Trong dòng chảy những sự kiện hình ảnh thương tâm hàng vạn, hàng trăm ngàn người dân nghèo tháo chạy về quê sau bốn tháng dài bị cầm tù, đói khát, lo sợ kinh hoàng bởi “chống dịch như chống giặc”, ngày 8-10 dư luận bùng lên ngọn lửa thương cảm đôi vợ chồng người thợ hồ chạy xe máy từ Long An về Cà Mau chở theo 15 con chó. Câu chuyện ngắn ngủi của người chồng cho biết trong bốn tháng qua, họ chỉ được cứu trợ một lần duy nhất 15 kg gạo nhưng vẫn chia sẻ khẩu phần với đàn chó vì nó rất ngoan. Ngay trên đường đi chúng cũng ngoan. Ngay việc sắp xếp để đùm túm hai vợ chồng, 15 chú chó và cả gia tài lỉnh kinh trên chiếc xe máy đã là kỳ công.
Thiêu chó đốt cháy lòng nhân ái
Clip hình ảnh này truyền nhanh trên mạng xã hội như chút lửa ấm tình người trong vòm trời mùa đông. Tình người thợ hồ trong hoạn nạn vẫn yêu thương đùm bọc những con vật quả là đáng quý.(1)
Thế nhưng tiếp đó thông tin Cà Mau đã “tiêu hủy” đàn chó như gáo nước lạnh độc ác dập tắt chút lửa ấm mới nhen lên đó. Dư luận phẫn uất bùng nổ. Hàng vạn dòng trạng thái trên mạng Fb đã đay nghiến, nguyền rủa hành vi độc ác, phi nhân này.
Sự phẫn nộ cùng cực khiến báo chí lề phải cũng đồng loạt theo dõi, phản ánh. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau phải ra công văn yêu cầu chính quyền huyện Trần Văn Thời và ngành Y Tế báo cáo giải trình.
Ngày 10-10, UBND H.Trần Văn Thời họp báo và nội dung đươc các báo lề phải tường thuật giống hệt như nhau
Theo báo cáo của UBND H.Trần Văn Thời ngày 8.10, Trung tâm Chỉ huy xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời có tiếp nhận 7 người về từ vùng dịch; trong đó có mang theo 15 con chó và 1 con mèo vào Khu cách ly tập trung Trường THPT Khánh Hưng.
Sau đó, xã lấy mẫu test nhanh Covid-19 với 7 người nêu trên. kết quả có 4 người dương tính, Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR, các dây buộc chó mèo không đảm bảo dẫn đến chó, mèo tiếp tục chạy trong khu cách ly. Ban điều hành đã yêu cầu người nuôi quản lý để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau đó, người nhận nuôi, quản lý chó mèo tự bắt bỏ vào bao và rổ nhựa (4 con chó lớn, còn lại 11 con chó nhỏ và 1 con mèo bỏ rổ nhựa) để bên ngoài phòng cách ly.
Thời điểm này, những người trong khu cách ly và người dân xung quanh khu cách ly có ý kiến sợ chó, mèo không quản lý được sẽ chạy vào khu dân cư. Họ lo ngại lây lan dịch bệnh nên phản ánh đến UBND xã Khánh Hưng và Ban điều hành khu cách ly, nếu không đảm bảo thì thực hiện tiêu hủy số chó, mèo trên. Đến 14 giờ 40 phút ngày 9.10, có kết quả PCR dương tính cả 5 người và được ngành chức năng đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời đúng theo quy định.
Người dân tiếp tục phản ánh yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo quản lý đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng từ đêm 8 đến ngày 9.10, gia đình người nuôi chó, mèo không quản lý được như yêu cầu, để chó chạy trong khu cách ly, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Ban điều hành tiếp tục yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo quản lý để đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19, nếu không đảm bảo thì tiến hành tiêu hủy. Lúc này, gia đình người nuôi không có ý kiến gì.
Đến 7 giờ 30 phút ngày 9.10, Ban điều hành tiến hành làm biên bản tiêu hủy 15 con chó, 1 con mèo phía trước ngoài khu cách ly trước sự chứng kiến của người dân phía ngoài khu cách ly và những người trong khu cách ly (2)
Rất tiếc, đàn chó đâu phải là tang vật vật phạm tội hay nguồn lây truyền dịch bệnh mà phải tiêu hủy? Riêng với đàn chó cùng người chạy lần này lại là biểu trưng của lòng nhân ái.
