Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Nam Việt Nam những năm trước 1975 và sau này, đây là vựa lúa của cả nước, đồng thời là nơi dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam bởi đồng bằng sông Hồng có nguy cơ già cỗi vì bê tông hóa và dân cư quá đông đúc. Và điều này ngày càng hiện rõ nét hơn khi đồng bằng sông Hồng đang thiếu trầm trọng diện tích đất sản xuất, nhu cầu xây dựng quá cao, mật độ dân cư phát triển cao nhất trên cả nước và sản lượng lúa, gạo hằng năm sụt giảm đáng kể, chỉ xấp xỉ ngang với vựa lúa Tuy Hòa, Phú Yên ở miền Trung.
Câu chuyện an ninh lương thực của Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng bởi thời gian gần đây, hầu như nguồn xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam lại là Trung Quốc, giá gạo Việt Nam phụ thuộc rất nặng vào Trung Quốc và điều này dẫn đến hệ lụy là người nông dân đồng bằng Sông Cửu Long phải phụ thuộc vào thanh biểu kế giá lúa từ Trung Quốc. Trong khi đó, một mặt Trung Quốc thâu tóm gạo Việt Nam bằng các chiêu trò thao túng, đẩy giá, hạ giá, một mặt lại bóp chết đồng bằng Sông Cửu Long bằng hàng loạt đập thủy điện thượng nguồn Mê Kông. Kể từ lúc các đập thượng nguồn đi vào hoạt động, tích nước đến nay, đồng bằng Sông Cửu Long rơi vào tình trạng chết khô nhiều nơi, hạn mặn nhiều nơi, và nguy cơ này càng lúc càng thêm nặng bởi hiện tượng nóng lên của vỏ trái đất, băng tan, mực nước biển dâng cao…
Với đà như hiện tại, chẳng bao lâu nữa, đồng bằng Sông Cửu Long sẽ trở thành vùng chết, và khu dự trữ sinh quyển này sẽ bị mất dấu. Các đàn chim hồng hạc, chim cò, sếu, vạc, bồ nông… ở tràm chim đã bỏ đi gần hết, những rừng đước, sú, vẹt cũng chết dần chết mòn. Thực trạng đáng sợ nhất là các khu nhà hàng (mà khách du lịch Trung Quốc sang đây rất đông) với các món ăn đặc sản sông nước miền Tây đang chạy đua nước rút với nạn tuyệt chủng của một số loài thủy sản ở đây. Đặc biệt, nếu như nói về miệt Tây Nam Bộ ngày xưa chỉ cần mang rổ ra ruộng bắt một ít cá, tôm tép thì có thể có một bữa cơm ngon bất kỳ giờ nào… thì bây giờ, việc đó chỉ còn là ký ức, mùa cá linh èo ọp, mùa nước nổi hiếm hoi và thuốc Trung Quốc có mặt trên các đồng ruộng đã nhanh chóng tiêu diệt rất nhiều loài thủy sinh nơi đây.
Tình trạng đồng bằng Sông Cửu Long hiện tại, có thể mượn bản tin RFA để rõ: “Viện quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam (QHTLMN) ngày 7/10 thông báo mực nước lũ trong tháng 9 trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn khá nhiều so với dòng chảy tháng 8/2020.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày, dẫn thông báo của Viện QHTLMN rằng, do mực nước lũ trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp, mực nước Biển Hồ mới chỉ đạt gần 5m, dung tích Biển Hồ chỉ đạt gần 14 tỷ m3, xấp xỉ 36% so với dung tích TBNN. Ngoài ra, mực nước tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 9 ở mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng hơn 2m và đây cũng là đỉnh lũ cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay.
Dự báo thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 18-22/10. Vào thời điểm này, ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các huyện đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu của An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và Tân Hồng của Đồng Tháp là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của lũ thượng nguồn.
Nhưng với mức lũ nhận định ở dưới báo động 1, hầu hết các ô bao bảo vệ sản xuất (lúa Thu Đông, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…) cơ bản đều đủ cao trình.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho hay lũ đến cuối tháng 9 vẫn ở mức thấp, triều cường đầu tháng 10 ở mức trung bình, triều cường đợt giữa tháng 10 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2019. Về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông năm 2020”.
Ngược với miền Nam vốn trù mật, sầm uất, phồn thịnh và hào sảng một thời, giờ trở nên chộn rộn và khô khốc… Thì miền Bắc, đồng bằng Sông Hồng lại rơi vào tình trạng thừa nước mà thiếu đất. Nghĩa là hầu hết các tỉnh phía Bắc luôn bị ngập lụt, lũ quét, ngập úng trong thời gian gần đây. Một phần do nguyên nhân mật độ dân số quá đông, quá trình bên tông hóa quá nhanh, phần khác do lũ thượng nguồn sông Hồng và các con sông có đầu nguồn ở Trung Quốc liên tục đổ xuống vào mùa mưa. Bởi mùa nắng, lượng nước bị tích tụ cho mục đích thủy điện phía Trung Quốc, đến khi mùa mưa kéo về, mực nước lên nhanh và người ta cứu đập bằng cách xả vô tội vạ. Hệ quả là mùa nắng, đồng bằng sông Hồng thiếu nước, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, tới mùa mưa thì ngập úng.
