Tối qua có một phóng viên bất chợt hỏi về thực trạng và giải pháp cải thiện giáo dục. THỰC TRẠNG giáo dục từ quản lý, chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục, quan hệ thầy trò… đều có nhiều vấn đề, mọi người đều thấy rồi.
Về giải pháp thì nhiều, tôi chỉ xin đề xuất hai giải pháp cấp thiết.
- VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
Quốc hội phải giám sát, Chính phủ phải thực hiện đúng những gì Hiến pháp, các Luật giáo dục đã ban hành. Cơ sở nào, cấp nào, ai làm sai phải xử thật nghiêm minh.
– Ví dụ, có Luật Phổ cập giáo dục, Giáo dục bắt buộc … sao Bộ trưởng giáo dục dám trình trước QH đề án tăng thu học phí của học sinh (HS) phổ thông trong diện phổ cập giáo dục? Đáng lẽ QH phải yêu cầu BT Giáo dục trình bày lộ trình miễn học phí, miễn giáo dục phí và trợ cấp cho những HS nghèo, những HS vùng khó khăn như thế nào, từ nay đến năm 2025- 2030… Tại sao Chính phủ báo cáo kinh tế nước ta phát triển tuyệt vời, điểm sáng trên thế giới mà cứ tăng thu học phí? Tại sao không đầu tư cho giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”? Tiền của đi đâu?
– Ví dụ, không chỉ truy tố mấy người quản lý ĐH Đông Đô vì bán bằng giả, mà phải công bố những người mua bằng giả để nhận bằng Tiến sĩ; phải tước bằng TS, cách chức những người này (trước hết 50 người “có uy tín” được báo chí đã nêu). Có vậy mới nghiêm minh, có tác dụng răn đe…
– Ví dụ, vụ Liên đoàn lao động VN can thiệp vào trường ĐH Tôn Đức Thắng, cách chức Hiệu trưởng nhà trường, bất chấp các Luật về giáo dục Đại học, mà PTT Vũ Đức Đam đã nói, họ làm vậy là sai Luật, nhưng sao không xử lý đến nơi đến chốn?…
– Ví dụ, phải cách chức hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và đưa ra khỏi ngành cô giáo chủ nhiệm đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc sư phạm, đạo đức nghề nghiệp, khiến một nữ sinh đã tự tử (không chết), chứ không thể nói lấp liếm là “nghi tự tử”…
Ví dụ, xem lại Luật, quy định trường CÔNG ra Công hẳn, TƯ ra tư hẳn, đừng nhập nhèm công chẳng ra công, tư chẳng ra tư. Xem lại các khoản thu phí giáo dục của các trường hiện nay, quá sức chịu đựng của người dân; Xem lại giá Sách giáo khoa và tiến tới Nhà nước (trường) mua sách giáo khoa, cho HS mượn sử dụng…
- CẤM ÉP BUỘC HS HỌC THÊM DƯỚI MỌI HÌNH THỨC
Nhà trường, giáo viên (GV) “sinh ra” là để giáo dục HS đạt được mục tiêu giáo dục, theo chương trình, thời khoá biểu đã được xác định. Nếu có những HS không đạt được yêu cầu giáo dục thì nhà trường (GV) phải tìm các biện pháp giúp đỡ HS đó, nhưng KHÔNG ĐƯỢC THU THÊM TIỀN! Đó mới là giáo dục.
Ép buộc HS phải học thêm ngoài Chương trình, Thời khoá biểu của trường là PHẠM PHÁP! GV bắt ép HS phải học thêm, không học thì bị hắt hủi là vi phạm rất nghiêm trọng quan hệ Thầy – Trò, đạo đức sư phạm, phải bị xử lý nghiêm.
Để thực thi biện pháp này thì:
Một là, phải tăng lương (thu nhập) để GV đủ sống mà không phải kiếm thêm, nhất là CẤM bòn rút từ HS! Kinh tế phát triển mạnh như vậy, phải đầu tư cho “Quốc sách hàng đầu chứ”! Nếu chưa tăng lương đồng loạt được thì ngân sách địa phương phụ cấp cho GV đủ sống. Không chế độ nào để lương GV không đủ sống mà lại thu hút được người giỏi vào giáo dục, mà lại mong có nền giáo dục tử tế…
Hai là, Chính quyền cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện và quản lý tốt các “Trung tâm học thêm” tự do tự nguyện tại cộng đồng, không liên quan đến quản lý của nhà trường; Trung tâm nào có thầy giỏi, học phí thấp, điều kiện thuận lợi thì HS nào có nhu cầu sẽ tự lựa chọn học thêm.
Từ THCS cần giáo dục phân hoá, không bắt 90% HS phải “tiên tiến”, 40% “phải giỏi”… rồi nhà trường bắt tất cả HS phải học thêm 5 môn… Nên nhớ có em HS tự học giỏi, không cần học thêm; có em thích học thêm 1 – 2 môn; có em thích vừa học vừa chơi, trung bình là được; có em có mục tiêu vào Đại học; có em có mục tiêu học nghề; có em cốt học cho biết rồi về làm nghề truyền thống của gia đình… Tất cả các loại HS như vậy đều phải được tôn trọng. Đừng đòi hỏi mọi HS phải “thi đua phấn đấu”, “ra sức” học thêm để như nhau!
Tóm lại, giải pháp thì nhiều, nhưng thực thi được hai giải pháp nêu trên, nhất định giáo dục có chuyển biến tích cực một cách căn bản./.
17/12/2020
MVT
#VấnnạngiáodụcVN #cảithiệngiáodục