- tuankhanh’s blog – RFA
Những tin tức về Trần Huỳnh Duy Thức và cuộc tuyệt thực của ông đang rất lẫn lộn. Nhưng điều quan trọng nhất, cho thấy là việc đòi hỏi xét lại án tù dài hạn vô lý của ông Thức đưa ra, là một ca khó cho những người cầm quyền tạm ở Hà Nội lúc này: Không ai muốn chịu trách nhiệm để giải quyết, và bên cạnh đó, vẫn có thể Thức là một lá bài quan trọng để thương thảo với bên ngoài cho phía nhà cầm quyền, vốn sau đại hội 13 sẽ phải đối phó rất nhiều thứ.
Ông Thức có vẻ tạo được những sự “ủng hộ” nào đó từ phía trại giam Nghệ An, nơi những người quản lý trại ở đây nói với ông Thức lẫn cả gia đình, rằng họ ủng hộ một cách hoàn toàn việc đòi hỏi công lý cho bản án của ông Thức, kể cả khi ông Thức khởi động chương trình tuyệt thực của mình.
Thế nhưng, sau 48 ngày, kể từ khi có nguồn tin cho biết ông Thức có thể đã rơi vào trạng thái hôn mê, quản lý trại giam đã đưa ông Thức đi cấp cứu ở bệnh viện Ba Lan trong tỉnh.
Thông tin về việc cán bộ trại giam Nghệ An “ủng hộ” ông Thức đòi công lý có cái gì đó hơi khác thường. Bà Yến, chị của ông Thức, cho biết rằng cán bộ của trại nói họ cũng sẽ đồng hành với ông Thức trong việc chuyển những đơn yêu cầu tái xét bản án đến những nơi cần thiết. Thế nhưng trong suốt hơn một tháng ông Thức tuyệt thực, dường như đã không có thông tin nào cụ thể và thiết thực cho biết rằng đường đi của những lá đơn đó đến đâu, và được phản hồi như thế nào.
“Trong trường hợp thật sự có “đồng hành”, người ta sẽ đề nghị một cán bộ cấp cao nào đó đến để nói chuyện với ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhằm tạm ngăn chận cuộc tuyệt thực kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt, vì bất kỳ ai cũng biết rằng trong thời điểm trước đại hội đảng, sẽ gần không thể có một quyết định nào mang tính tích cực dành cho ông Thức. Đồng hành với hiện trạng diễn ra, có thể coi là một cách khuyến khích ông Thức hủy hoại bản thân mình mà không có lối thoát”, Một cán bộ về hưu giấu tên bình luận như vậy.
Vào ngày tuyệt thức thứ 48, (10/1/2020) – tức sau một ngày gia đình của ông Thức quyết định đến Nghệ An, Trại giam số 6, Thanh Chương, nhất quyết đòi gặp mặt ông Thức để biết tính mạng sống còn của ông như thế nào – tin tức từ trong trại bí mật lọt ra cho biết ông Thức rơi vào trạng thái có thể là hôn mê và được điều trị cấp cứu ở bệnh viện Ba Lan. Và ngay cả những người cán bộ ở trại giam này, khi tuyên bố “đồng hành” với ông Thức cũng giấu nhẹm tin tức này.
Gia đình của ông Thức hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Tuy nhiên, nguồn tin riêng của các tòa sứ ngoại quốc tại Việt Nam thì khác. Ngày thứ 49, tòa đại sứ Đức ở Việt Nam đã liên lạc với cấp ngoại giao của Việt Nam, và yêu cầu được biết về tình hình ông Thức ra sao. Thế nhưng câu trả lời là mọi thứ vẫn ổn. Ngay sau đó, tòa đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam đã liên lạc với gia đình ông Thức tại Sài Gòn và xác nhận rằng ông Thức được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện ngoài trại giam.
Trên trang facebook có tên Trần Huỳnh Duy Thức, có phát đi dòng thông cáo, sau đó:
“Trong chiều ngày 13/01/2021, gia đình nhận được tin từ Đại sứ quán Mỹ cung cấp thì anh Trần Huỳnh Duy Thức thật sự đã được đưa đến bệnh viện, ngoài ra họ không có thêm bất kỳ thông tin nào khác.