Nói cho cùng thì an ninh lương thực của miền Bắc hiện tại đang ở tình trạng báo động bởi mùa màng, sinh hoạt sản xuất và nông sản bị phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc, hay nói khác đi là thương lái Trung Quốc đã làm náo loạn thị trường nông sản phía Bắc. Trong khi đó, tình hình sản xuất lúa và an ninh lương thực của đồng bằng sông Hồng gần như mất ổn định và phải phụ thuộc không nhỏ vào nguồn gạo từ đồng bằng sông Cửu Long và vựa lúa Tuy Hòa ở miền Trung.
Và, tình trạng miền Trung, cũng theo RFA: “Khu vực miền Trung trong 10 ngày tới phải đối chọi với những đợt mưa lũ liên tiếp, đặc biệt có những nơi mưa trên 1.000 mm.
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nội dung cuộc họp ứng phó với thiên tai nguy hiểm diễn ra ngày 7/10 và loan tin trong cùng ngày.
Theo lời ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát biểu tại buổi họp, một phân tích mới nhất vào sáng sớm cùng ngày cho thấy vùng áp thấp trên Biển Đông đạt mức ở cuối cấp 5 và ít khả năng mạnh lên.
Tuy nhiên, cần phải đặc biệt lưu ý vì có khả năng một áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông vào ngày 13-14/10 trùng với thời điểm đang diễn ra mưa lũ đợt hai ở khu vực Trung bộ.
Bên cạnh đó, khu vực Trung bộ sẽ có mưa lớn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới và chia làm hai đợt. Đợt một từ nay đến này 9/10, đợt hai từ ngày 12-14/10 với tổng lượng mưa hai đợt có thể lên tới 1.200 mm hoặc có nơi cao hơn.
Mưa kéo dài liên tục, tương đối lớn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị ở các tỉnh miền Trung.
Cũng tại buổi họp, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện khu vực miền Trung, Tây Nguyên có 20 hồ chứa thuộc EVN và có thể trữ được nước mưa. Tuy nhiên, ông Hải cho hay nếu nước về hồ đầy, EVN sẽ cho xả theo quy trình vận hành.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài lưu ý phía EVN cần rà soát phương án hạ du khi xả lũ vì có nhiều địa phương đồng loạt phản đối thuỷ điện xả lũ khiến tình trạng lũ chồng lũ từ bài học năm 2011.
Tại Quảng Nam, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to trong 24 đến 48 giờ tới. Tổng lượng mưa đến hết ngày 10/10 được dự đoán từ 300 – 500 mm, có nơi trên 600 mm. Dự báo sẽ có một đợt lũ xuất hiện trong 2-3 ngày tới.
Trong khi đó, ở Quảng Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa vào ngày 7/10 cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn huyện này đang có mưa to khiến 1 số con sông, suối trên địa bàn dâng cao gây cô lập, chia cắt nhiều nơi khiến hàng ngàn học sinh phải nghỉ học.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk dự báo từ 13 giờ 7/10 đến 13 giờ 8/10, Đắk Lắk tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, sạt lở vùng đất dốc”.
Qua một bản tin tóm lược, đã thấy tình hình thời tiết, khí hậu miền Trung, thiên tai, nhân họa ngày càng nặng nề hơn.
Như vậy, quá trình bê tông hóa và biến đất nông nghiệp thành đất ở, bổ sung vào quĩ thổ cư trong thị trường bất động sản Việt Nam cũng một phần làm cho sự kiệt quệ của nền sản xuất lúa Việt Nam tăng tốc. Bên cạnh đó, quá trình Trung Quốc hóa nông nghiệp Việt Nam từ các loại thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng nguồn giống gieo trồng và phụ thuộc vào Trung Quốc ở đầu ra nông sản, cộng với chủ mưu tích trữ nước, thao túng nguồn năng lượng quí hiếm này của Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy an ninh lượng thực Việt Nam đến vạch báo động đỏ.
Và, để khắc phục tình trạng này, cứu lấy môi sinh Việt Nam mà cũng cứu một phần môi sinh thế giới, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ Trung Quốc khỏi cuộc chơi kinh tế Việt Nam và làm lại từ đầu. Trước đây, nếu Việt Nam bỏ Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế cục bộ bởi ngoài Trung Quốc bóp họng, chẳng nước nào thèm xắn tay vào bóp họng hay vịn vai Việt Nam. Còn bây giờ, anh em tiến bộ đến bá vai vịn cổ, chống lưng ngày càng nhiều, còn tiếc gì mà chơi với đứa chuyên gia bóp họng người anh em chứ?!
#thủyđiệnthượngnguồnmekong #hạnmặn #đồngbằngsôngcữulong