FDA, CDC Chưa có cảnh báo Covid lây từ thú qua người
Cho rằng sự lo lắng của người dân địa phương về sự lây lan của đàn chó là có thật thì sự lo lắng ấy có đúng đắn không? Có cơ sở khoa học không? Nếu cứ chống mạnh tay, giết mạnh tay, cứ nghi thì tiêu hủy liệu sẽ còn tiếp tục tiêu hủy đến những thứ gì?
Lập luận này làm người ta nhớ tới những cuộc tàn sát gia cầm kinh hoàng hơn 1 thập niên trước đây. Những con chó cần phải tiêu hủy theo yêu cầu của người dân và để bảo đảm chống lây lan Covid. Nếu các biện pháp này là đúng thì liệu tiếp theo cuộc phong thành, làm hàng rào kẻm gai sẽ có thêm chiến dịch tàn sát thú nuôi để phòng chống covid vì như một quan chức cao cấp ngành Y từng tuyên bố Việt Nam luôn có những bước di chống dịch trước các nước khác?
Giới văn nghệ sĩ vốn mẫn cảm với những bức xúc xã hội đã lên tiếng mạnh mẽ và đặt vấn đề nghiêm túc, khoa học.
Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cho rằng chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy chó mèo có thể là vật trung gian lây Covid-19 cho người cả. Vì vậy hành động đem tiêu hủy 15 con chó là không thể chấp nhận.
Diễn viên Hồng Ánh bày tỏ bất bình: “Thật kinh khủng và dã man, mình không biết phải nói gì nữa. Mình cần các nhà dịch tễ học, các tổ chức trong nước và quốc tế bảo vệ động vật, bảo vệ chó mèo hãy ý kiến về hành động này… Mình sẽ gửi đơn kiến nghị cho Tổ chức FOUR PAWS (Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) sẽ ý kiến về việc này của ngành y tế huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)”(3).
Vấn đề là CoviD 19 có nguy cơ lây từ chó qua người không?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh thì virus của thú và người khác nhau như nước sông và nước biển, không ảnh hưởng tới nhau. Website của tổ chức FDA Mỹ ghi nhận “Dựa trên thông tin hạn chế có sẵn cho đến nay, nguy cơ động vật lây lan COVID-19 sang người được coi là thấp. Không có lý do gì để nghĩ rằng bất kỳ động vật nào, kể cả thú nuôi tại nơi nhốt thú, đều đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan vi rút gây ra COVID-19”.(4)
Webite của CDC cũng ghi nhận “Tại thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy động vật đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan SARS-CoV-2, vi-rút gây ra COVID-19 cho con người. Cần tiếp tục nghiên cứu thêm để hiểu rõ liệu những loài động vật khác nhau có thể bị ảnh hưởng bởi COVID-2 không và ảnh hưởng như thế nào”.(5)
Truyền Thông Việt Nam gieo sợ hãi, chính phủ siết dân
Thế nhưng trên báo Sức Khỏe Đời Sống của Bộ Y tế lại có đăng bài viết cảnh báo, Nguy cơ truyền Covid-19 giữa người và động vật. Báo này dẫn thông tin cho rằng “Tại Ấn Độ, không chỉ có con người nhiễm COVID-19 mà tám con sư tử ở Công viên thú Nehru (NZP) cũng dính COVID-19. Nhân sự kiện trên, giới khoa học cảnh báo nguy cơ lây virus giữa người và động vật là điều khó tránh khỏi”.(6)
Không chỉ riêng bài báo này mà từ nhiều tháng qua, hệ thống truyền thông lề đảng hàng phút hàng giờ ra ra những thông tin gieo rắc sự sơ hãi kinh hoàng cho người dân với Covid 19 một nỗi sợ hãi vô lối.
Chính Bô Y Tế công bố biến chủng Covid Việt Nam lai từ hai chủng kịch động của Anh và Nam Phi làm WHO phải phát hoảng lên tiếng đính chính là không thể có.
Những yêu cầu, khuyến cáo thực hiện vệ sinh phòng chống lây lan đươc nhà nước chuyển hóa thành sự kỳ thị, phân loại người dân thành F0, F1 phải cách ly với xã hội như một loại tội phạm.
