Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Phát triển đảng viên trong thời kỳ đất nước hòa bình cũng là một vấn đề mà đảng CSVN quan tâm và đang vấp phải nhiều khó khăn. Hàng năm, mặc dù số lượng đảng viên mới được báo cáo gia tăng đáng kể nhưng chưa bao giờ đạt được chỉ tiêu đề ra. Ngày nay “vào đảng” chưa phải là nguyện vọng tha thiết, nhất là ở hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước và một bộ phận trung lưu, giàu có mới nổi nhờ làm giàu bằng kinh tế thị trường.
Vừa qua báo Zing tại Việt Nam đã giới thiệu một ý kiến của bà Phạm Thị Lâm, bí thư chi bộ đảng phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về chuyện phát triển nhân sự tại chi bộ mà bà đảm trách. Đây là một khu vực được cho là tập trung nhiều người giàu của thủ đô Hà Nội nhờ vào tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng và kinh doanh nhiều ngành nghề hái ra tiền.
Đáng lẽ khi kinh tế phát triển, nhóm người khá giả gia tăng thì công tác phát triển đảng tăng theo. Nhưng ngược lại theo lời bà Lâm, chi bộ này 13 năm nay chưa kết nạp được một đảng viên mới nào. Cũng theo lời bà Lâm, độ tuổi của đảng viên ở đây trong khoảng từ 60 đến 65 tuổi, là độ tuổi khá cao. “Chúng tôi rất khó khăn tìm nguồn mới để kết nạp,” bà Lâm than thở. 13 năm là thời gian quá dài và những người đảng viên còn lại sắp bước vào tuổi “cổ lai hy.” Đó cũng là hình ảnh của một đảng chính trị đang trong thời kỳ rệu rã sau một thời gian dài đứng trên đỉnh cao độc tài toàn trị.
Khổ tâm của bà Lâm không chỉ ở chi bộ phường Vĩnh Tuy mà đó là hiện tượng chung tại những thành phố lớn trên cả nước. Số đảng viên mới phát triển hiện nay đa số tập trung trong khu vực nhà nước, các đơn vị quân đội và doanh nghiệp quốc doanh vì họ bị buộc phải tham gia nếu muốn được thu nhận vào làm việc. Còn ở thành thị, các khu doanh nghiệp mới nổi sau này, ít ai ngó ngàng đến đảng vì họ còn bận làm giàu.
Bởi lẽ khi người ta muốn vào đảng, trước hết là để ăn theo vòng hào quang quá khứ, kế đến là đi tìm quyền lợi nhằm thoả mãn những gì chưa có. Trong tình trạng một đảng toàn trị, chỉ có bộ áo cộng sản của đảng viên mới bảo đảm quyền và lợi trong cuộc sống, và thuộc vào giai cấp đứng trên và đứng trước trong xã hội.
Nhưng giờ đây, trong những khu đô thị, tầng lớp trung lưu khá giả đã có cuộc sống thoải mái về tiền bạc và tài sản nhờ kẻ hở của kinh tế thị trường, họ đang bận rộn với những chuyện chạy áp-phe, làm ăn, buôn bán, móc nối với tầng lớp cầm quyền. Nếu tham gia đảng thì phải đi họp, phải công tác và nhất là phải ngồi nghe những lý luận vừa xa vời vừa cũ rích, trong khi lý thuyết cộng sản đã tàn lụi trên khắp thế giới. Ngoài ra, từ ngày ông Trọng tung ra cái gọi là đốt lò chống tham nhũng với Quy Định 47 rồi 37 mới đây cấm đảng viên không được làm điều này điều nọ, tức đảng viên đã bị giới hạn khả năng làm giàu và tìm cơ hội tiến thân thì thử hỏi họ vào đảng để làm gì?
Đã từng có một thời gian sau Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, một số các nước nhỏ vùng lên tranh đấu đòi độc lập từ thực dân Tây phương. Lợi dụng cơ hội này, Liên Xô mở rộng ảnh hưởng của mình, thúc đẩy các cuộc đấu tranh giai cấp bằng bạo lực cách mạng khắp thế giới. Tại Việt Nam, bằng chiêu bài chống thực dân Pháp chiêu mộ được quần chúng thành đảng viên tham gia chống Pháp. Nhưng đơn giản họ chỉ là những người yêu nước và nhất là chưa biết chủ nghĩa cộng sản là gì, như nhiều người thú nhận sau khi bị vỡ mộng.
Bước sang thế kỷ 21, điều quan trọng hơn hết khiến người ta ngày càng xa lánh đảng cộng sản, vì cái gọi là lý tưởng cộng sản hay chủ thuyết cộng sản giờ đây chỉ còn là bề nổi của một quá khứ đầy tội ác. Vì trong thực tế, đảng CSVN là một bộ máy chuyên chế bảo vệ quyền lực cho một thiểu số thống trị, đang xa rời quần chúng và vô cùng tàn bạo. Kiên định xã hội chủ nghĩa đã trở thành một lời tuyên truyền vô nghĩa được chứng minh bằng sự tan rã của Liên Xô cuối thế kỷ 20.
Tóm lại đảng CSVN ngày nay, tuy cái vỏ bên ngoài được bôi màu đỏ để giữ màu sắc xã hội chủ nghĩa, nhưng bên trong đã biến thành chủ nghĩa cơ hội. Vào đảng là để kiếm “quyền” và “lợi,” nhưng khi “lợi” không còn mà còn bị cấm đoán đủ điều qua những Quy Định 47 rồi 37 thì tham gia để làm gì?
Phạm Nhật Bình