là kinh tế như đã nói ở trên. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Qua cuộc xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã đối diện với bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trước nay Tập luôn luôn đặt cược vào sự thiếu thống nhất giữa Mỹ và châu Âu, giữa NATO và Pháp-Đức, giữa EU và Đức. Sự đoàn kết của khối phương Tây lần này đã làm hy vọng của Tập tiêu tan và phải định hình lại chiến lược chia rẽ phương Tây. Về mặt kinh tế, dường như bản thân Tập cũng không ngờ đến những đòn trừng phạt nặng nề như phương Tây ban ra lần này, mà nếu kéo dài và mở rộng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Chúng ta chờ xem chiến lược của Tập sẽ như thế nào trong thời gian tới, nhưng điều chắc chắn là Tập phải cân nhắc kỹ lưỡng khi tiến hành một biện pháp hung hăng nào với các nước dân chủ, phương Tây cũng như châu Á. Nếu có một sự trừng phạt mạnh tương tự như lần này áp lên Trung Quốc, điều đó sẽ làm cho kinh tế Trung Quốc kiệt quệ và làm suy yếu quyền lực của Tập trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Đó là rủi ro lớn mà chắc hẳn Tập chưa muốn lao vào.
Nga đang tự kết liễu chính mình
Tầm quan trọng của Nga trên thế giới đang giảm dần. Trong khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng hệ số 33 kể từ năm 1990, thì của Nga thậm chí không tăng thêm hệ số 3. Tệ hơn nữa: Thứ nhất, người Trung Quốc hiện đã vượt qua người Nga, và thứ hai, GDP bình quân đầu người của Nga thậm chí còn giảm kể từ năm 2014. So sánh với Đức cho thấy sự khác biệt giữa Nga và Trung Quốc đến mức nào: Trong khi Trung Quốc chỉ tạo ra một phần trăm GDP bình quân đầu người của Đức vào năm 1990, thì ngày nay con số này đã là 23 phần trăm. Trong cùng thời kỳ, Nga chỉ tăng từ 16 đến 22 phần trăm của Đức.
Sẽ rất ít thay đổi trong tương lai vì mô hình kinh doanh của Nga đã lỗi thời. Khi thế giới chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Nga vẫn tạo ra gần một nửa doanh thu của chính phủ từ dầu mỏ. Điều này cũng áp dụng cho các quốc gia khác, đặc biệt là Ả Rập Xê-út, nhưng các quốc gia vùng Vịnh nói riêng đang nỗ lực hết mình để chuyển đổi nền kinh tế của họ và trở nên ít phụ thuộc hơn vào dầu khí. Công ty phân tích HCSS của Hà Lan viết: “Mặt khác, Nga đang phớt lờ sự chuyển đổi này một cách có ý thức. Không rõ dân Nga sẽ chịu đựng được điều này trong bao lâu. Tuy nhiên, điều chắc chắn là mô hình kinh doanh của Nga không có tương lai”. (xem thêm ở đây).
Hậu quả nào đang chờ đón Nga và Putin?
Thật quá sớm để tiên đoán cuộc xâm lược Ukraine sẽ đi về đâu, nhưng cho dù Nga có đạt tối đa các mục tiêu của mình, thì Putin cũng không giấu được sự hoảng hốt của mình về các đòn trừng phạt bất ngờ vừa qua, với hậu quả thảm khốc sẽ đến vài tháng sau, thậm chí vài tuần sau. Gần hết ngoại tệ trong số hơn 600 tỉ US$ dự trữ cho chiến tranh trở thành vô dụng vì Nga không còn tiếp cận được; khách hàng sộp về khí đốt và dầu hỏa sẽ ra đi sau khi họ kiếm được nguồn thay thế: không ai dại gì phụ thuộc vào một quốc gia hiếu chiến và bất định như Nga; lợi tức đầu người của dân Nga đã giảm 40% trong vòng 7 năm qua, sau khi Nga chiếm Crimea năm 2014, nay sẽ tiếp tục giảm xuống với tốc độ nhanh hơn vì các đòn trừng phạt nặng nề hiện nay; khả năng hiện đại hóa công nghiệp sẽ giảm xuống đến mức tồi tệ vì bị cấm vận hàng công nghệ cao, thí dụ linh kiện bán dẫn hoặc công nghệ lọc dầu; Danh sách thiệt hại còn rất dài!
Tất cả những điều đó không sớm thì muộn sẽ tạo nên bất ổn xã hội, và trong bao lâu nữa sẽ xảy ra một điều tất yếu: đấu tranh quyền lực nội bộ hoặc chính người dân Nga sẽ tự quyết định số phận của Putin.
Tập Cận Bình rất khôn ngoan khi không công khai ủng hộ kẻ ngông cuồng như Putin, dù về bản chất, cả hai đều rất giống nhau./.