Minh Anh – RFI |
Với cuộc khủng hoảng Ukraine, Vladimir Putin trắc nghiệm tình liên đới, khả năng ứng phó của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Cuộc khủng hoảng này còn là một phép thử tình bạn “Putin – Tập Cận Bình.” và cho phép Bắc Kinh đo lường sự quyết tâm của Mỹ trong hồ sơ Đài Loan. Trên đây là những nhận định chung của các nhật báo lớn ở Pháp số ra ngày 23/02/2022.
Vladimir Putin chọn chiến tranh thay vì hòa bình?
Le Monde trên trang nhất cho rằng “Tại Ukraine, Vladimir Putin chuyển sang thế tấn công“. Trong một bài diễn văn trên truyền hình mang đậm dấu ấn của nỗi oán hờn, tổng thống Nga ngày 21/02 đơn phương công nhận độc lập cho hai vùng lãnh thổ ly khai – hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, vùng Donbass, Ukraine. Tuyên bố này xem như đã dập tắt hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.
Le Monde lưu ý, trước khi đưa ra quyết định trên, Matxcơva đã chuẩn bị địa bàn từ nhiều năm qua, bằng việc cấp hộ chiếu Nga cho hàng trăm ngàn cư dân vùng Donbass. Phương pháp này đã được Matxcơva từng sử dụng tại Abkhazia và Nam Ossetia, hai vùng lãnh thổ của Gruzia mà Matxcơva cũng đã công nhận độc lập từ năm 2008.
Khi thông báo gởi quân đến vùng Donbass để hỗ trợ “gìn giữ hòa bình,” Libération trên trang nhất lo lắng “Ukraine có nguy cơ đối mặt với chiến tranh”. Tối thứ Ba, 22/02, tổng thống Nga còn gia tăng áp lực thêm một nấc khi khẳng định công nhận chủ quyền lãnh thổ của phe ly khai tại toàn bộ các vùng Luhansk và Donetsk. Và thỏa thuận liên kết phòng thủ giữa Matxcơva với hai nước cộng hòa tự xưng mở ra con đường “hợp pháp” cho một cuộc xâm chiếm của Nga tại những vùng của Donbass hiện do Kyiv kiểm soát.
Trước mối họa này, nhật báo thiên hữu Le Figaro thì tự hỏi: “Putin sẽ còn đi đến đâu?”. Khi đơn phương công nhận độc lập cho vùng Donbass và gởi quân đội Nga đến đó, phải chăng ông Putin đã vượt lằn ranh đỏ sau cùng?
Trả lời câu hỏi này của Le Figaro, sử gia và nhà thần học Jean-François Colosimo, giải thích rằng trong nhãn quan Điện Kremlin, phương Tây, từ khi bức tường Berlin sụp đổ, chỉ có một mục tiêu duy nhất là hạ gục nước Nga bằng cách bao vây nước này.
Việc 11 nước Đông Âu gia nhập NATO càng củng cố thêm niềm tin đó. Trong cuộc chiến đa diện, một đòn phản công mà ngày nay Nga đang tiến hành, Matxcơva tin rằng phải xây dựng thành trì vững chắc tại các vùng sân sau.
Điều này giải thích cho những cuộc can thiệp của Nga tại Belarus, Kazakhstan, Gruzia, Transnistria, tại Crimea và giờ đây là vùng Donbass. Bởi vì, “Putin biết rất rõ là cả Mỹ lẫn châu Âu sẽ không hy sinh một binh sĩ nào trong cuộc xung đột này. Và cái giá phải trả sẽ là những đòn trừng phạt kinh tế mới cho đến giờ ông ấy vẫn tự xoay sở được”.
Và trong cuộc đọ sức này, “Ukraine đơn độc” như hàng tít nhận xét trên trang nhất của La Croix. Tuy “Ukraina có nhiều quan hệ đối tác với Liên Hiệp Châu Âu và NATO, nhưng không có được bảo đảm về an ninh”. Phương Tây chỉ cung cấp cho Kyiv các loại vũ khí, các chương trình huấn luyện nhưng không nhắm đến việc triển khai quân đội, theo như nhận xét của nhà nghiên cứu Elie Tenenbaum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về An ninh, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) với Libération.
“Thẳng tay trừng phạt” hay “giơ cao đánh khẽ”?
Trước hành động hung hăng này của Nga, Les Echos trên trang nhất cho biết ngắn gọn: “Phương Tây đáp trả”. Nếu như Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhắm vào nhiều định chế và cá nhân Nga, đặc biệt là quyết định tạm đình chỉ cấp phép hoạt động cho đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi Nord Stream 2, Le Monde trong bài xã luận kêu gọi “trừng phạt mạnh mẽ chính quyền Nga”.
Theo tờ báo, Matxcơva đã vi phạm một nguyên tắc nền tảng trong luật quốc tế, được các nước có tham gia ký kết Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, kể cả Nga – quốc gia thành viên Hội Đồng Bảo An chấp thuận: Sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các Nhà nước. Với thông báo hôm thứ Hai, nước Nga của ông Vladimir Putin, lần thứ hai trong vòng 8 năm đã công khai vi phạm nguyên tắc này.
Kateryna Yashchenko, chuyên gia về Ukraine, giáo sư trường đại học Mỹ Georgetown, trên mạng xã hội Twitter, được Le Figaro dẫn lại, cảnh báo phương Tây phải có phản ứng mạnh mẽ: “Nếu phản ứng yếu, Putin sẽ tiến lên, vượt lằn ranh đỏ mới. Tất cả đều phụ thuộc thái độ của Mỹ và châu Âu. Nếu họ mạnh, thì ông ấy sẽ sợ”.
Bởi vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, cho đến lúc này vẫn còn rất dè dặt, hạn chế, chưa có một tác động mạnh mẽ nào đối với các hành động của Nga, vốn dĩ sở hữu nhiều nguồn dự trữ tài chính. Đây cũng là một trong số các quốc gia có nguồn dự trữ vàng lớn nhất thế giới.
Những đòn đáp trả của phương Tây đã không đẩy lui được Nga ra khỏi Nam Ossetia, lãnh thổ Gruzia năm 2008, vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, cũng như là chấm dứt xung đột ở vùng Donbass, Ukraine. Hơn nữa, chủ đề trừng phạt, luôn làm dấy lên những chia rẽ trong nội bộ khối EU vì những lợi ích mâu thuẫn giữa các nước thành viên.
Trong bối cảnh này, mọi cặp mắt đều đổ dồn sang Mỹ. Báo chí Pháp lưu ý chớ có trông đợi nhiều vào Washington. Le Monde ghi nhận chính quyền Biden đã có một “phản ứng thận trọng trước hành động leo thang căng thẳng của Nga”.
Theo nhật báo, quyết định của Điện Kremlin tối thứ Hai 21/2, đã làm hỏng chiến lược phòng ngừa và răn đe mà Washington phát triển từ ba tháng qua, được dựa trên ba cột trụ chính: Tố cáo công khai các chiến dịch của Nga, ngay cả khi mới ở cấp độ ý đồ; Chuẩn bị một gói trừng phạt cùng với các đồng minh và Tiến hành đối thoại ngoại giao với Matxcơva. Cả ba biện pháp này, tuy cho phép gắn kết phe phương Tây, nhưng lại không làm cho Nga đi trệch ra khỏi các ưu tiên của mình.
Le Figaro trong bài nhận định đề tựa “Joe Biden đang định lượng cách đáp trả trong khi phe Cộng Hòa hối thúc ông phải cứng rắn hơn,” nhận thấy thế nan giải của chủ nhân Nhà Trắng trong việc tìm kiếm một cách đáp trả thích hợp đối với Nga.
Bởi vì, nếu “thẳng tay trừng phạt” như đòi hỏi của Ukraine và nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa, Joe Biden có nguy cơ bị tước mất những công cụ gây áp lực bổ sung nếu Nga lao vào những cuộc tấn công sắp tới. Nhưng nếu “đánh khẽ,” nguyên thủ Mỹ có nguy cơ bị xem là đưa ra một tín hiệu yếu đuối, sau vụ sáp nhập hai vùng lãnh thổ Ukraine.
Trước thái độ lưng chừng này của Mỹ, xã luận của La Croix, kêu gọi châu Âu nên cảnh giác, và đừng quên rằng mọi nỗ lực của Mỹ được dồn cho cuộc đối đầu với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, châu Âu không thể trông cậy vào Mỹ và cũng không nên đi theo chiến lược của Mỹ. Kinh tế của châu Âu gắn kết nhiều với Nga.
Các lợi ích của châu Âu và Mỹ cũng không giống nhau. Đức đã lên tiếng đình chỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, toàn khối Liên Âu giờ phải hợp nhất, hành động có phối hợp đưa ra những thông báo trừng phạt mạnh mẽ. Vì cuộc khủng hoảng này diễn ra ngay trước cửa nhà, do vậy Liên Âu phải có chung một tiếng nói.
Khủng hoảng Ukraina trắc nghiệm tình bạn “Nga – Trung”
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine này, nhật báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến phản ứng của Trung Quốc. Trong bài viết đề tựa “Mắt nhìn Đài Loan, Bắc Kinh chơi trò cân bằng trong cuộc khủng hoảng Ukraina.” thông tín viên nhật báo tại Bắc Kinh, Frédéric Shaeffer, giải thích, một mặt, Trung Quốc ủng hộ những đòi hỏi của Nga, chống việc “mở rộng NATO,” chia sẻ nguyện vọng của Nga muốn Ukraine nằm ngoài khối liên minh quân sự này.
