Lâm Viên – (VNTB) – Sẽ còn nhiều ‘phiên bản’ Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng…vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Theo khái niệm này thì phía cơ quan quản lý luôn cho rằng đối tượng của tranh chấp đất đai không phải là quyền sở hữu đất, các chủ thể tham gia tranh chấp không phải là các chủ thể có quyền sở hữu đối với đất – và đây là điều không phải tranh luận, vì Điều 53 Hiến pháp năm 2013, hay Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rất rõ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Vì do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nên tranh chấp đất đai chi là vấn đề của tranh chấp ‘quyền sử dụng đất’.
Ví dụ, ở miền Nam trước 1975, đất đai được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa áp dụng tương tự như về quyền sở hữu đất đai được biết đến trong cổ luật Việt Nam, đó là thường phân thành ba loại: ruộng đất công (quân điền), ruộng đất của làng (sở hữu cộng đồng) và ruộng đất tư (sở hữu tư của cá nhân).
Từ Quốc triều hình luật tới Dân luật Bắc Kỳ năm 1931, pháp luật Việt Nam đã để lại một di sản pháp luật sở hữu về đất đai, tuy không tinh xảo, khái quát, và cao siêu như Vật quyền của người La-Mã, song cũng đủ minh định rõ ràng ai là chủ nhân của hàng trăm triệu ô thửa đất kiến tạo nên lãnh thổ quốc gia.
Thế chế chính trị ở cả nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa ở miền Nam Việt Nam đều kế thừa những tốt đẹp ấy về pháp luật sở hữu đất đai mà tiền nhân để lại.
Sau khi thống nhất hai miền Bắc – Nam, chính quyền Hà Nội đã đưa ra nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” để dễ dàng quốc hữu hóa tất cả động sản, bất động sản của các nhà tư sản miền Nam. Chính điều này cho thấy thực ra “sở hữu toàn dân”, trên hết là một khái niệm chính trị của kẻ thắng cuộc.
Trở lại với Điều 53 Hiến pháp năm 2013, và Điều 4 Luật Đất đai năm 2013.
Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 giới hạn quyền sở hữu của người dân bằng việc cho rằng: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Với cách mặc định như trên về ‘quyền sở hữu’, trong các báo cáo tổng kết năm – phương hướng cho công tác năm mới, thường viết thế này: Việc giải quyết tốt các tranh chấp đất đai của các cấp chính quyền địa phương và hệ thống tòa án nhân dân sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết những bức xúc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, đảm bảo sự công bằng trong xã hội; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong nhân dân.
Tuy nhiên trên thực tế chỉ cần vài vụ việc như Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Lộc Hưng cho thấy việc giải quyết tranh chấp đất đai diễn biến rất phức tạp của đan xen dân sự và hình sự, thậm chí cả ‘chính trị hóa’.
Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện tại tòa án nhân dân các cấp liên quan đến lĩnh vực đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tranh chấp về đất đai ở một số địa phương vẫn chưa thực sự nhận được sự đồng tình của người dân, dẫn đến nhiều vụ việc phải giải quyết kéo dài, qua nhiều cấp khác nhau; nhiều bản án, quyết định của tòa án đã tuyên và đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa được thi hành.
Chính điều đó nên ngay cả trong cách hiểu ‘sở hữu toàn dân’ về đất đai, cho thấy sẽ còn nhiều ‘phiên bản’ bức tử đất đai như ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng…