Phú Nhuận (VNTB)
Sau Tân Hoàng Minh, Bình Minh là đơn vị thứ hai xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá hơn 5.000 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.
Ông Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết trong chiều 8-2-2022, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan trong đó có Cục thuế thành phố về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9. Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng – gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Nếu tính theo đơn giá đất, Công ty Bình Minh đã bỏ ra 1,003 tỷ đồng cho mỗi m2 đất lô 3-9, vượt xa 593 triệu đồng/m2 mà Dream Republic bỏ ra cho lô 3-5 hay 467 triệu đồng/m2 mà Sheen Mega đã bỏ ra cho lô 3-8, và chỉ thua Tân Hoàng Minh với mức giá gây sốc 2,45 tỷ đồng/m2 cho lô 3-12.
Việc bỏ giá 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần mức khởi điểm cùng đơn giá cao không mấy kém cạnh Tân Hoàng Minh cho thấy tham vọng lớn của Công ty Bình Minh, một doanh nghiệp được thành lập ngày 24-09-2021, đặt trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992). Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3-12-2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng.
Theo quy định, đơn vị trúng đấu giá sẽ bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng nếu không nộp đủ tiền mua tài sản khi quá 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế. Không nộp hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian trên, các doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tiền đặt trước là 20% so với giá khởi điểm.
Động thái xin bỏ cọc của Tân Hoàng Minh và Bình Minh, theo các chuyên gia, một mặt có nguy cơ khiến đấu giá đất trở thành kẽ hở thổi giá tài sản tăng nhanh, làm lợi cho nhóm lợi ích thiểu số. Mặt khác hoạt động đấu giá đất đang khoét sâu thêm nghịch lý Nhà nước mong đấu giá cao để thu tiền về cho ngân sách, nhưng lại lo giá ảo làm nhiễu loạn thị trường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trúng giá cao rồi bỏ cọc không loại trừ có chủ ý, vì quy định về thời gian và tiền đặt cọc đấu giá khiến nhiều người chỉ mong kiếm lời, sang tay, mà không có ý định thực. Theo quy định, người tham giá đấu giá sẽ chỉ phải đặt cọc từ 5 – 20% giá khởi điểm. Khi tham gia đấu giá, họ không xác định mục tiêu ban đầu là sử dụng đất, mà kỳ vọng lướt sóng để ăn tiền chênh lệch.
Có ý kiến cho rằng khả năng việc đẩy giá khu đất không loại trừ trường hợp có chủ ý, có sắp đặt của một nhóm người nhằm kéo mặt bằng giá chung của cả khu vực đó lên cao. Nói cách khác, họ chịu chi cao cho một mảnh đất, nhưng bù lại sẽ bán những mảnh đất xung quanh ở mức cao. Cuối cùng mức thu về lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Đây là một chiêu trò thị trường khó được kiểm soát, nhưng nó có sức tạo ra làn sóng rất lớn.
Những vấn đề trên được giải quyết thế nào? Chắc chắn là phải bằng pháp luật.
Hiện tại thì đúng là pháp luật dù chưa thể đi trước cuộc sống, nhưng cũng không nên để đi sau cuộc sống quá xa. Những kẽ hở pháp lý đã được nhận diện, do vậy bên cạnh các biện pháp hành chính như siết tín dụng, nâng tiêu chuẩn các doanh nghiệp được tham gia đấu giá…, cần tiến hành song trùng việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý.
Nếu như nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý được ủy quyền của nhân dân để thực hiện quyền chủ sở hữu về đất đai thì phải hết sức tỉnh táo với những động thái bất thường trong hoạt động đấu giá. Ý kiến về vấn đề này, theo nhiều chuyên gia tài chính, khả thi nhất là sớm điều chỉnh tăng tỉ lệ tiền cọc/ giá khởi điểm, chẳng hạn từ 20% lên 50%, sẽ khiến nhà đầu tư chùn tay nếu định sử dụng chiêu trò. Để ngăn đe hiệu quả hơn, chẳng hạn như cần tu chỉnh luật hình sự qua việc bổ sung tội danh “Lũng đoạn thị trường bất động sản” vào Bộ luật hình sự.
Lưu ý ở đây ngoài việc trục lợi ra, thì nó còn làm thay đổi trật tự quản lý nhà nước khi họ làm lũng đoạn thị trường bất động sản. Thiệt hại ở đây chính là nhà nước và người dân, đặc biệt là dân nghèo không có nhà ở rất khó tiếp cận đất đai, nhà ở với giá cao ngất ngưởng./.