Lập trường này của Bắc Kinh cũng đã có từ lâu, luôn phản đối các liên minh quân sự. Sự xích lại gần này giữa Nga và Trung Quốc đã gây sự chú ý cho lãnh đạo nhiều nước châu Âu. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra cuối tuần rồi tuyên bố rằng Nga và Trung Quốc đang “tìm cách thay thế các quy định quốc tế hiện hữu”.
Nhưng sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Matxcơva cũng có giới hạn. Trung Quốc không muốn bị lôi kéo bất đắc dĩ vào một cuộc xung đột có nguy cơ gây tổn hại cho những lợi ích của nước này trong khu vực và làm xuống cấp hơn nữa mối quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Les Echos nhắc lại Trung Quốc có hàng tỷ đô la hợp đồng với Ukraine, cũng như là việc mua trang thiết bị quân sự với Ukraine.
Chính trong bối cảnh này mà Ngoại trưởng Vương Nghị tại Hội thảo Munich kêu gọi một giải pháp hòa bình, nhấn mạnh đến tính thiết yếu của việc “bảo vệ quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine'” khi trao đổi điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ, Antony Blinken.
Tuy nhiên, thế cân bằng này có nguy cơ không trụ được lâu, vào thời điểm Liên Âu chuẩn bị các công cụ trừng phạt Nga. Trung Quốc sẽ phải có lập trường rõ ràng và cho biết nước này có tham gia vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây hay là sẽ tìm cách giúp Nga tránh các đòn phạt đó.
Cùng lúc, Bắc Kinh cũng nhìn về phía Đài Bắc, quan sát kỹ lưỡng tầm mức phản ứng của phương Tây, nhất là từ phía Mỹ. Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã cảnh báo: Trung Quốc rất có thể lợi dụng khủng hoảng Ukraine để thử “khiêu khích” tại châu Á. Cuộc khủng hoảng Ukraine chắc chắn là một phép thử về sự quyết tâm của chính quyền Biden!
Ngoài ra các báo Pháp cũng nói đến những hệ quả khác của cuộc khủng hoảng Ukraine. Giá dầu thô trên thế giới tăng vọt lên đến 100 đô la/thùng, có lợi cho Nga, quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Trong khi nguồn dự trữ khí đốt của châu Âu sắp cạn kiệt, giới chuyên gia cảnh báo, “những căng thẳng ở Ukraine có nguy cơ đẩy giá dầu tăng cao thêm nữa.”
Cuộc đọ sức này với Nga đã làm lộ rõ sự phụ thuộc quá lớn của châu Âu vào nguồn cung khí đốt Nga. Les Echos nhận định “châu Âu rơi vào bẫy lâu dài khí đốt Nga”. Trong ngắn và trung hạn, Liên Hiệp Châu Âu chưa thể bỏ khí đốt của Nga. Trong chiếc bẫy này, nước Đức là bị ảnh hưởng nặng nhất so với láng giềng Pháp.
Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương: Bắc Kinh cảnh cáo Paris và châu Âu
Khủng hoảng Ukraine còn che khuất một sự kiện khác không kém phần quan trọng đối với an ninh châu Á: Hội nghị cấp cao về Ấn Độ – Thái Bình Dương do Pháp tổ chức tại Paris, với sự họp mặt của Liên Hiệp Châu Âu và 30 quốc gia trong khu vực.
Thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Le Maitre, có bài nhận định chính sách hợp tác tích cực của Paris trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương khiến Bắc Kinh khó chịu, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
Trả lời câu hỏi của Le Monde, ông Cui Hongjian, nhà cựu ngoại giao, hiện là giám đốc phụ trách mảng châu Âu, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Bắc Kinh cảnh báo châu Âu rằng “Nga không xem Bruxelles như là một đối tác đối thoại. Putin chỉ nói chuyện với Đức và Pháp. Ông ấy cũng muốn Trung Quốc làm điều tương tự nhưng Bắc Kinh không chấp nhận. Trung Quốc tiếp tục xem Châu Âu như là một bên đối thoại hợp pháp. Châu Âu không nên quên điều đó!”
Le Figaro cho biết “Singapore chìa tay với châu Âu”. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng, và trước nguy cơ phải chọn phe giữa một bên là Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của đảo quốc và bên kia là Hoa Kỳ, nguồn bảo đảm an ninh ở Biển Đông cho khu vực, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi châu Âu tăng cường sự hiện diện, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đã bị Hoa Kỳ bỏ rơi!