Gia đình (của ông Trần Huỳnh Duy Thức) đang vô cùng bối rối và lo lắng trước tình hình này. Tính đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Trại giam 6 về Đơn yêu cầu cung cấp thông tin chúng tôi đã gửi gấp vào ngày 11/01/2021. Chúng tôi cần các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện trách nhiệm của mình và trả lời chúng tôi về tình trạng hiện tại của anh Trần Huỳnh Duy Thức!”.
Được biết, trong những ngày ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, mỗi ngày ông phải ký vào một phiếu xác nhận ông đã không nhận khẩu phần thức ăn của trại. Từ sau một tuần tuyệt thực, ông Thức được bác sĩ của trại giam theo dõi mỗi ngày về huyết áp và tim. Vào ngày tuyệt thực thứ 25 và 42, ông Thức có ngất đi, té nhưng may mắn là không nguy hiểm. Theo gia đình cho biết, ông đã sụt 9kg kể từ khi tuyệt thực và đường huyết thường xuyên ở mức 1.8.
Nhiều phóng viên ở nước ngoài cũng như giới truyền thông tự do trong nước gọi điện thoại đến bệnh viên Ba Lan, thành phố Vinh để thăm hỏi, thì lại bị diễu cợt bởi người nhận máy “biết rồi, bệnh nhân của anh là bệnh nhân Trí Thức, hiện đang nằm ở Trại 6. Ừ, Duy Thức chứ không phải là Duy Ngủ”. Phía trả lời của bệnh viện cũng phủ nhận ông Thức có nhập cấp cứu, nhưng họ trả lời rất rành mạch về nhân thân ông Thức.
Dĩ nhiên, nếu không nhận được hướng dẫn từ Trại giam số 6, ở bệnh viện không thể trả lời suông sẻ và nhanh chóng như vậy.
Theo mô tả của một người có kinh nghiệm về trại giam, xin giấu tên, cho biết, Nếu trong tình hình khẩn cấp thì trại giam sẽ lợi dụng lúc người tuyệt thực vào hôn mê, sẽ đưa đi bệnh viện để vào nước biển và đạm. Thậm chí có thể là chích cả thuốc ngủ để có thể kéo dài việc tạm nuôi sống người tuyệt thực. Đặc biệt là vào thời điểm trước đại hội Đảng lần thứ 13, trại giam sẽ không dám để cho ông Thức chết.
Nhưng dù như thế nào, tính đến ngày 15/1/2020, khi chưa hề có bất kỳ một lời tuyên bố ngưng tuyệt thực nào của ông Trần Huỳnh Duy Thức, điều đó cũng đồng nghĩa rằng cuộc tuyệt thực của ông đã kéo dài đến ngày số 53. Điều đáng nói, lợi dụng việc ngăn cách do dịch covid-19 trại giam số 6 Nghệ An đã vẫn đang giấu nhẹm không cho người nhà của ông Trần Huỳnh Duy Thức được biết thật sự sức khỏe của ông lúc này như thế nào. Quả là một cuộc “đồng hành” đáng nhớ.
Mỗi ngày trôi qua, khi chưa có bất kỳ một lời tuyên bố ngừng tuyệt thực nào của ông Trần Huỳnh Duy Thức, điều đó có nghĩa là cột mốc lịch sử của cuộc chiến đấu bằng mạng sống của ông, vẫn đang được cộng thêm từng ngày.
Lịch sử của những cuộc tuyệt thực với kết cục đau đớn được ghi nhận trong lịch sử, có tù nhân chính trị Wilmar Villar, 31 tuổi, 2012 tại bệnh viện Santiago (Cuba) sau 50 ngày tuyệt thực. Xa hơn, có nhân vật chính trị người Ireland, nghị viên Bobby Sands, dẫn đầu Một cuộc tuyệt thực tập thể, và qua đời ở ngày thứ 66.