“Cái ác” nằm trong hệ thống tôn ti gồm cái đẹp, cái trác việt, cái huy hoàng, cái xấu, cái bi, cái hài…; nó dùng để chỉ người hoặc việc gây ra hoặc thích gây ra đau khổ, tai họa cho người khác ở mức độ khốc liệt, dữ dội và tàn bạo phi nhân.
Sự lên ngôi của cái ác đồng nghĩa với sự biến mất của nhân tính, vì ở đó cảm thức về điều thiện gần như vắng mặt hoàn toàn. Cũng chính vì thế mà người ta thường gắn ác với quỷ (ác quỷ), thú (ác thú). Trong cơn giận dữ làm mất lý trí người ta có thể phóng dao vào nhau, hành vi ấy không gọi là ác vì nó bốc đồng, tức thì và cảm tính; từ đây mà nhìn thì chiến tranh cũng chưa bước sang địa hạt của cái ác; nhưng vì thù ghét nhau mà bình tĩnh ngồi lập kế hoạch sát hại những con bò của người khác thì đó là điển hình của cái ác.
Trong trường hợp này ở Nghệ An, ghê rợn hơn, kẻ cầm dao kia đã không lựa chọn cắm một nhát vào bụng, vào cổ để kết liễu sinh mạng những con bò mà quyết định chặt chân chúng. Hành vi đó tàn ác hơn nhiều so với việc vung dao vào nhau hay là giết chết lập tức những con bò. Ngoài việc phá hoại tài sản của người khác, hành động chặt chân những con bò vô can vô tội như thế chính là một sự phản ánh đầy đủ cho sự lạnh lùng, dã man, và mất nhân tính hoàn toàn nơi con người.
Bất cứ ai, chỉ cần thoáng đặt mình vào nỗi dau của những con bò bị nhát dao chém lìa cẳng chân, lê lét, quằn quại trên vũng máu suốt đêm thì sẽ không thể xuống tay được. Nhưng rõ ràng, cái giây phút thoáng qua ấy đã hoàn toàn không xuất hiện.
Con người ở đâu trên thế giới này cũng có những mâu thuẫn, Việt Nam từ ngàn xưa tới nay cũng không ngoại lệ. Việc gián tiếp phá hoại ruộng dưa luống cà, đổ thuốc sâu xuống ao giết cá hay sát hại đàn bò của kẻ thù vốn rất dễ dàng để thực hiện nhưng nó đã rất hiếm khi xảy ra. Vì sao thế, vì nó là một hàng rào đạo đức vô ngôn, và người ta dường như rất khó bước qua từ trong vô thức của mình. Trong thế giới tự nhiên, con vật cũng không hành động như thế, vì nó là bản năng được tạo hóa đặt định. Nhưng rồi, những năm gần đây, việc chặt vườn cà phê, vườn tiêu cho đến giết đàn lợn, đàn vịt và giờ là đàn bò đã trở nên không còn xa lạ nữa. Có lẽ đó chính là một dấu hiệu điển hình cho sự sa đọa khi con người đã bước hẳn sang một giai đoạn mới trong hồn của nòi giống – bước sang gia đoạn của CÁI ÁC.
Từ vụ 15 con chó bị đập đầu và nhấn nước đến chết một cách tỉnh bơ bởi nhân viên y tế ở Cà Mau đến việc chặt chân những con bò ở Nghệ An, chúng ta phải kinh hoàng với sự đóng băng của tính người trên xứ sở này; ghê rợn thay, nó lại diễn ra ở những vùng nông thôn, nơi con người vẫn được ca ngợi là hiền lành chất phác.
Khi lưỡi dao vung lên và bổ xuống lè những con bò, tính người đã bị đoạn diệt hoàn toàn.
Chúng ta về đâu?
Thái Hạo