Để bù đắp cho sự thiếu trách nhiệm của chính phủ trong việc mua vacxin, xây dựng hệ thống ý tế cộng đồng để phòng chống dịch, hệ thống tư vấn điều trị covid cho người dân từ gia đình đến cơ sở và bệnh viện chuyên ngành người ta đã gieo rắc nỗi sợ hãi để biến người dân thành những con vật ngoan ngoãn phục tùng theo uy quyền, sự ban ơn của đảng và nhà nước. Yên lòng chấp nhận mọi hậu quả xấu là di độc tính của biến chủng Delta.
Bài học đau xót về tử lệ tử vong cao ngất ngưỡng của TP.HCM do chính các biện pháp sai lầm chống dịch cực đoan tốn kém, xét nghiệm đại trà, cách ly tập trung vẫn không được thừa nhận và vẫn tiếp tục được áp dụng cho các tỉnh.
Vòng kim cô bất biến
Cà Mau là tỉnh ngoan ngoãn nhất, chấp hành nghiêm ngặt nhất. Ngay trong đợt đón người về quê tự phát lần này, Cà Mau càng siết mạnh hơn với quy định “Người vùng dịch về quá đông, Cà Mau cách ly tại nhà 28 ngày”. Thời gian 28 ngày không biết dưa trên cơ sơ sở nào ngoài sự hoảng sợ vô lối của chính quyền. Ấy nhưng ưu tiên cách ly tại nhà này chỉ dành cho một số người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin; người đã tiêm 1 liều vắc xin đủ 14 ngày; người đã khỏi bệnh COVID-19 thời hạn 6 tháng, khi về đến Cà Mau xét nghiệm (test nhanh) có kết quả âm tính.
Thêm nữa điều kiện nhà ở cũng phải hết sức ngặt nghèo ở tầm mức đại gia: có nhà ở riêng biệt (không sống chung với người ở tại địa phương), có khu vệ sinh riêng, nấu ăn riêng, việc tiếp tế đồ dùng, ăn uống phải giữ khoảng cách theo quy định đối với người cách ly, …..
Cà Mau cũng nằm trong 13 tỉnh phía Nam không muốn tiếp nhận người dân về quê tự phát.
Vì sao như vậy? Cũng tương tự như tình trạng mở cửa và xe vẫn không thông, máy bay, xe lửa tàu thuyền vẫn trùm chăn nằm ụ, tất cả dều sợ cái kim cô trách nhiệm.
Dù những công văn, công điện thay đổi xoành xoạch hôm 30-9 cấm “người dân về quê tự phát” đến 7-10 yêu cầu đưa đón người dân “về quê là yêu cầu chính đáng” thì cái kim cô của người đứng đầu chính phủ vẫn là “Xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch”.
Vì cái kim cô ấy chính quyền các địa phương phải “Nâng cao ý thức cảnh giác trước dịch bệnh, siết chặt việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch” “Thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly” (7)
Vì cái kim cô ấy, mỗi cán bộ dân phòng có quyền đặt luật phân loại bánh mì, tiền, thuốc ân dược có phải là hàng thiết yếu hay không. Vì cái kim cô ấy. Giám đốc trung tâm y tế huyện, Chủ tịch Thị trấn có quyền phân loại kết luận không chỉ chó mèo mà cả trâu bò có thể lan truyền dịch hay không.
Chính phạm của cuộc thảm sát 15 chú chó không phải là các cán bộ Trần Văn Thời, Cà Mau. Họ chỉ là tay sai, công cụ.
Vì vậy, sự phản biện xã hội luôn cần thiết nhưng cần đúng đối tượng đừng nhầm lẫn. Chính quyền Trần Văn Thời giết oan đàn chó vỉ sợ cái kim cô; chúng ta giết oan họ vì không nhìn ra kẻ thủ ác giấu tay và y sẽ còn tiếp tục tự tin gieo rắc cái ác cho dân tộc bằng thái độ ban ơn.
1-https://www.facebook.com/watch/?ref=search&v=1332750657143373&external_l…
2-https://thanhnien.vn/ca-mau-tieu-huy-dan-cho-do-ap-luc-ve-phong-chong-di…
3-https://thanhnien.vn/hong-anh-hua-kim-tuyen-buc-xuc-vu-tieu-huy-dan-cho-…
4-https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/cac-cau-hoi-dap-huu-ich-v…
5-https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/anima…
6-https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-nguy-co-truyen-covid-19-giua-nguoi-va…
7-https://covid19.gov.vn/thu-tuong-xem-xet-xu-ly-nghiem-minh-trach-nhiem-c…